Người chế tác nhiều bộ đàn đá nhất Việt Nam

* Cơ duyên nào đưa ông đến với đàn đá - loại nhạc cụ của các dân tộc ít người trong khi ông lại là người dân tộc Kinh?

- Tôi là người Nghệ An và là một nhạc công violon chuyên nghiệp. Năm 1956, tôi được điều động về Đoàn văn công Tây Nguyên, được thấy các nghệ nhân người dân tộc Jarai, Êđê, M'nông đánh đàn, thổi kèn và chế tác các nhạc cụ. Tôi mê quá lao vào học đánh, học làm, học đủ thứ cho đến khi các nghệ nhân hết "vốn" để dạy...

Từ đó, âm nhạc Tây Nguyên đã thấm vào máu thịt tôi. Với bản chất tò mò, tôi cải tiến đàn t'rưng, đàn k'longpút, đàn gáo dừa, đàn đá... Trong đó, việc phục chế và chế tác đàn đá là gian nan vất vả nhất!

* Ông có thể kể lại quá trình chế tác đàn đá?

- Năm 1980, khi bộ đàn đá Khánh Sơn (Khánh Hòa) được phát hiện, tôi và nghệ sĩ Đỗ Lộc được cử ra diễn báo cáo. Lần đầu tiên được thấy, được đánh trên một cây đàn cổ tôi vô cùng xúc động. Cái mà lâu nay tôi hằng mơ ước giờ đã hiện ra trước mắt. Năm 1998, tôi quyết chí đi tìm cho được loại đá giống như đá Khánh Sơn. Tôi cùng với một số người dân tộc, thuê người dẫn đường, gồng gánh nồi niêu xoong chảo, cá khô, gạo ròng rã suốt 3 tháng đi dọc Trường Sơn... cuối cùng cũng tìm thấy đá ở thung lũng Ô Kha. Tôi mang về mấy chục thanh đá đủ kích cỡ.

Viện Địa chất giám định loại đá này là trầm tích do núi lửa phun trào cách đây 200 triệu năm, đúng với loại đàn đá Khánh Sơn. Tôi vô Chợ Lớn mua 10 cây đục và một búa lớn để "đục đẽo" y như người xưa đã chế tác đàn đá Khánh Sơn. Đá rất cứng, đục vào là tóe lửa, chỉ trong ba ngày mà những cây đục và cả cây búa đều đã sứt mẻ nên tôi quyết định đem đá đi cưa cho nhanh và chắc sẽ kêu. 5 thanh đầu tiên cưa theo bản vẽ sẵn, đánh lên rất kêu gần như ý mình. Thế nhưng tôi vẫn băn khoăn là đã không ghè đẽo như người xưa, nên tôi lại đặt rèn búa đục để tiếp tục làm đàn theo phương pháp thủ công.

Nhạc sĩ Thế Viên.

< TD>

Mười mấy thanh đá còn lại, cái thì vỡ, cái thì méo mó không vừa ý một tí nào. Tuy nhiên cũng có một vài thanh khi đánh lên cũng có được âm thanh gần như mình muốn. Tuy không thỏa mãn nhưng khi đánh lên tiếng kêu khác với đá cưa. Tiếng đàn đục đẽo thì vang và đanh còn thanh cưa tiếng ngắn rỗng, không vang...

Đợt đầu không thành công, tôi lại lên đường đi lấy đá (tiền túi bỏ ra để thuê đồng bào dân tộc đi theo không dưới 10 triệu/chuyến). Lần này tôi mang về 70 thanh "đá kêu".

Việc đục đá thật gian nan nhưng tôi vẫn miệt mài nghiên cứu cách đục, cách lên dây. Đá thì hết thanh này đến thanh khác thay nhau hỏng hoặc không đúng âm thanh.

Khi chỉ còn lại 15 thanh thì tôi phát hiện được điểm mấu chốt của việc lên dây: chỉ cần đục nhẹ điểm chuẩn (gọi là rốn đàn) thì tức khắc đàn sẽ hạ âm thanh ngay, còn muốn lên thì chỉ cần đục và ghè xung quanh...

Tôi dùng máy ghi âm thu lại âm thanh của bộ đàn Khánh Sơn làm chuẩn và chỉ trong 1 tuần tôi đã làm xong bộ đàn đá 7 thanh. Từ thành công này, tôi tiếp tục phục chế bộ đàn đá Tuy An.

* Cho đến nay ông đã làm được bao nhiêu bộ đàn đá và ngoài ông ra có còn ai... đẽo đá thành đàn? Với đàn đá, điều tâm nguyện của ông là gì?

- Mấy năm qua tôi đã đáp ứng được trên 20 bộ đàn đá cho các đoàn nghệ thuật, các nhóm ca nhạc dân tộc ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh (có 4 bộ xuất ra nước ngoài). UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã từng tặng Bảo tàng Hùng Vương (Phú Thọ) một bộ đàn đá do tôi chế tác...

Tôi ước mong Nhà nước hỗ trợ và giới thiệu để một loại nhạc cụ cổ xưa và độc đáo nhất của dân tộc mình được rạng danh cùng âm nhạc thế giới, còn nguyện vọng tha thiết cuối đời tôi là được phục chế bộ đàn đá đang lưu giữ tại Bảo tàng Con Người (Paris) theo như gợi ý của cố GS-NS Lưu Hữu Phước cách đây nửa thế kỷ!