Những tín hiệu khởi đầu

Thủ tướng Chính phủ mới đây đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc, dự kiến ngay từ tháng 10/2021. Cùng đó, ngành hàng không cũng lập kế hoạch mở rộng các đường bay nội địa.

Để có thể du lịch Phú Quốc, khách quốc tế cần đáp ứng điều kiện như có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, thời gian tiêm mũi hai ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh; hoặc có chứng nhận khỏi bệnh, thời gian từ lúc xuất viện đến ngày nhập cảnh không quá 12 tháng; hành khách xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh; đã đăng ký tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành… Thí điểm triển khai qua hai giai đoạn, mỗi giai đoạn ba tháng, giai đoạn đầu đón từ 3.000 đến 5.000 khách/tháng, giai đoạn hai đón từ 5.000 đến 10.000 khách/tháng.

Do dịch bệnh phức tạp, từ đầu tháng 8, các đường bay thường lệ chở khách nội địa cơ bản dừng hoạt động, các chuyến bay chủ yếu chở khách công vụ, lực lượng phòng, chống dịch, chở hàng. Bởi vậy, Bộ Giao thông vận tải cũng đang xem xét kế hoạch khai thác các đường bay nội địa với tần suất phù hợp do Cục Hàng không đệ trình. Dự kiến, các hãng hàng không xây dựng lịch bay, bán vé, khai thác… theo kế hoạch ba giai đoạn, khi quy định giãn cách xã hội tại địa phương thay đổi, việc mở bán vé, khai thác… sẽ thay đổi tương ứng; tổ bay, hành khách phải đáp ứng một số điều kiện như: xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2, chứng nhận tiêm vaccine, hoặc hoàn thành cách ly…

Có thể coi đây là tín hiệu “mở cửa” trở lại đối với du lịch và hàng không. Từ việc thí điểm đón khách quốc tế tới Phú Quốc có thể tiến tới nhân rộng mô hình ra các điểm du lịch nổi tiếng khác trong nước như Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu… Tương tự, nếu kế hoạch chở khách tuyến nội địa bằng máy bay được nối lại, sẽ hướng tới tổ chức lại hoạt động chở khách không chỉ với tuyến trong nước mà cả quốc tế. Việc mở cửa với du lịch, hàng không còn là bước thử nghiệm để các ngành thương mại, vận tải, dịch vụ, thể thao, văn hóa… rút kinh nghiệm trong quá trình phục hồi.

Thực tế nêu trên cho thấy, để phục hồi các ngành, tiến tới phục hồi nền kinh tế, yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người. Con người là đối tượng cần được quan tâm hàng đầu để bảo vệ trước sự hoành hành của đại dịch Covid-19, con người cũng là chủ thể của mọi hoạt động, phương án, lộ trình, kế hoạch. Hiện tại, ở một số tỉnh, thành phố, càng ngày càng có thêm người được chứng nhận tiêm hai mũi vaccine ngừa Covid-19. Với những người tiêm đủ hai mũi vaccine mà không sớm có cơ chế cho họ tham gia chuỗi cung ứng lao động nghĩa là chưa sớm phát huy hiệu quả chiến lược vaccine.

Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cần thí điểm áp dụng “thông hành xanh” đối với những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Thẻ thông hành xanh sẽ tích hợp thông tin định danh cá nhân, thông tin hộ chiếu, chứng minh nhân dân; thông tin y tế phòng dịch Covid-19 như chứng nhận tiêm chủng vaccine, chứng nhận xét nghiệm Covid-19, cũng như những thông tin cần thiết khác. Tấm thẻ này giúp ngành du lịch khởi động lại sau thời gian dài “đóng băng”. Hoạt động đi lại, di chuyển từ nơi này đến nơi khác một cách an toàn tăng lên sẽ là cơ hội để khôi phục hoạt động kinh tế, thương mại, dịch vụ.

Sau một thời gian dài tạm dừng mọi hoạt động, có không ít ngành, địa phương muốn mở lại ngay hoạt động sản xuất, kinh doanh khi mới đạt một số kết quả bước đầu trong phòng, chống dịch. Để có thể triển khai kế hoạch phục hồi nền kinh tế, các bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị tốt phương án vừa phòng dịch, vừa nối lại sản xuất. Sự cẩn trọng vẫn vô cùng cần thiết vào thời điểm dịch Covid-19 còn lây lan trong cộng đồng.