Kiểm tra, giám sát thực chất và hiệu quả

Ngày 18/4, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 34-KL/TW về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030. Kết luận được ban hành vào thời điểm công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thu được kết quả quan trọng, tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, có vai trò quyết định đối với phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ xa, từ sớm.

Nhiều chủ trương quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục được Bộ Chính trị khẳng định trong kết luận này. Đó là: thực hiện kiểm tra, giám sát theo phương châm giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng; các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm; việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; kê khai tài sản, thu nhập...

Đây là những nội dung vừa sát cuộc sống, vừa đáp ứng kỳ vọng của nhân dân trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng ta bền bỉ, quyết tâm thực hiện nhiều năm qua. Bởi thực tế cho thấy, các vụ việc xảy ra tại địa phương, đơn vị đã và đang được cơ quan chức năng điều tra, xử lý, truy tố… hầu hết thuộc lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm. Đáng buồn trong đó, nhiều vụ việc còn nhận sự tiếp tay, tiếp sức, đồng lõa có chủ đích, vụ lợi cá nhân của nhiều cán bộ chủ chốt các cơ quan nhà nước. Thậm chí, có những cán bộ chủ chốt nằm trong các lực lượng phòng, chống vi phạm pháp luật lại trở thành người phạm tội, bao che tội phạm.

Đây là dấu hiệu nguy hiểm cần phát hiện và xử lý nghiêm minh càng sớm càng tốt. Sự cám dỗ của vật chất, của đồng tiền, đam mê quyền lực đã làm tha hóa, biến chất nhanh chóng những con người trước đó được Đảng, Nhà nước đào tạo, rèn luyện và tạo điều kiện để phấn đấu, trưởng thành. Thực trạng này còn cho thấy, công tác kiểm tra, giám sát tại nhiều nơi chưa thật sự có hiệu quả, còn hời hợt, nể nang, thiếu sức chiến đấu…

Kết luận 34 của Bộ Chính trị đặt ra một vấn đề cốt lõi của công tác kiểm tra, giám sát, đó là: Tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật, kịp thời ngăn chặn vi phạm trong ban hành văn bản pháp luật, lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ; mở rộng giám sát trên tất cả các địa bàn, lĩnh vực; chú trọng những nơi nội bộ có biểu hiện mất đoàn kết, dư luận xã hội quan tâm; nâng cao tính chủ động để kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm từ sớm, từ xa…

Trong mọi lĩnh vực công tác nói chung và kiểm tra, giám sát nói riêng, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Ở đâu người đứng đầu liêm khiết, công minh, chính trực thì ở đó có những tập thể, cá nhân biết sống và làm việc theo pháp luật, vì lợi ích chung, vì đất nước. Và ngược lại, nếu người đứng đầu thờ ơ, thiếu trách nhiệm, bảo kê lợi ích nhóm… thì ở đó sẽ xuất hiện tập thể vô trách nhiệm, thoái hóa, "đấu đá", công kích nhau vì quyền lợi và mục đích cá nhân. Chính vì vậy, vai trò của người đứng đầu ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương cần được phát huy, công tác kiểm tra, giám sát người đứng đầu cần được thực hiện thật sự hiệu quả.

Kết luận 34 cũng nêu rõ: Chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nhất là kiểm tra dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội; xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời, triệt để, đồng bộ các tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm… Đây là những nội dung công việc cấp bách, đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra,  giám sát phải có tinh thần trách nhiệm cao, sự đoàn kết, đồng lòng và sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền.

Công  tác kiểm tra, giám sát là lĩnh vực khó, nhạy cảm, phức tạp và đối mặt nhiều áp lực. Chính vì vậy, để cơ quan thực hiện kiểm tra, giám sát thật sự chủ động và chủ động có hiệu quả, cần tiếp tục bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp, thiết thực, bảo vệ và động viên đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra…