Tinh thần "5 thật"

Trong Hội nghị trực tuyến mới đây của Chính phủ với các địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp sáu tháng cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu phát biểu ngắn gọn, thực chất, dễ nhớ, dễ hiểu, chỉ ra điểm mấu chốt. Theo đó, khi nhận định tình hình, góp ý kiến về mục tiêu, giải pháp, nhiệm vụ…, các đại biểu phải gắn với tinh thần "5 thật". Năm chữ "thật" gồm: nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật các thành quả.

Ðây không phải lần đầu "5 thật" được nhắc đến. Từ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 thảo luận về công tác phòng, chống dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và năm tháng đầu năm, các giải pháp trong những tháng cuối năm…, tinh thần ấy đã được đề cập qua việc yêu cầu các đại biểu đi vào vấn đề cốt lõi. Tập trung vào những giải pháp mang tính trách nhiệm cao, sát thực tế, nhiều quyết nghị đã được Chính phủ đưa ra với tiêu chí bảo đảm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân, thực hiện hiệu quả "nhiệm vụ kép".

Trước đó, Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4 xác định Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng không quyết định thay những việc đã phân cấp, ủy quyền hoặc thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan, địa phương. Quyết định số 593/QÐ-TTg về phân công công tác ngày 22/4 chỉ rõ người đứng đầu Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, điều hành công việc lớn, quan trọng, vấn đề có tính chiến lược, không xử lý "nhiệm vụ, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, công việc đã phân công cho Phó Thủ tướng". Phó Thủ tướng có thể "thay mặt Thủ tướng quyết định và chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện, mọi mặt trước Thủ tướng, trước Chính phủ và trước pháp luật về nhiệm vụ, lĩnh vực, cơ quan được phân công theo dõi, chỉ đạo…".

Nguyên tắc phân công như vậy là rõ trách nhiệm, thẩm quyền, tạo thuận lợi cho Chính phủ và bộ máy hành chính vận hành thông suốt. Khi xác định được công việc thuộc về ai, về cấp nào, các bộ, ngành, địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm với công việc được phân công, hạn chế né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, "làm thật" để đạt "hiệu quả thật".

Chính việc thúc đẩy tinh thần "5 thật" qua từng hành động của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, chỉ trong một thời gian ngắn, Chính phủ sau khi được kiện toàn đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện lượng công việc đồ sộ như: bám sát Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng; tổng kết Quy chế làm việc của Chính phủ; rà soát sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; phòng, chống dịch Covid-19 và tiêm vaccine; giải ngân vốn đầu tư công; triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP về hỗ trợ người dân khó khăn và mới đây là Nghị quyết số 68/NQ-CP về hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp; tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông…

Thước đo của "5 thật" trong hành động từ cấp điều hành cao nhất của Chính phủ đã được phản ánh qua tốc độ tăng GDP quý II năm nay ước tăng 6,61% so cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II/2020. Tính chung, GDP của sáu tháng đầu năm nay tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của sáu tháng đầu năm 2020. Ðây là con số khá thuyết phục đặt trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Không chỉ qua lời nói, tinh thần "5 thật" thể hiện ở hành động. Và đây chính là tiêu chí giúp các bộ, ngành, địa phương bao quát công việc, quyết tâm cao, hành động quyết liệt hơn, đáp ứng lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Tinh thần "5 thật" cũng sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giảm khâu trung gian, thủ tục không cần thiết, gây ách tắc công việc. Khi tinh thần này được lan tỏa, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có thể huy động nguồn lực trong nhân dân, trong xã hội, trong doanh nghiệp một cách có hiệu quả.