Tốc độ của virus và nhận thức

Việt Nam đang phải đối mặt với một số trở ngại trong việc khởi động lại nền kinh tế sau thời gian cách ly xã hội kéo dài. Ảnh: THANH GIANG
Việt Nam đang phải đối mặt với một số trở ngại trong việc khởi động lại nền kinh tế sau thời gian cách ly xã hội kéo dài. Ảnh: THANH GIANG

Nói một cách hình tượng như vậy, là để thấy sự cam go, cấp bách, tính bất thường, liên tục của cuộc chiến chống dịch Covid-19 trong suốt thời gian qua, đến hôm nay, và cả tương lai nữa. Và điều đó đòi hỏi sự linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo một cách thường xuyên, liên tục trong bối cảnh thích ứng với điều kiện bình thường mới hiện nay.

Không thể không giật mình thấy số ca mắc Covid-19 gần đây đã tăng vọt đến đáng sợ! Cả nước đã vượt con số ba triệu ca nhiễm từ trước đến nay, vẫn tiếp tục thêm hàng chục nghìn F0 mỗi ngày. Thủ đô những ngày cuối tháng hai vừa qua đã vượt hơn chục nghìn ca mới hằng ngày; nhiều tỉnh, thành phố lên mức vài nghìn ca mỗi ngày. Khu vực Hà Nội đã có đến hơn 70 xã, phường chuyển màu cam - cấp độ 3 trong phòng, chống dịch. Thậm chí, đó là con số theo báo cáo và công bố. Còn thực tế, với những trường hợp giấu bệnh, không báo cáo; hoặc y tế cơ sở do quá tải, không rà soát, theo dõi được hết, thì số F0, và kéo theo là F1 có nguy cơ chuyển thành F0… sẽ khó tính toán được hết.

Phải thấy rằng, việc tiêm chủng nhanh chóng, thần tốc, được đánh giá là đạt đến miễn dịch cộng đồng đã giúp phủ vaccine ngừa Covid-19, hạn chế tốc độ lây lan trong xã hội và mức độ nặng khi nhiễm bệnh. Nhưng thực tế cũng đang đặt ra nguy cơ nhãn tiền khi tốc độ lây nhiễm quá nhiều và nhanh gây quá tải hệ thống y tế; tăng số ca nặng, ca tử vong do không được điều trị kịp thời; rộng hơn, gây ảnh hưởng nặng nề lên nhiều mặt hoạt động kinh tế-xã hội.

Trong khi đó, thời gian qua, tích cực phát huy tinh thần phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh thích ứng mới, nhiều lĩnh vực, ngành nghề, địa phương đã và đang thực hiện "mở cửa", từ sản xuất tại các khu công nghiệp, giao thông, giao thương, đến du lịch, và rất nhiều hoạt động dịch vụ xã hội, văn hóa ở các đô thị lớn, các vùng trung tâm…

Không thể áp dụng những biện pháp theo kiểu ngăn cản, hạn chế như trước kia, hoặc những quy định kéo dài, vốn có lúc đã vận dụng cứng nhắc gây ảnh hưởng đến sự vận hành xã hội. Nhất là khi nhu cầu sống, làm việc mưu sinh của quần chúng nhân dân là rất lớn. Cũng không thể "thả nổi", hay có tâm lý "để cuộc sống tự điều chỉnh", "người dân dần phải tự lo"…, từ đó sẽ dễ dẫn đến những nguy cơ tiêu cực gây mất an toàn sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động lao động, sản xuất, mất an ninh, trật tự, ổn định xã hội.

Tuy nhiên, dường như đang có sự lúng túng nhất định, có sự chậm trễ, có hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành, trong việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng, địa phương nhằm ứng phó linh hoạt tình hình dịch đang diễn biến phức tạp hiện nay. Đây quả là cái khó, sự thách thức căng thẳng đối với các cơ quan chức năng, các địa phương; thách thức với người dân trong việc vừa tự bảo vệ mình, vừa tiếp tục bảo đảm các hoạt động thông thường để duy trì đời sống.

Thời gian qua, chúng ta liên tục nói "bình thường mới", nói "thích ứng". Nhưng không có nghĩa sự bình thường và thích ứng đó đứng yên, giữ nguyên về nhận diện và ứng phó tình hình. Sự thay đổi chóng mặt của dịch bệnh cùng những tác động nhiều chiều đến xã hội, đến tinh thần, tâm lý của quần chúng nhân dân đòi hỏi các cơ quan chức năng, bộ, ngành, chính quyền địa phương cần nắm bắt kịp thời và chủ động có những điều chỉnh, xử lý phù hợp từng chặng thời gian, từng tình huống cụ thể, ở những địa bàn khác nhau. Nhận mặt virus từng ngày, chính là để bám sát thực tế diễn biến, làm tốt những công việc ngày càng chồng chất và áp lực đó.