Mối quan hệ tương hỗ người dân - cán bộ

Một trong những yêu cầu hàng đầu của công tác cán bộ là tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó, Đảng, Nhà nước đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và mỗi cán bộ, đảng viên tự giác rèn luyện, cống hiến trí tuệ, tài năng. Dù vậy, quá trình phát hiện, bồi dưỡng, rèn luyện, đào tạo người cán bộ liêm chính, vừa có đức, vừa có tài để phụng sự đất nước, không thể thiếu vai trò người dân.

Cán bộ trao quà động viên các lực lượng tuyến đầu quận 11 (TP Hồ Chí Minh).
Cán bộ trao quà động viên các lực lượng tuyến đầu quận 11 (TP Hồ Chí Minh).

Từ khi ra đời, Đảng ta luôn quan tâm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, coi cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Lịch sử đã chứng minh, sự nghiệp cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác là nhờ Đảng ta huy động và tập hợp được sức dân. Vai trò làm chủ của nhân dân được Đảng ta cụ thể hóa thông qua cương lĩnh chính trị, nghị quyết đại hội, chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật, chính sách của Nhà nước. Nhân dân thể hiện rõ vai trò làm chủ qua việc tham gia bầu cử Quốc hội, bầu Hội đồng nhân dân các cấp…, tham gia góp ý nhiều văn kiện, bàn bạc và quyết định công việc quan trọng, trong đó có công tác cán bộ.

Đất nước phát triển, thông tin đa dạng, nhiều chiều hơn, công tác đánh giá cán bộ ngày càng được dân chủ hóa, việc nhận xét, đánh giá cán bộ, lấy ý kiến về cán bộ được tiến hành minh bạch, theo nhiều bước, nhiều khâu. Không chỉ cán bộ, đảng viên trong cơ quan, trong đơn vị đó biết về cán bộ, mà cả người dân cũng có quyền theo dõi, giám sát và đánh giá cán bộ. Qua làm việc với dân, nhiều cán bộ có tài, đức độ được người dân giới thiệu. Cũng từ thông tin người dân, không ít cán bộ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" được phát hiện và bị xử lý nghiêm khắc, kịp thời.

Tuy nhiên, có nơi, có lúc, vai trò nhân dân trong phát hiện, giới thiệu, đào tạo, bồi dưỡng những cán bộ có năng lực, trình độ, có đức, có tài hay chỉ ra những cá nhân vi phạm để làm trong sạch đội ngũ cán bộ chưa được phát huy hiệu quả. Có nhiều lý do, gồm cả việc người dân chưa hiểu rõ và ý thức về vai trò làm chủ, chưa hiểu cặn kẽ về tiêu chuẩn, chưa nhìn nhận đúng cán bộ; người dân bị chi phối bởi các yếu tố cảm tính, các yếu tố vùng miền, họ hàng, gia tộc; có nơi vai trò người dân bị "lãng quên"; chưa kể, có trường hợp người dân bị lợi dụng để đưa ra đánh giá chưa chính xác về cán bộ, thậm chí người dân "làm hư" cán bộ…

Với yêu cầu và nhiệm vụ mới đặt ra trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất "liêm chính", tài đức vẹn toàn, Đảng, Nhà nước phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao dân trí, thực hiện tốt công tác giáo dục pháp luật; phát huy vai trò giám sát của nhân dân, xây dựng ý thức chính trị cho nhân dân trong tham gia công việc của chính quyền các cấp, các đoàn thể ở địa phương để giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước.

Cũng phải thấy thực tế là cán bộ có tài, có năng lực thường là người sáng tạo, có sáng kiến trong công việc. Những ý tưởng đưa ra có thể điều chỉnh, hoặc đi ngược lại nếp cũ hay thói quen thông thường, rất cần sự sáng suốt, thấu hiểu của cả người dân và lãnh đạo cấp trên. Do vậy, người dân và chính quyền, cơ quan, đoàn thể các cấp cần phối hợp để tạo môi trường dân chủ, công bằng; cần phát huy kênh thông tin để nhân dân nắm bắt, chuyển tải đánh giá, nhận xét về cán bộ một cách dễ dàng; xây dựng cơ chế khuyến khích, động viên nhân dân thực hiện vai trò giám sát một cách tự nguyện, tự giác. Cùng với đó, người dân cũng phải được giải thích rõ quyền hạn của mình trong kiểm soát cán bộ, các tiêu chuẩn đánh giá cán bộ.

Vai trò của nhân dân trong công tác lựa chọn, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được nâng cao, chắc chắn sẽ hỗ trợ đắc lực việc hình thành đội ngũ cán bộ đảng viên liêm chính, vừa có đức, vừa có tài, để phục vụ đất nước, xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân và đòi hỏi từ thực tế .