Lời hứa của Chính phủ kiến tạo

Trong nhiệm kỳ 2016-2021, bất chấp những thách thức lớn chưa từng có như tình hình xâm nhập mặn, hạn hán kỷ lục ở đồng bằng sông Cửu Long, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ở Tây Bắc, bão lũ, ngập lụt ở miền trung... và gần đây nhất là đại dịch Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động đúng như lời hứa xây dựng một Chính phủ “kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết khi nhậm chức.

Đó là nhận xét khái quát được các vị đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình khi nhìn lại nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ. Hãy nhìn sâu vào những con số đầy tính thuyết phục sau: Nhiệm kỳ qua đã có khoảng 4.000 trong số gần 6.200 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) được cắt giảm (đạt gần 63%). Có một phần tư (30/120) số thủ tục kiểm tra chuyên ngành được đơn giản hóa, cắt giảm gần 6.800 trong số gần 10.000 (đạt 68%) danh mục dòng hàng kiểm tra chuyên ngành. Về môi trường kinh doanh, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, trong giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam đã tăng 20 bậc về môi trường kinh doanh toàn cầu, xếp thứ 70/190 quốc gia và xếp thứ năm trong ASEAN. Về năng lực cạnh tranh toàn cầu, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam tăng 10 bậc trong giai đoạn 2018 - 2020, xếp thứ 67/141 quốc gia.
 
 Đặc biệt, đối với lĩnh vực xây dựng Chính phủ điện tử, Liên hợp quốc đã ghi nhận, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam năm 2020 đã tăng ba bậc so năm 2016, xếp thứ 86/193 quốc gia và thứ sáu trong ASEAN. Tuy nhiên, cũng phải rất tỉnh táo để thấy rằng, mặc dù đã cải thiện được thứ bậc xếp hạng, song việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và kết nối giữa các cơ sở dữ liệu này còn chậm và nhiều bất cập (thí dụ Luật Căn cước công dân quy định chậm nhất đến ngày 1-1-2020, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân phải được thực hiện thống nhất theo Luật này, nhưng đến ngày 25-2-2021, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mới được khai trương).
 
 Hiện nay, còn tồn tại tình trạng nhiều quy hoạch lớn theo yêu cầu của Luật Quy hoạch đối với phát triển kinh tế - xã hội vẫn chưa có; nhiều dự án, công trình lớn chậm triển khai, hoàn thành, điển hình là đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; năm dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Một số dự án mới cũng chậm (dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc bắc - nam theo hình thức PPP...). Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng, liên kết vùng đang là một khâu yếu, thiếu thể chế quản trị, điều phối hiệu quả…
 
 Một nhiệm kỳ đã khép lại. Nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đã được thực hiện xuất sắc, đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định vị thế ngày càng vững chắc của quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế. Nhưng, tất nhiên, để tiếp tục đi tới và nhất là để không tụt hậu trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng quyết liệt như hiện nay, Chính phủ nói riêng và toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp, nhân dân không thể bằng lòng với những thắng lợi đã đạt được. Yêu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội sẽ là một trong số những ưu tiên cần được chú trọng trong thời gian tới.