Thi đua, khen thưởng cần thực chất

TRONG tuần đầu của kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã dành thời gian thảo luận những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Trong những lần trình Quốc hội cho ý kiến trước đây, dự án Luật này luôn nhận được sự quan tâm, phân tích, phản biện của nhiều đại biểu bởi ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng trong cuộc sống.

Bên hành lang Quốc hội và thảo luận tại nghị trường những ngày qua, nhiều đại biểu cho biết: Dự thảo Luật trình lần này đã tiếp thu, điều chỉnh nhiều nội dung được các đại biểu Quốc hội góp ý và những vấn đề phát sinh đã được quy định phù hợp thực tiễn trong tình hình mới. Đáng chú ý trong đó, về hình thức khen thưởng Huy chương Thanh niên xung phong, rất nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình cao việc bổ sung, tặng, truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang. Đó là sự ghi nhận, trân trọng của Đảng, Nhà nước, của dân tộc ta đối với công lao to lớn của lực lượng Thanh niên xung phong đã đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Dự thảo Luật đã chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp, quan tâm khen thưởng cá nhân, tập thể ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Đặc biệt, dự thảo đã giải quyết căn bản vướng mắc trong khen thưởng khu vực ngoài nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, để công tác thi đua khen thưởng đi vào thực chất, có tác động tích cực đối với xã hội, quan trọng nhất là phải có các phong trào thi đua thiết thực, hướng về cơ sở, gắn với lợi ích trực tiếp của người tham gia thi đua. Cần hạn chế tính hình thức trong thi đua, như: bỏ quy định đăng ký thi đua là căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua; bổ sung trách nhiệm người đứng đầu trong việc thúc đẩy các hoạt động thi đua; không tổ chức nhiều các hoạt động thi đua, tránh tràn lan… Cần nghiên cứu để từng bước đổi mới việc khen thưởng còn quá tập trung vào khen niên hạn, khen quá trình cống hiến. Vẫn tồn tại một số trường hợp khen thưởng thiếu chính xác, khen do nể nang, cào bằng, chạy theo thành tích; cá biệt còn có tập thể, cá nhân được khen thưởng, nhưng thành tích chưa tiêu biểu, chưa có sức lan tỏa…

Công tác thi đua, khen thưởng sẽ thật sự phát huy tác dụng khi bao trùm đầy đủ những người tham gia cống hiến cho xã hội, cho đất nước. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định ưu tiên khen thưởng người yếu thế, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật khi có thành tích nhằm tạo động lực, sức bật, động viên mọi đối tượng, thành phần xã hội. Bên cạnh đó, có những người buôn bán nhỏ, lao động tự do… nhưng luôn có những đóng góp tích cực cho xã hội bằng những hoạt động cụ thể, ý nghĩa. Do vậy, cần nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật các đối tượng là những người lao động khác để khi cần, có thể khen thưởng, động viên kịp thời, xứng đáng.

Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng đã nhấn mạnh việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm… Quan tâm tạo điều kiện để các điển hình tiên tiến được nêu gương, tạo sự lan tỏa… Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa làm nổi bật được nội dung nêu trên và trong thực tế cũng chưa thật sự được quan tâm cụ thể. Đây là một trong những công việc rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với công tác thi đua, khen thưởng… cần tập trung thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.

LUẬT Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) được xây dựng với những quy định phù hợp, thiết thực, thúc đẩy thực chất các phong trào thi đua sẽ tạo ra động lực và nguồn lực rất quan trọng trong đời sống xã hội. Luật có chất lượng cao sẽ góp phần ngăn chặn hiệu quả, ngăn chặn từ gốc những phong trào thi đua hình thức, tô hồng, lấy danh hiệu thi đua làm "bình phong" cá nhân.