Hướng bứt phá du lịch “hậu Covid”

Du lịch có đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước và ngày càng khẳng định vai trò là ngành kinh tế quan trọng. Những năm qua, tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP liên tục tăng, năm 2015 đạt 6,3%; năm 2016 đạt 6,9%; năm 2017 đạt 7,9%; năm 2018 đạt 8,3% và năm 2019 đạt 9,2%. 

Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị xác định tới năm 2030, du lịch phải thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác… 

Nhưng “đòn đánh” nặng nề của dịch Covid-19 gây nên cú sốc lớn cho du lịch. Từ tháng 2 đến hết tháng 4-2010, thời gian bùng phát mạnh đợt dịch thứ nhất, ngành du lịch thiệt hại khoảng 7,7 tỷ USD. Đang trên đà hồi phục sau ba tháng “đóng băng”, ngành du lịch lại gặp vô vàn khó khăn khi đợt dịch thứ hai xuất hiện. Trong tháng 7 và 8, hai tháng cao điểm du lịch nội địa, lượng khách hủy tour giảm từ 95-100%, nhiều doanh nghiệp du lịch lữ hành điêu đứng, không ít cơ sở dịch vụ ngành du lịch đóng cửa, nhân công nghỉ việc.

Thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa chủ động phòng, chống dịch vừa duy trì và phát triển kinh tế - xã hội, ngành du lịch tùy thời điểm, điều kiện cho phép đã tích cực sáng tạo, triển khai mạnh mẽ kích cầu du lịch, phần nào hạn chế được tác động của dịch. Đến nay, dịch Covid-19 tại Việt Nam được kiểm soát chặt, nước ta đi qua đỉnh đợt dịch thứ hai. Một số ngành nghề có cơ hội sớm hồi phục, trong đó có du lịch, được ưu tiên dồn lực. 

Tuy nhiên, phục hồi du lịch gắn với mở cửa điểm tham quan, nối lại giao thông đường không, đường bộ, khởi động hoạt động dịch vụ…, khi cả nước tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19 tạo ra thử thách lớn. Không chỉ ngành du lịch mà với nhiều cơ quan, bộ, ngành và địa phương, câu hỏi khởi động ra sao để phát huy được tiềm năng, lợi thế du lịch, đồng thời ngăn chặn được nguy cơ lây lan dịch Covid-19 được đặt ra.

Thúc đẩy du lịch trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa kết thúc, giới chuyên gia nhận định, điều kiện tiên quyết vẫn là dự đoán xu hướng khách hàng. Cuộc khảo sát tâm lý và hành vi của khách du lịch nội địa do Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) tiến hành từ ngày 25-7 đến 4-9, với hơn 1.000 người tham gia, cho thấy có sự phục hồi về nhu cầu đi du lịch, đặc biệt tại hai thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; khi lập kế hoạch du lịch, khả năng tài chính là yếu tố ưu tiên lớn nhất của khách hàng, bên cạnh chú trọng an toàn dịch bệnh và an ninh; du khách muốn đặt trực tiếp hoặc trực tuyến thay vì đặt qua công ty du lịch lớn; khách có xu hướng du lịch theo gia đình, hoặc nhóm nhỏ và ngắn ngày;… 

Có thể thấy để phục hồi, phát triển du lịch bền vững, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với các bộ, ngành, địa phương, bên cạnh giới thiệu tiềm năng du lịch, cần chú trọng xây dựng và truyền thông điểm đến an toàn, quảng bá nỗ lực ngăn chặn đại dịch tại các điểm du lịch để tạo tâm lý yên tâm cho khách. Thời gian diễn ra đại dịch vừa qua là cơ hội để ngành du lịch rà soát, điều chỉnh, bởi vậy, trong chiến dịch kích cầu tới đây ngoài giảm giá, cần tập trung chất lượng dịch vụ, làm mới sản phẩm, xây dựng sản phẩm đặc sắc với mức giá phù hợp... 

Đại dịch Covid-19 cho thấy nền tảng quản lý và kinh doanh du lịch truyền thống không đủ khả năng chống chọi dịch bệnh. Bởi vậy, xây dựng hệ thống dữ liệu du lịch và công nghệ số để tự động hóa các quy trình cung ứng sản phẩm, dịch vụ; quản lý, giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình phục vụ khách, nâng cao chất lượng hiệu quả dịch vụ, tăng năng suất lao động… sẽ giảm tác động môi trường, cải thiện độ an toàn, tiết kiệm chi phí và thời gian. Chuyển đổi số đáp ứng nhu cầu thay đổi nội tại ngành du lịch, cũng chính là đáp ứng mong mỏi của người thụ hưởng giá trị du lịch Việt Nam.