Phát huy tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”

Tuần qua, nước ta chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử - tiêm miễn phí 150 triệu mũi vaccine phòng Covid-19 cho khoảng 75 triệu người từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022.

Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, khẳng định quyết tâm rất cao của Ðảng, Nhà nước trong kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân, đưa đất nước phát triển theo mục tiêu Ðại hội Ðảng lần thứ XIII đề ra.

Suốt thời gian dài, dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, khiến nền kinh tế nhiều nước suy thoái, thương mại thế giới sụt giảm nghiêm trọng. Nước ta không phải ngoại lệ với những khó khăn của các ngành thương mại, du lịch, vận tải…, không ít doanh nghiệp đình đốn, phá sản, tỷ lệ người thất nghiệp và thiếu việc làm tăng.

Trong bối cảnh như vậy, Ðảng và Nhà nước, các cơ quan liên quan lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo trong kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh, ổn định sản xuất, phát triển kinh tế. Ðợt dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4 đến nay chưa "giảm nhiệt", nhưng nhờ sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, lực lượng tuyến đầu chống dịch, doanh nghiệp, người dân…, sáu tháng đầu năm 2021, GDP nước ta tăng 5,64% so cùng kỳ năm 2020, lạm phát được kiểm soát.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế phức tạp, khó lường. Vì vậy, trong thời gian tới, nước ta còn tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức lớn. Ðể có thể thực hiện hiệu quả "nhiệm vụ kép" vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, Ðảng và Nhà nước quyết tâm thực hiện chiến lược vaccine, xác định vaccine là biện pháp hữu hiệu để phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, chiến lược vaccine tập trung các nội dung chính gồm: tiếp cận nguồn vaccine từ bên ngoài, nhập khẩu vào Việt Nam; tăng cường hợp tác quốc tế trong việc chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine; sản xuất vaccine trong nước. Trong chiến lược vaccine, việc xây dựng kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm vaccine, bảo đảm triển khai tiêm chủng an toàn và hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ tiêm cho người dân được đặt lên hàng đầu.

Chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 đặt mục tiêu tăng độ bao phủ vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng vừa được Thủ tướng Chính phủ phát động dựa trên cơ sở thực hiện đa dạng biện pháp. Ðáng chú ý là đẩy mạnh "ngoại giao vaccine"; huy động nhiều nguồn tài chính, trong đó có Quỹ Vaccine phòng Covid-19 để mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine. Nhờ đó, trong năm 2021, Việt Nam dự kiến được cung ứng hơn 100 triệu liều vaccine, việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước cũng đạt kết quả đáng khích lệ.

Chính phủ lập Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng từ các bộ, ngành liên quan, xây dựng kế hoạch và tổ chức tiêm theo phương châm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất, bảo đảm an toàn, hiệu quả, công bằng, công khai. Ðiều đó nghĩa là phải thiết lập hệ thống bảo quản, vận chuyển vaccine, huy động không chỉ cán bộ, nhân viên y tế mà cả các lực lượng tổ chức tiêm chủng, bảo đảm an toàn cho người tiêm chủng, cập nhật hướng dẫn chuyên môn y tế, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát chất lượng vaccine…

Việt Nam là nước có tỷ lệ người dân ủng hộ việc tiêm vaccine cao (hơn 90%), đa số người dân có chung mong muốn được tiêm vaccine. Ðây cũng là yếu tố thuận lợi cho công tác tiêm chủng. Ðể triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm chủng vaccine, các bộ, ngành liên quan, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ dưới sự điều phối của Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng.

Cùng với đó, mỗi người dân cũng cần nhận thức rõ, tuân thủ quy định, điều kiện để tiêm vaccine, ủng hộ nỗ lực của Ðảng, Nhà nước. Như vậy, tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch, không ai đứng ngoài cuộc trong việc tiếp cận vaccine" mới thật sự được phát huy ■