Thưởng và phạt

Tuần qua, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho một số thành viên Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19 (TTT) thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Đây là các tình nguyện viên, chuyên gia công nghệ thông tin đóng góp cụ thể, thiết thực từ những ngày đầu phòng, chống dịch Covid-19.

Lễ trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, được thực hiện ngay tại cuộc làm việc của Phó Thủ tướng với TTT, để lại nhiều cảm xúc. Các thành viên TTT không khỏi bất ngờ khi nhận được sự quan tâm, đánh giá, biểu dương của Thủ tướng Chính phủ, coi đó là nguồn động viên tinh thần to lớn trong thời điểm cả Tổ đang khẩn trương làm việc để đưa ra đánh giá kịp thời, phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Cũng trong tuần, ba cá nhân ở Quảng Nam được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đề ra giải pháp đi kèm hành động, bảo đảm mục tiêu vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng vì năng lực phòng, chống dịch, với phương pháp xét nghiệm lấy mẫu “gộp năm”; ba tập thể và bốn cá nhân tại Đông Anh (Hà Nội) với cách làm hiệu quả thể hiện ở mô hình cách ly “ba lớp”… Nhiều địa phương chủ động biểu dương, khen ngợi cá nhân, tập thể đạt thành tích phòng, chống Covid-19.

Có thưởng, dĩ nhiên có cả phạt! Cùng thời gian qua, trên cả nước, không ít người bị xử phạt hành chính, do vi phạm liên quan công tác phòng, chống dịch Covid-19. Từ ngày 29-4 đến 16-5, Công an thành phố Hà Nội xử lý vi phạm 3.600 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng với mức tiền phạt hơn 5,6 tỷ đồng. Trong đợt dịch thứ tư này, tính đến ngày 17-5, TP Hồ Chí Minh  xử phạt 485 người vi phạm về khẩu trang, tổng cộng mức phạt là 931 triệu đồng. 

Nhiều cá nhân bị xử phạt do trốn tránh biện pháp cách ly y tế, không ít cơ sở dịch vụ vi phạm quy định phòng, chống dịch bị rút giấy phép hoạt động. Gần đây, việc kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Đảng ủy, giám đốc một công ty xây dựng tại Hà Nội do vi phạm về khai báo y tế; hay việc khởi tố vụ án làm lây lan dịch Covid-19 ở một số địa phương cho thấy sự khẩn trương, quyết liệt của cơ quan chức năng.

Cùng đó, nhiều chế tài áp dụng tăng nặng. Đơn cử, trước ngày 15-11-2020, ai không đeo khẩu trang thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Sau thời điểm đó, mức phạt áp dụng theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP tăng gấp mười lần. Hành vi vi phạm như che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng nhiễm dịch Covid-19 của bản thân hoặc của người khác; giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người nước ngoài vào Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép… đều bị xử lý nghiêm, có trường hợp xử lý theo Bộ luật Hình sự. 

Khen thưởng kịp thời vừa ghi nhận, tôn vinh và khuyến khích cá nhân và tập thể có thành tích tốt, vừa hình thành ý thức trong cộng đồng, thúc đẩy sáng kiến, phòng, chống dịch. Đồng thời, việc xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, từ hành vi nhỏ nhất, không chỉ ngăn cá nhân, tổ chức đó tái phạm, mà còn mang tính răn đe, phòng ngừa, cho thấy sự công bằng, tính tôn nghiêm của pháp luật.

Kiểm điểm tình hình tổ chức thực hiện phòng, chống dịch là cần thiết, giúp đánh giá tổ chức, cá nhân làm tốt để có hình thức biểu dương, khen thưởng; xem xét trách nhiệm tổ chức, cá nhân lơ là, chủ quan, chưa tuân thủ quy định để phê bình, xử phạt. Khen thưởng và xử phạt kịp thời, nhanh chóng, phân minh, khách quan, đúng người, đúng việc… sẽ góp phần vào thành công trong công tác ngăn chặn dịch Covid-19 của các cấp, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị.