Bảo vệ Di sản văn hóa Phi vật thể từ kinh nghiệm Hàn Quốc

Phóng viên Nhân Dân điện tử vừa có cuộc phỏng vấn ông Seong -Yong Park, Giám đốc điều hành Trung tâm Di sản văn hóa phi vật thể Châu Á-Thái Bình Dương-Hàn Quốc (ICHCAP) thuộc Tổng cục Di sản văn hóa Hàn Quốc ngay sau lễ ký kết lần thứ 3 “Hợp tác về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể giữa ICHCAP  và Cục Di sản văn hóa diễn ra tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH,TT và DL) cuối tuần qua.

- Ông có thể  giới thiệu về chức năng và nhiệm vụ của Trung tâm Di sản văn hóa phi vật thể châu Á-Thái Bình Dương –Hàn Quốc?

Ông Seong –Yong Park: Trung tâm là đơn vị được UNESCO bảo trợ, có nhiệm vụ gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể ở châu Á-Thái Bình Dương,. Hoạt động của Trung tâm là tư liệu hóa, hỗ trợ thông tin và thiết lập mạng lưới hợp tác trong khu vực để bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Chính phủ Hàn Quốc rất quan tâm và hỗ trợ nhiều cho sự phát triển của Trung tâm này. Sắp tới, Trung tâm sẽ được UNESCO công nhận xếp hạng loại hai và Trung tâm di sản văn hóa phi vật thể châu Á-Thái Bình Dương sẽ trở thành tổ chức quốc tế đầu tiên tại Hàn Quốc trong lĩnh vực văn hóa.

Sẽ có một Hội đồng Ban chỉ đạo phát triển của UNESCO, chúng tôi mong sẽ mời Việt Nam tham dự Hội đồng này. Khi đó, không chỉ là quan hệ hợp tác hai nước Việt Nam và Hàn Quốc, mà quan hệ giữa Hàn Quốc và các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được mở rộng. Trung tâm sẽ hợp tác với các nước để cùng  triển khai hoạt động của trung tâm .

- Vậy, giữa Trung tâm với Việt Nam đã có hoạt động gì trong việc bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể?

Ông Seong - Yong Park: Cục Di sản văn hóa, Bộ VH, TT và DL đã hợp tác với Trung tâm của chúng tôi được ba năm. Tôi đánh giá cao hoạt động của Việt Nam để bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Cục Di sản văn hóa đang xây dựng tài liệu hướng dẫn kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể việc này rất quan trong đối với việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Những nỗ lực của Việt Nam để bảo vệ di sản văn hóa đang thu được kết quả khả thi. Bộ VH,TT và DL đã xây dựng một số trung tâm bảo vệ dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể, tới đây sẽ có thể hợp tác với chúng tôi để công tác bảo vệ dữ liệu hiệu quả hơn. Chúng tôi mong được sự hợp tác nhiều hơn từ phía Chính phủ Việt Nam.

- Ông có thể chia sẻ các chính sách cũng như  quy định, nội dung để thực hiện công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể  ở Hàn Quốc?

Ông Seong-Yong Park: Tại Hàn Quốc, cách đây khoảng 40-50 năm, khi tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng, kéo theo nhiều di sản văn hóa mất đi. Chính phủ Hàn Quốc và nhân dân nước sớm nhận ra ý nghĩa và tầm quan trọng của các di sản văn hóa. Từ năm 1962, chính phủ đưa Luật Di sản văn hóa, bảo tồn cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Ngay từ khi đó, Chính phủ đã có các hoạt động hỗ trợ tài chính để bảo vệ các di sản của mình. Luật Di sản được đề ra vẫn được tiếp tục có hiệu lực đến bây giờ và luôn được điều chỉnh để cập nhật với thực tiễn.

Bên cạnh Luật Hàn Quốc còn có một hệ thống các chính sách bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Với các chính sách cụ thể này, từng địa phương phải có trách nhiệm quan tâm bảo vệ di sản ở nơi đó. Mỗi địa phương, khu vực đều có cách bảo vệ riêng để thu hút khách du lịch. Người dân Hàn Quốc ý thức được và biết cách bảo vệ di sản. Chính phủ Hàn Quốc còn có chính sách đào tạo nguồn nhân lực để bảo vệ di sản văn hóa.

Nhiều viện nghiên cứu, trung tâm thực hành, trường đại học, trường dạy nghề được thành lập trong mấy chục năm qua vì thế mà việc bảo vệ di sản và truyền dạy tương đối nề nếp và hiệu quả. Chúng tôi còn có chủ trương giúp đào tạo trong khu vực. Hàng năm Việt Nam đều có các thực tập sinh được đào tạo ở đây.

- Việc thực hiện bảo vệ di sản văn hóa, nhất là đối với di sản văn hóa phi vật thể chắc chắn gặp nhiều khó khăn và thử thách. Vậy, có những giải pháp cụ thể nào mà Hàn Quốc dã thực hiện?

Ông Seong-Yong Park: Chúng ta nhận thấy khó khăn trong việc bảo vệ di sản  văn hóa phi vật thể hơn vật thể, bởi lẽ phi vật thể liên quan trực tiếp đến những con người cụ thể. Mỗi con người thay đổi, quy định tập quán, phương thức sống của từng địa phương thay đổi… Di sản văn hóa phi vật thể thay đổi theo thời gian. Nếu di sản văn hóa phi vật thể bị mai một thì còn mất nhanh hơn di sản văn hóa vật thể.

Truyền dạy hát quan họ cho thế hệ trẻ.

Để quản lý, Hàn Quốc đã quay phim, chụp ảnh để giữ lại nguồn gốc, hiện trạng di sản. Cơ quan nghiên cứu sẽ chịu trách nhiệm ghi chép các hoạt động công tác và kiểm tra giám sát sự thay đổi của từng di sản văn hóa phi vật thể. Mặt khác lại có các cơ quan, tổ chức luôn theo sát nghệ nhân, chủ nhân của di sản văn hóa giúp họ thực hành, để họ thấy có trách nhiệm hơn với di sản mình đang nắm giữ.

Di sản văn hóa ở Hàn Quốc nằm nhiều ở địa phương, đặc thù đa dạng. Nếu An Đông làm tốt với đặc thù của di sản văn hóa phi vật thể là mặt nạ, Chungchu tập trung bảo tồn và phát triển võ truyền thống thì Inchon lại nổi tiếng với nghề làm gốm.

Đáng chú ý là các Festival trong nước và quốc tế cũng tổ chức ở Inchon, thu hút nhiều nghệ nhân gốm và khoảng sáu triệu du khách đến đây mỗi dịp lễ hội. Mỗi lễ hội có đến gần 40 hoạt động, sự kiện tổ chức mang tính học thuật quốc tế. Đây cũng là nơi có nhiều cửa hàng và xưởng làm gốm lớn nhất Hàn Quốc. Khi gắn việc giới thiệu di sản với du lịch thì di sản còn mang lại cho chúng ta cả lợi ích kinh tế. Đó chính là cách làm để di sản phi vật thể sống trong đời sống xã hội một cách tích cực và bền vững.

- Nghệ nhân dân gian, người nắm giữ những giá trị đặc sắc, có khi là duy nhất của văn hóa truyền thống được UNESCO đánh giá là những "báu vật sống", quyết định sự sống còn của các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Vậy, việc xét duyệt và hình thức hỗ trợ nghệ nhân ở Hàn Quốc là gì để Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm thực hiện kế thừa trong thực tế?

Ông Seong-Yong Park: Hàn Quốc có 114 chủ sở hữu và tập thể sở hữu di sản văn hóa phi vật thể được ghi nhận là tài sản văn hóa quan trọng, Chúng tôi có danh hiệu Nghệ nhân danh dự, Nghệ nhân và Người thừa kế Nghệ nhân với vài trò là người trợ giảng giúp truyền dạy cho những người đựơc đào tạo. Những thợ được đào tạo có năng lực còn được nhận học bổng để phát triển nghề hoặc nghệ thuật mình đang có.

Đối với từng địa phương, còn có nhiều di sản hơn danh mục di sản văn hóa phi vật thể nói trên. Chúng tôi hỗ trợ để địa phương làm tốt nhất việc bảo vệ, không có sự so sánh đâu là di sản cấp quốc gia hay cấp địa phương.

Việc xét duyệt sẽ dựa trên một số tiêu chí cơ bản, phải có tài năng xuất sắc, thể hiện ở kiến thức mà nghệ nhân nắm giữ, phải có vai trò xứng đáng với cộng đồng, phải có sự cống hiến, tham gia vào đời sống văn hóa cộng đồng. Ðiều này để khuyến khích sự tình nguyện trong việc truyền dạy di sản, cũng như khuyến khích những người trẻ nhiệt tâm hơn với văn hóa dân tộc trong khi các nghệ nhân đều đã cao tuổi và nhiều di sản đang đứng trước nguy cơ mai một.

Kinh nghiệm bền vững của một số nước còn xây dựng chế độ cho con cái của các chủ sở hữu, nghệ nhân và những người kế tục sự nghiệp gìn giữ di sản ấy, thay vì những khoản trợ cấp bằng tiền một lần hay hằng tháng.

Chế độ hỗ trợ nghệ nhân chia ra với bốn cấp bậc. Chủ sở hữu di sản văn hóa phi vật thể quan trọng nhận được từ Chính phủ Hàn Quốc là 1.000 USD/tháng. Mỗi năm có các hoạt động công diễn, triển lãm di sản văn hóa phi vật thể, những người trình diễn tại các hoạt động này nhận được kinh phí bồi dưỡng. Với tập thể là chủ sở hữu, Hàn Quốc vẫn áp dụng cấp một số tiền nhất định cho mỗi lần đi biểu diễn.

- Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, Việt Nam  có thể làm gì để bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể hiệu quả hơn?

Ông Seong-Yong Park: Việt Nam đã được UNESCO công nhận Nhã Nhạc cung đình Huế và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là các Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Được biết, Cục Di sản vừa mở các lớp tập huấn ở Huế và Gia Lai về bảo vệ di sản nói chung và việc tôn vinh nghệ nhân nói riêng. Đầu năm 2009, Việt Nam đang nghiên cứu xây dựng hệ thống thiết lập các báu vật nhân văn sống, có sự tham gia của các cán bộ quản lý, chuyên gia Hàn Quốc.

Việt Nam cần phải xây dựng Luật Di sản văn hóa phù hợp với thực tế bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể hiện nay. Việt Nam cũng giống như Hàn Quốc có đặc thù văn hóa từng địa phương, nên cần thiết chú trọng phát triển đặc thù văn hóa của từng địa phương.

Chúng tôi mong muốn, sự hợp tác giữa Trung tâm di sản văn hóa phi vật thể châu Á-Thái Bình Dương và Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch Việt Nam có các hoạt động cụ thể hơn để có thể bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể và phát triển kinh tế từng địa phương.

- Trong tháng 3 vừa qua, ông tham gia chuyến khảo sát thực tế tại hai làng quan họ cổ Diềm (Bắc Ninh) và Hữu Nghi (Bắc Giang), hai  trong tổng số 49 làng quan họ cổ của vùng Kinh Bắc nằm trong hồ sơ gửi UNESCO xét công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vậy, Trung tâm có kế hoạch gì để  hỗ trợ Quan họ..?

Ông Seong- Yong Park: Đây là lần đầu tiên chúng tôi được xem và nghe Quan họ, cộng đồng cùng nhau trình diễn nghệ thuật trong một không gian văn hóa và truyền thống ấm cúng. Tôi có những ấn tượng hết sức tốt đẹp và sâu đậm về di sản này. Hồ sơ Quan họ đang trong quá trình thẩm định, vào tháng 9-2009, Ủy ban Liên chính phủ Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể 2003 sẽ xem xét và quyết định công bố các di sản được công nhận.

Hàn Quốc và Việt Nam là thành viên của Ủy ban này. Chúng tôi đánh giá cao những cố gắng của Việt Nam trong việc bảo vệ di sản Quan họ, chúng tôi xin hứa sẽ cố gắng làm hết sức mình để góp phần bảo vệ, giới thiệu và tôn vinh giá trị di sản Quan họ của Việt Nam.

- Mục tiêu của chương trình làm việc tại Việt Nam lần này của ông là gì?

Ông Seong -Yong Park: Tôi sang Việt Nam lần này là để ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT và Du lịch.  Sự kiện này đánh dấu bước phát triển quan trọng giữa hai quốc gia về lĩnh vực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Hy vọng, Biên bản ghi nhớ giúp hai bên hợp tác chặt chẽ hơn và làm được nhiều việc hơn trong việc bảo vệ di sản văn hóa ở Việt Nam.

Khuôn khổ các hoạt động hợp tác giữa Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hoá-Thể thao-Du lịch và Trung tâm Di sản văn hoá phi vật thể Châu Á- Thái Bình Dương - Hàn Quốc vẫn nhằm mục đích thu thập thêm tư liệu để xây dựng các chính sách bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam.

Sắp tới, Việt Nam và Hàn Quốc có kế hoạch trao đổi các dữ liệu, hình ảnh di sản văn hóa phi vật thể và hai bên cùng nhau hợp tác để bảo tồn các di sản ấy. Sự hỗ trợ và hợp tác của Trung tâm chúng tôi ở giai đoạn 1 và 2 đều gắn chặt với các mục đích mà Việt Nam đang hướng tới, đó là chính sách bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian.

- Xin cảm ơn ông và chúc cho sự hợp tác Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Di sản văn hóa phi vật thể là di sản sống, bởi nó tồn tại trong cộng đồng, trong nhóm người hoặc trong từng cá nhân, không chỉ được gìn giữ mà còn được sáng tạo, được bồi đắp qua từng thế hệ. Văn hóa phi vật thể chỉ thực sự có giá trị khi nó được người dân tiếp nhận, nuôi dưỡng và trở thành một bộ phận không thể tách rời, là bản sắc văn hóa, là đời sống tinh thần của mỗi thành viên cộng đồng.

Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch cũng cho biết: Cục Di sản văn hóa đang có kế hoạch chuẩn bị nội dung văn bản về phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian để trình Chính phủ một khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2001 được Quốc hội thông qua. Luật sửa đổi giúp các địa phương có cơ sở pháp lý để thực hiện việc phong tặng.

Tôn vinh cho những nghệ nhân dân gian cũng nhằm thực hiện Công ước UNESCO năm 2003 về bảo vệ Di sản văn hoá phi vật thể mà Việt Nam đã phê chuẩn.