Gạn đục, khơi trong

NDO - Công điện số 162/CÐ-TTg ngày 9-2-2011 của Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ: "Trong những năm qua, công tác tổ chức và quản lý lễ hội ở nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, du lịch.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc tổ chức lễ hội đã và đang xuất hiện những biểu hiện tiêu cực, phản cảm như: mở rộng quy mô lễ hội một cách tràn lan; trách nhiệm của người quản lý và ý thức của người tham gia lễ hội còn nhiều hạn chế, bất cập dẫn đến thái độ và hành vi, ứng xử chưa văn hóa đối với một số lễ hội; các hiện tượng tiêu cực như: mê tín dị đoan, xâm phạm cảnh quan môi trường, an ninh trật tự không bảo đảm, thương mại hóa lễ hội có chiều hướng phát triển... Thực trạng này đang làm giảm đi giá trị chân thực vốn có và làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa của nhiều lễ hội, gây bức xúc trong dư luận xã hội'...

Lễ hội ở nước ta luôn gắn bó với nét văn hóa làng xã và địa danh từng địa phương như một thành tố không thể thiếu vắng trong đời sống cộng đồng nhân dân. Phần lớn lễ hội gắn với sự kiện lịch sử, tưởng nhớ người có công với nước với nhiều tích trò thể hiện tinh thần thượng võ như: thi bắn nỏ, đấu vật (hội Cổ Loa) đấu võ, thi chạy,... Cùng đó là nhiều hoạt động văn hóa như thi hát quan họ, thi thổi cơm, chọi gà, dệt vải, đánh đu...

Ngày xuân ai cũng muốn dành ít thời gian để vãn cảnh, tận hưởng bầu không khí trong lành của mùa xuân. Cùng với sự hưng thịnh của đất nước, nhiều lễ hội được phục hồi và phát triển. Khá nhiều đình đền, chùa chiền được tu bổ. Người đến với lễ hội ngày một đông, trong đó có du khách nước ngoài... Sự gia tăng về số lượng và quy mô của nhiều lễ hội gần đây phần nào phản ánh sự đa dạng của văn hóa Việt Nam. Qua lễ hội nhiều phong tục, tập quán, nhiều nét văn hóa tưởng thất truyền nay tái hiện sinh động.

Sự phong phú của lễ hội ở Việt Nam chính là nét đẹp văn hóa dân tộc và là sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Nhìn chung, những năm gần đây, công tác tổ chức và quản lý hoạt động lễ hội ở nhiều địa phương có nhiều chuyển biến tích cực. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở nhiều cơ sở đã quan tâm tới những hoạt động có ý nghĩa này. Vì thế, hầu hết lễ hội dân gian đã tuân thủ quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Tuy nhiên, qua báo cáo gần đây ở một số địa phương và qua khảo sát mới đây của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, việc tổ chức và quản lý lễ hội truyền thống đang còn nhiều bất cập và lệch lạc cần sớm được hiệu chỉnh.

Lác đác có nơi 'khoán trắng' cho ban quản lý di tích hoặc nhóm người 'đăng cai' tổ chức lễ hội. Nhiều trò chơi đậm mầu sắc dân gian này bị mai một hoặc chỉ tái hiện mờ nhạt. Trong khi đó, một số hình thức 'giải trí' nhuốm mầu đỏ đen núp dưới dạng vui chơi có thưởng như 'tôm, cua, cá', quay số, đánh cờ tướng ăn tiền... lại bành trướng. Chưa kể là có sự 'phục hưng' của nhiều dạng dị đoan như: xóc thẻ, xăm, vay tiền, bói toán... Dường như đang có sự ganh đua, phô trương về tổ chức lễ hội; một số lễ hội ít được biết đến nay diễn ra hoành tráng và đương nhiên là tốn kém. Trào lưu lễ hội chạy theo những cái 'nhất'... miễn sao tạo được tiếng vang là phổ biến trong khi đó nhiều giá trị văn hóa đích thực ít được đề cao.

Nạn chèo kéo khách 'mặc cả giá trị tâm linh' diễn ra công khai. Có một số nơi vốn tôn nghiêm nay như cái 'chợ' bát nháo - điều này dễ nhận thấy ở lễ hội Bà Chúa kho. Ở một số đình, đền chùa dịp lễ hội vào cửa còn bị mất tiền như ở đền Quán Thánh là một thí dụ.

Ở góc độ đời sống tâm linh ước nguyện tu thân, hướng thiện, cầu điều lành sẽ góp phần điều chỉnh hành vi con người. Tuy vậy, nhiều người đến cửa thiền nay chỉ mong danh lợi trái với 'tỉnh', 'giác', 'ngộ' để bớt 'tham, sân, si' hướng đến 'từ bi, hỷ xả, bác ái' vì chúng sinh của Phật... Ðáng buồn thay nhiều điểm lễ hội vàng bạc, đồ hàng mã được rải và đốt hào phóng, khói hương nghi ngút đến ngạt thở. Tiền lẻ (tiền thật) được người đi lễ vứt lên mái nhà, xuống đường đi, hồ nước kể cả những điểm không phải nơi thờ tự, cúng bái. Trước đây đốt vàng mã là tượng trưng nay thì hình thành cả 'ngành công nghiệp sản xuất' sản phẩm này. Người ta cúng thần linh: quần áo, điện thoại di động, xe hơi đời mới, căn hộ cao cấp và cả người đẹp chân dài theo hầu...

Trải qua nhiều nghìn năm, lễ hội dân gian đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của cộng đồng. Các nội dung hoạt động của lễ hội cần đựơc 'gạn đục, khơi trong' để lựa chọn, phát huy những yếu tố phù hợp, tích cực để đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân nhưng cần kiên quyết bài trừ những yếu tố phi văn hóa, góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc.