Xã hội hóa sự nghiệp hỗ trợ phát triển tài năng

NDO - Lao động sáng tạo và tài năng chính là cốt lõi của nền kinh tế tri thức. Thực tế sinh động trên thế giới cho thấy khả năng sở hữu trí tuệ và tạo ra những sản phẩm kết tinh giá trị "chất xám" cao đã tạo ra những bước nhảy vọt thần kỳ ở nhiều tập đoàn và quốc gia. Vị thế của lực lượng lao động tài năng ngày càng thể hiện rõ là động lực của phát triển...

Từ xưa, dân tộc ta đã đặc biệt đề cao vai trò của hiền tài và trí sĩ trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Năm 1484 (Hồng Ðức năm thứ 15), danh sĩ Thân Nhân Trung đã dâng sớ "chiêu nạp hiền tài" lên vua Lê Thánh Tông và lưu lại danh ngôn trên bia đá tại Văn Miếu Quốc Tử Giám: "Hiền tài là nguyên khí của đất nước. Nguyên khí thịnh thì nước mạnh và vươn cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu và xuống thấp. Bởi vậy các bậc thánh đế, minh vương chẳng ai không lấy việc gây dựng người tài, kén chọn kẻ sĩ, bồi đắp nguyên khí làm việc đầu tiên" (1).

Từ buổi khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều" (2).

Mới đây, Ban Tổ chức Trung ương vừa tổ chức Hội thảo khoa học: Công tác nhân tài ở Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Nhiều ý kiến đã làm rõ khái niệm về nhân tài, vị trí, vai trò của người tài và kinh nghiệm thu hút, sử dụng người tài ở một số nước trên thế giới, cùng đó đã phân tích thực trạng về đội ngũ nhân tài trên nhiều lĩnh vực cũng như những yêu cầu của giai đoạn phát triển mới đối với việc hỗ trợ, phát triển người tài ở Việt Nam.

Dường như có hai điều kiện cơ bản về đãi ngộ người tài, đó là lương bổng và điều kiện môi trường làm việc để nhân tài phát huy năng lực. Nếu lương thấp thì không thu hút được người tài, đó không phải là cách trọng dụng người tài và như vậy, người tài sẽ ra đi. Nhưng ngược lại, ở những nơi có lương cao, nhưng môi trường kỳ thị, đố kỵ và thiếu dân chủ, tự do thật sự, không minh bạch thì nhân tài cũng không có cơ hội cống hiến.

Ở thời đổi mới và hội nhập đã và đang hình thành nhiều quỹ hỗ trợ tài năng ở nhiều lĩnh vực do nhiều tổ chức kinh tế, xã hội và một số doanh nghiệp thực hiện. Ðây là hoạt động rất đáng khích lệ, góp phần tạo một "kênh mới" từ cộng đồng hòa đồng với chiến lược quốc gia về hỗ trợ phát triển người tài, góp phần ngăn nạn "chảy máu chất xám" ra thế giới...

Thực tế ở nhiều trường từ bậc tiểu học đến đại học hoặc một số cơ quan nghiên cứu khoa học tự nhiên và xã hội đã có quỹ hỗ trợ tài năng thiết thực hỗ trợ tài chính, giải pháp thực hiện đề tài để một số kết quả nghiên cứu được đưa vào thực tiễn và lớp trẻ có năng khiếu thì có cơ hội học tập để thành tài. Cơ sở là nơi nhận diện tài năng đầu tiên để kiến nghị với các cơ quan chức năng, đề xuất giải pháp hỗ trợ tài năng và giới thiệu để xã hội trọng dụng người tài, làm giàu cho đất nước.

Nhiều giải thưởng hỗ trợ tài năng trẻ đang hình thành như vinh danh thủ khoa đại học, tuyển chọn tài năng trẻ Việt Nam tiêu biểu, tài năng trẻ khoa học công nghệ và văn học nghệ thuật... Tuy nhiên việc tổ chức trao giải thưởng chưa bài bản, hệ thống tiêu chí đánh giá tài năng ở từng lĩnh vực còn bất cập và đang thiếu giải thưởng vinh danh tài năng mang tầm quốc gia, có thương hiệu nổi bật. Việc huy động các nguồn xã hội hóa cho sự nghiệp hỗ trợ tài năng cần đề cao tính minh bạch trước cộng đồng...

Rõ ràng để phát huy hiệu quả của người tài, cần tiếp tục đổi mới tư duy về tài năng, về vai trò của người tài đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Cần sớm hoàn thiện hệ thống chính sách, kế hoạch và có giải pháp hữu hiệu bồi dưỡng, thu hút, sử dụng nhân tài... định danh và phân loại nhân tài, có tiêu chí cụ thể đánh giá, sử dụng tài năng; xây dựng các thiết chế đặc thù để đào tạo, bồi dưỡng tài năng; có chính sách khuyến khích việc phát hiện và tiến cử người tài; có chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút người tài ở trong ngoài nước. Ðẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa nhân tài thu hút sự đầu tư của toàn xã hội hỗ trợ phát triển tài năng, nhất là các tài năng trẻ vì sự phát triển của đất nước trong tương lai.

..........................................

(1) Năm 1484 (Hồng Ðức năm thứ 15), danh sĩ Thân Nhân Trung đã dâng sớ "chiêu nạp hiền tài" lên vua Lê Thánh Tông và lưu lại danh ngôn trên bia đá tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội.

(2) "Nhân tài và kiến quốc" Báo Cứu Quốc số 91 ngày 14-11-1945.