Sự hy sinh quý giá

Bắt đầu từ 0 giờ tuần này, TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày theo Chỉ thị 15/CT-TTg, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) thực hiện theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định được đưa ra trong cuộc họp khẩn của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh để triển khai phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, toàn thành phố, áp dụng: không tập trung hơn năm người ngoài công sở, trường học, bệnh viện, nơi công cộng, giãn cách tối thiểu 2 mét khi giao tiếp; người dân chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết, hạn chế đến cơ sở khám, chữa bệnh; doanh nghiệp (DN) sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu được hoạt động nhưng phải bảo đảm an toàn, tuân thủ quy định phòng, chống dịch; tạm hoãn kỳ thi vào lớp 10; lấy mẫu xét nghiệm, triển khai tầm soát diện rộng… Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc được phong tỏa toàn bộ, áp dụng gia đình cách ly gia đình, khu phố cách ly khu phố, tổ dân phố cách ly tổ dân phố...

Biện pháp cấp bách được áp dụng do dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, đặc biệt với các ca nhiễm Covid-19 từ một nhóm thuộc Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Theo cơ quan chức năng, nhóm này sinh hoạt tôn giáo không tuân thủ quy định về phòng, chống dịch Covid-19 dẫn đến lây lan cho nhiều người. Chỉ tính từ ngày 26-5 đến 30-5, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ghi nhận tới 140 trường hợp bệnh nhân Covid-19 liên quan nhóm trên, đặt thành phố trước tình thế nguy hiểm.

Chưa thể đón đầu và truy vết chính xác các nguồn lây, cho nên muốn ngăn chặn dịch bệnh, TP Hồ Chí Minh phải hy sinh lợi ích ngắn hạn để bảo vệ lợi ích dài hạn. Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, hai tuần giãn cách và cách ly đối với TP Hồ Chí Minh rất lớn, nhưng không có cách nào khác, ngoài việc "phải chọn giải pháp ít xấu nhất".

Với việc thực hiện Chỉ thị 15 và 16, các sở, ban, ngành, DN, người dân và cả hệ thống chính trị chấp nhận tạm gác nhu cầu thông thường, sát sao, cẩn trọng hơn trong sinh hoạt, dừng dịch vụ không thiết yếu, không để đứt gãy hoạt động sản xuất, kinh doanh cần thiết… để dồn sức cho cuộc chiến chống dịch Covid-19. Nếu tính đến vai trò là trung tâm kinh tế sôi động của cả nước, đây có thể coi là sự hy sinh lớn của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh…

Song ở mỗi giai đoạn của cuộc chiến chống dịch, đều cần những hy sinh như vậy. Ngay trong đợt bùng phát dịch lần này, người dân cả nước không quên hình ảnh bé gái 20 tháng tuổi òa khóc khi nhìn thấy mẹ - một bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) được điều động hỗ trợ Bắc Giang, trên kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam; một bác sĩ về hưu 78 tuổi ở Nghệ An viết đơn xung phong vào tâm dịch, những chiến sĩ nằm xoài trên mặt đất vì quá mệt; các y, bác sĩ mặc niệm khi biết tin cha đẻ một đồng nghiệp vừa mất mà anh không thể về chịu tang; nghĩa cử của nhiều cơ quan, đơn vị, DN, cá nhân… khi dành phần thu nhập ủng hộ phòng, chống dịch, đóng góp Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19…

Đức hy sinh ấy xuất phát như lẽ đương nhiên từ cộng đồng, xã hội. Ðó có thể là người ngày đêm nỗ lực quên mình, làm việc tại điểm nóng, tại cơ sở y tế, là các chiến sĩ tăng cường kiểm tra các tuyến biên giới, tổ giám sát, truy vết trong cộng đồng, người dân, doanh nghiệp hoãn việc, giãn việc, phải từ bỏ thói quen, phương thức, mô hình làm việc, sinh hoạt lâu nay, là sự thiệt thòi của cháu bé mới hơn một tuổi và người mẹ, mong ước cống hiến của vị bác sĩ gần 80 tuổi… Trên tất cả, đó là những hy sinh quý giá và cần thiết để cuộc sống sớm bình yên trở lại.

HOÀNG VŨ