Tinh thần cố kết cộng đồng

DÂN ta trên khắp mọi miền đất nước hay làm ăn sinh sống ở nước ngoài, thuộc bất cứ thành phần dân tộc nào, thì từ sâu xa tâm khảm cũng đều đinh ninh mình mang dòng máu Cha Rồng Lạc Long Quân và Mẹ Tiên Âu Cơ. Mẹ mang thai bọc trứng, sinh hạ 100 con - 50 con gái theo Mẹ khai khẩn núi rừng, 50 con trai theo Cha khai phá đồng lầy ven biển. Hai tiếng "đồng bào" (cùng trong bọc trứng) vì thế trở nên thiêng liêng biết mấy!

Mẹ Âu Cơ là nguồn cội tín ngưỡng thờ Mẫu. Theo PGS, TS Trần Lâm Biền, thì cố GS Từ Chi và các đồng nghiệp trẻ, vào những năm 70 của thế kỷ 20 đã nhận ra rằng: Hầu như mọi tôn giáo lớn đều được du nhập từ bên ngoài, chỉ riêng tục thờ Mẫu, được coi là một trục chính của tín ngưỡng dân gian, đã tồn tại suốt cả mấy nghìn năm như một đối trọng về mặt tâm linh với các tôn giáo bên ngoài, để ta vẫn là ta, góp phần bảo vệ một bản sắc văn hóa dân tộc muôn đời, muôn thuở. Cố PGS Vũ Ngọc Khánh từng cất công đi khảo sát thực địa, nơi mà "50 con gái của Cha Rồng, Mẹ Tiên theo Mẹ lên rừng". Ông chia sẻ với người viết bài này rằng ông tìm ra tới gần 50 "miếu" mà dân địa phương truyền tụng là thờ Mỵ Nương - con gái các Vua Hùng.

Chẳng lẽ bọc trăm trứng có thật hay sao! Ồ không, đó chỉ là huyền sử. Nhưng huyền sử nào cũng chứa một hạt nhân hiện thực. Rằng "miếu’’ ấy thờ Mẫu. Mà Mẫu ấy, như trên đã nói, là sản phẩm tư duy bản địa, một bản sắc văn hóa dân tộc muôn đời, muôn thuở. 

Ngày trước các bà mẹ còn đưa nôi và hát ru con:

Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn…

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Trên tiến trình lịch sử lâu dài, nhiều cư dân từ các nước khác đến sinh sống trên đất nước ta. Những cư dân mới này được cưu mang, đùm bọc và nhanh chóng gia nhập cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Sự cố kết cộng đồng này đã gia cố sức mạnh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và giúp nhau làm ăn sinh sống.

Khi Tổ quốc lâm nguy, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, mở đầu bằng chính hai tiếng "đồng bào" thiêng liêng: "Hỡi đồng bào toàn quốc!". Và Người khẳng định: Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Sức mạnh vô địch của khối cố kết cộng đồng được kích hoạt để chín năm sau, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết ngày 20/7/1954, buộc Chính phủ Pháp phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam…

Khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc xảy ra, thì chính đồng bào từ phía bắc đến Việt Nam sinh sống thuộc nhiều nhóm ngôn ngữ khác nhau như: Tày-Thái, Kadai, Môn-Khmer, Hán, Tạng-Miến… đều đứng lên giữ làng, giữ bản. Nhiều trai trẻ đã gia nhập các lực lượng vũ trang và dân quân chiến đấu quyết liệt trên khắp các ngả chiến hào.

Ngày nay, đất nước lâm nguy vì "lũ giặc" vô hình Covid-19. Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", nhờ sức mạnh từ cố kết cộng đồng mà ta huy động được mọi nguồn lực trong nước và từ hợp tác quốc tế, bắt đầu từ ý thức tự giác của mỗi người dân tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc "5 K" tự bảo vệ mình, bảo vệ người thân cho đến cả cộng đồng.

CUỘC chiến với lũ giặc vô hình ấy còn lâu dài, gian khổ. Tổn thất ở mức thấp nhất mà an toàn cho cả cộng đồng, đó là thử thách lớn và lâu dài đối với bản sắc dân tộc ta là thích ứng nhạy bén, thông minh trong sự dẻo bền vô hạn…