Vì khát vọng phát triển đất nước

Diễn ra sáng 14/12 tại Hội trường Diên Hồng, được kết nối với các điểm cầu cả nước theo hình thức trực tuyến, dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc là một dấu mốc quan trọng trên tiến trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII hồi đầu năm nay.

Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, đối ngoại là một trong những lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý. Có thể nói, công tác đối ngoại đã sát cánh cùng cả hệ thống chính trị và toàn dân, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị lớn trong cả nhiệm kỳ qua, với rất nhiều thành tựu đáng chú ý.

Điều này được minh chứng hùng hồn thông qua những sáng kiến, đề xuất và vai trò kết nối của Việt Nam khi giữ cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Chủ tịch ASEAN năm 2020, góp phần củng cố, tăng cường và nâng cao hiệu quả của các định chế, kế hoạch, khả năng hợp tác quốc tế đa phương, từ nó nâng tầm và phát huy vị thế Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Đặc biệt, trong những thời khắc vô cùng khó khăn trước những diễn biến ghê gớm của đại dịch Covid-19 toàn cầu, công tác đối ngoại-được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ-đã đảm nhiệm xuất sắc vai trò xung kích chủ lực trong chiến lược "ngoại giao vaccine", từ đó bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân, duy trì sự ổn định trong xã hội, đà phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, như văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ ra: Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo, cả thách thức và cơ hội đều đan xen, trong đó thách thức lớn hơn. Những chuyển biến của cục diện thế giới và khu vực tác động nhiều mặt tới Việt Nam do chúng ta ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới và khu vực. Do đó, nhiệm vụ đối ngoại cũng càng trở nên quan trọng và nặng nề, vừa nhằm thích ứng và ứng phó với bối cảnh thế giới và khu vực biến động mạnh, vừa phục vụ những mục tiêu phát triển chiến lược của đất nước giai đoạn tới.

Bởi vậy, Việt Nam cần tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Đây là nội dung hết sức quan trọng, xuyên suốt trong đường lối đối ngoại của Đảng thời kỳ đổi mới. Độc lập, tự chủ vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng của đối ngoại Việt Nam. Chỉ có độc lập, tự chủ, chúng ta mới có thể hội nhập quốc tế thành công, phát huy đầy đủ thế mạnh, phục vụ lợi ích quốc gia-dân tộc, xử lý được các mối quan hệ quốc tế phức tạp trong môi trường đầy bất định, khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen như hiện nay. 

Dựa trên "kim chỉ nam" đó, phục vụ khát vọng phát triển của đất nước, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc năm 2021 có nhiều tham luận đóng góp ý kiến nhằm phát huy đường lối đối ngoại của Đảng, nhất là việc thích ứng linh hoạt với tình hình mới, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Cùng những ý kiến tham mưu nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa lĩnh vực kinh tế đối ngoại, Hội nghị một lần nữa khẳng định: Đường lối đối ngoại của Việt Nam phù hợp xu thế phát triển của thế giới. Do đó, trước những thách thức dồn dập và gian nan của thời kỳ mới, chúng ta hoàn toàn có thể "chuyển nguy thành cơ", thông qua các hoạt động đối ngoại sáng tạo, linh hoạt, chủ động, uyển chuyển, thực hiện quyết tâm xây dựng trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam như thông điệp tại Hội nghị của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.