“Thành ngữ sành điệu”: Thu hồi, càng lan nhanh

NDO - NDĐT – Cả tuần nay, đi đâu làm gì gặp ai, nhất là những người trẻ, hễ cứ mở miệng là ra “thành ngữ”: chảnh như con cá cảnh; bực như con mực; buồn như con chuồn chuồn; già như quả cà; dốt như con tốt; ; tào lao bí đao; lạnh lùng như thạch sùng...

Ngày 24-10, Cục phó Cục Xuất bản Nguyễn Ngọc Bảo ký công văn yêu cầu NXB Mỹ thuật có văn bản yêu cầu đối tác liên kết (công ty Nhã Nam) tạm ngừng phát hành cuốn sách Sát thủ đầu mưng mủ “để thẩm định nội dung”. Một ngày sau, chiều 25-10, NXB Mỹ thuật đã đưa ra văn bản yêu cầu đối tác thu hồi đủ 5000 cuốn sách đã in và phát hành.

Dường như sau lệnh cấm, cuốn sách càng trở nên “sốt sình sịch” và tốc độ lan truyền của những “thành ngữ sành điệu”- nội dung chính của cuốn sách càng nhanh chóng.

Khắp các mạng xã hội như facebook, yahoo... tràn ngập những câu đối thoại, những lối viết kiểu... “đúc kết” như vậy: ăn trong nồi, ngồi trong xó; trăm lời anh nói không bằng làn khói A còng; xấu nhưng biết phấn đấu; thất bại vì ngại thành công; nhan sắc có hạn, thủ đoạn vô biên; một con ngựa đau, cả tàu ăn thêm cỏ; chết vì tình là cái chết bất thình lình...

Những “thành ngữ” kiểu này, vốn không phải bây giờ mới được nghe thấy. Thỉnh thoảng lâu rồi, nghe đâu đó vài ba câu như vậy, nhưng có lẽ chưa bao giờ được dùng nhiều như những ngày này.

Quyết định thu hồi khiến cho công chúng càng tò mò và quyết tâm đi mua bằng được. Một số người khi có cuốn sách trong tay thì kêu lên bức xúc, cho rằng những “thành ngữ” thật là “khủng khiếp” và sẽ là “nguy hại” được tập hợp in thành sách, lan truyền và ảnh hưởng trong xã hội. Một số khác lại thấy rằng, đây chỉ là một ấn phẩm hài hước thú vị, không có gì phải làm ầm ĩ. Trong khi đó, cũng có người nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn: hãy lắng nghe giới trẻ thay vì vội vàng phê phán và cấm đoán.

Nhiều người cho rằng, việc xuất bản cuốn sách chỉ là sự tập hợp những câu nói thuận miệng vui tai, nếu không có ích thì cũng chẳng có gì đáng lo ngại cả. Những “gán ghép chữ nghĩa” có méo mó, có thể là khiên cưỡng cả về mặt ngữ nghĩa trên văn bản nhưng trong những văn cảnh khác nhau lại hàm chứa những ý nghĩa khác nhau. Chưa kể, nhiều câu nói được gọi là “thành ngữ sành điệu” của giới trẻ ấy, khiến người lớn phải ngẫm nghĩ. Không hiếm những câu thoạt nghe có vẻ tào lao nhưng thể hiện sự thông minh và hài hước, hồn nhiên nhưng cũng “thâm thuý”... bất ngờ của người trẻ. Biết đâu một thời gian nữa, những câu nói bị cho là “nhảm nhí” này sẽ trở thành đối tượng nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học?

Chưa bàn đến nội dung cuốn sách và những ý kiến trái chiều, tranh cãi chung quanh nó, qua việc xử lý của các đơn vị xuất bản cũng đủ cho thấy rằng: cơ chế quản lý xuất bản hiện nay quá lỏng lẻo và khi có “sự cố" thì xử lý hết sức lúng túng. Ban đầu, đơn vị liên kết xin giấy phép xuất bản cuốn sách dưới cái tên “Thành ngữ sành điệu”, nhưng khi ra sách lại thàn “Sát thủ đầu mưng mủ- thành ngữ sành điệu bằng tranh”. Số trang sách cũng đội lên rất nhiều so với trong giấy phép. Sách in ra rồi chưa nộp lưu chiểu mà cứ thế phát hành ra thị trường. Khi có một số phản ứng của dư luận thì vội vàng đưa ra quyết định thu hồi...

Nếu các nhà quản lý văn hóa và xuất bản cho rằng, đây là một cuốn sách làm ảnh hưởng đến lời ăn tiếng nói của một bộ phận xã hội, thì lệnh thu hồi dường như càng làm nó trở nên “nổi tiếng” và “ảnh hưởng sâu rộng” hơn. Chưa kể, trong khi sách thật bị thu hồi thì sách giả, sách lậu lại được in bán tràn lan và “cháy hàng”.

Một số hình ảnh minh hoạ "thành ngữ sành điệu" trong cuốn sách:

gian
muc
nhansac
ngu
cacanh
kho
ho