Trách nhiệm nêu gương

Tuần qua, có một câu chuyện ít nhiều gây chú ý. Đó là việc chủ tịch ủy ban nhân dân (UBND) một phường ở Hà Nội ra quyết định xử phạt hành chính chính bí thư đảng ủy của phường đó vì không đeo khẩu trang khi đi bộ từ trụ sở cơ quan ra chốt kiểm dịch trên địa bàn để nhận hàng hóa. 
 

Thông tin báo chí cho biết, hôm đó là ngày nghỉ, bí thư đảng ủy phường làm việc tại cơ quan, quãng đường ra đến chốt không xa… Nhưng do vi phạm hành chính về việc không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế, cá nhân bí thư đã chấp hành nộp phạt. 
Trước đó, tiếp nhận thông tin và hình ảnh do người dân phản ánh, chủ tịch UBND phường nói trên, căn cứ Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ, quyết định mức phạt với người vi phạm là hai triệu đồng. 

Vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19 thì dù là cán bộ, hay người dân đương nhiên phải chịu phạt, cơ quan chức năng hiển nhiên không thể nể nả hay xuê xoa bỏ qua. Các quy định càng phải áp dụng chặt chẽ hơn, đặc biệt trong giai đoạn cả đất nước đang phải dồn sức ứng phó dịch bệnh. Câu chuyện đơn giản, tình tiết cũng không phức tạp nhưng để lại một vài điều đáng suy ngẫm. 

Trên thực tế, ở cấp phường, cấp xã, hay gọi chung là đơn vị hành chính cấp cơ sở, quan hệ giữa người dân và cán bộ, giữa cán bộ và cán bộ thường là gần gũi, đôi khi có mối thâm tình không dễ để đưa ra quyết định xử phạt một cách nhanh chóng, dứt khoát như vậy. Chưa kể, về mặt đảng, chủ tịch UBND này đồng thời là phó bí thư đảng ủy phường, còn là cấp dưới của bí thư. Theo cách nghĩ thông thường, việc này là “nhạy cảm”, “đụng chạm”. 

Quyết định của chủ tịch UBND phường xử phạt đối với bí thư đảng ủy phường khá hy hữu, song cho thấy vị đứng đầu chính quyền phường thực thi công vụ một cách công minh, nghiêm túc tuân thủ pháp luật và các chỉ thị, quy định. Hành động của bí thư là đáng tiếc đối với một người giữ trọng trách cao nhất ở phường đó, song việc đồng chí tuân thủ quyết định phần nào thể hiện đã ý thức được lỗi vi phạm, trách nhiệm của mình. Người dân chụp ảnh, phản ánh sự việc tới các cấp có thẩm quyền cũng chính là thực hiện quyền giám sát đối với cán bộ.

Từ câu chuyện nhỏ của một phường, có thể thấy, để công tác ứng phó dịch Covid-19 thành công, đạt được kết quả cao nhất từ cấp cơ sở, trước hết, người nắm giữ trọng trách cần xác định rõ trách nhiệm nêu gương, giải quyết, xử lý tình huống vi phạm nghiêm túc, quyết liệt, phân minh. Có như vậy mới dẫn dắt, truyền cảm hứng cho cấp dưới, tạo dựng niềm tin trong nhân dân, gắn kết mọi cá nhân, tập thể chung sức, đồng lòng ủng hộ Đảng, Nhà nước ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19.

Tương tự, việc gần đây các địa phương như Nghệ An, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Bến Tre… tiến hành xử lý kỷ luật cán bộ do vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19 bằng hình thức đình chỉ công tác, giáng chức, thậm chí cách chức, cũng đang được dư luận đồng tình. Không ít địa phương điều chuyển công tác cán bộ khi phát hiện cán bộ lơ là, chủ quan thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Càng làm chặt, làm nghiêm, cùng đó đội ngũ cán bộ chủ động phát huy tích cực vai trò của mình, cơ hội để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh càng lớn.

Đây cũng là tín hiệu tích cực cho thấy ý thức thượng tôn pháp luật đang thấm nhuần vào đời sống, điều chỉnh hành vi, hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cán bộ và công dân. Chấp hành pháp luật, chỉ thị, quy chế, quy định là bổn phận, cũng là thước đo ý thức chính trị của người nắm giữ trách nhiệm trong bộ máy. Việc này càng cần được phát huy, không chỉ trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh mà còn ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề, mọi lúc, mọi nơi.