Tránh đứt gãy chuỗi cung ứng

Từ chiều tối 18/7, lượng người mua sắm tại các siêu thị, chợ ở Hà Nội tăng đột biến sau khi UBND thành phố ban hành công điện triển khai biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, áp dụng từ 0 giờ ngày 19/7. Nhóm hàng nhu yếu phẩm, hàng tươi sống, rau, củ, quả,... được khách hàng lựa chọn nhiều khiến nảy sinh tình trạng trống kệ, hết hàng tại một số siêu thị.

Xuất phát từ mối lo thiếu hụt nguồn cung, thường khi có thay đổi trong phòng, chống dịch, người dân lại ồ ạt tích trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa. Hiện tượng này diễn ra tại nhiều địa phương. Trước ngày áp dụng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, người dân TP Hồ Chí Minh vẫn đổ về trung tâm để mua sắm khiến một số mặt hàng bị thiếu hụt. Tại 16 tỉnh, thành phố phía nam, ngay khi công bố áp dụng Chỉ thị số 16 (từ 0 giờ ngày 19/7), sức mua tăng cao làm một số loại hàng hóa khan hiếm.

Để ổn định thị trường, ngành công thương chuẩn bị kịch bản bảo đảm dự trữ đầy đủ nhóm hàng thiết yếu, tăng lượng hàng hóa, tăng đầu mối cung cấp, ổn định giá cả, tạo điều kiện thuận lợi để lưu thông hàng hóa. Cùng với đó, cơ quan, ban, ngành từ trung ương tới địa phương khẳng định hàng hóa, nhu yếu phẩm được cung cấp đầy đủ, khuyến cáo người dân không mua quá mức cần thiết, dễ tạo sốt giá, hạn chế tập trung đông người để tránh nguy cơ lây nhiễm…

Nhờ xây dựng trước phương án chuẩn bị, đến nay, hoạt động cung ứng trên phạm vi cả nước, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố áp dụng Chỉ thị số 16, bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng, lượng hàng hóa, nhu yếu phẩm được cung ứng đầy đủ. Ngoài một vài thời điểm thiếu hàng hóa cục bộ, về cơ bản hàng hóa trên thị trường khá dồi dào, không xảy ra mất cân đối cung cầu.

Diễn biến dịch Covid-19 những tháng qua tại nước ta khá phức tạp, đặc biệt khi xuất hiện chủng mới Delta. Khi dịch bệnh chưa sớm được đẩy lùi thì việc một số tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch sẽ được áp dụng, người dân còn phải tiếp tục "sống chung với SARS-CoV-2" trong thời gian chưa thể xác định.

Bởi vậy, cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu, nhất là lương thực thực phẩm, rau, củ, quả, hàng tươi sống, thuốc chữa bệnh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng trong thời gian lâu dài là nhiệm vụ lớn của nhiều bộ, ngành trọng yếu. Các bộ, ngành như công thương, giao thông, y tế, công an, quân đội… và các địa phương phải phối hợp nhịp nhàng để làm tốt việc lưu thông phân phối, điều tiết hàng hóa.

Để hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng, phải có nguồn hàng đủ sức chi phối thị trường. Muốn vậy, ngành nông nghiệp phải vừa phòng, chống dịch, vừa phải bảo vệ vùng sản xuất, vùng nguyên liệu, hướng dẫn, tạo điều kiện cho nông dân sản xuất, trồng trọt, tránh ùn ứ trong tiêu thụ. Ngành công thương đánh giá dự báo tình hình, khảo sát và nắm bắt nhu cầu hàng hóa từng địa bàn, kết nối nhà cung cấp và người tiêu dùng, chuẩn bị hàng và tổ chức mạng lưới cung ứng, đa dạng hóa phương thức bán hàng, xử lý kịp thời vi phạm, ngăn chặn đầu cơ, tích trữ.

Ngành giao thông vận tải cần kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, triển khai cấp mã QR, lập "luồng xanh" vận tải, không để đình trệ lưu thông hàng hóa. Ngành y tế xây dựng quy trình rút ngắn thời gian xét nghiệm nhanh Covid-19 cho lái xe, hỗ trợ nhân lực, vật lực cho công tác xét nghiệm. Các địa phương cũng cần phối hợp chặt với các bộ, ngành, cơ quan chức năng bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu đến tay người tiêu dùng…

Khi có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương và người dân, chắc chắn chuỗi cung ứng từ sản xuất, thu hoạch, vận chuyển, đến phân phối sẽ thông suốt, thị trường duy trì ổn định, nhu cầu thiết yếu ở các vùng dịch cũng như trên cả nước được đáp ứng, lợi ích kinh tế và đời sống của nhân dân được bảo đảm.