Hé mở cánh cửa cho sự phục hồi

Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến của Thủ tướng gửi Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang… yêu cầu triển khai thực hiện Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội. Theo Kết luận số 07-KL/TW, Bộ Chính trị đồng ý cho nghiên cứu thí điểm sử dụng Giấy chứng nhận đã tiêm chủng, hay còn gọi là “hộ chiếu vaccine” tại một số nơi có thể kiểm soát được dịch bệnh.

Thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế chủ trì, thí điểm sử dụng “hộ chiếu vaccine” với khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang), phối hợp các cơ quan liên quan triển khai rút ngắn thời gian cách ly với người nhập cảnh đã tiêm đủ hai mũi vaccine tại Cửa khẩu cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh). Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp UBND tỉnh Kiên Giang xây dựng kế hoạch, phương án, quy trình đón khách quốc tế đến Phú Quốc. 

Về phía địa phương, UBND tỉnh Kiên Giang đề xuất thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến nghỉ dưỡng tại Phú Quốc theo mô hình “Du lịch cách ly khép kín” với điều kiện du khách đã được tiêm vaccine phòng Covid-19. Cùng thời điểm, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng triển khai thực hiện hướng dẫn rút ngắn thời gian cách ly, cập nhật danh sách khách sạn, khu nghỉ dưỡng thực hiện cách ly y tế tập trung cho người nhập cảnh.

Cuối tháng 6 vừa qua, Chính phủ chấp thuận kiến nghị của Bộ Ngoại giao về lộ trình điều chỉnh chính sách xuất, nhập cảnh và biện pháp y tế đối với người nhập cảnh có hộ chiếu vaccine. Trước đó, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất ba nhóm người nhập cảnh dự kiến được áp dụng hộ chiếu vaccine gồm: người Việt Nam mắc kẹt ở nước ngoài đã tiêm vaccine Covid-19; người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để đầu tư, kinh doanh; khách du lịch quốc tế…

Những thông tin nói trên là tín hiệu cho thấy, Việt Nam đang cẩn trọng từng bước tạo điều kiện cho người từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, thí điểm đón khách quốc tế. Thử nghiệm “hộ chiếu vaccine”, hé dần cánh cửa đón khách nước ngoài… là giải pháp phù hợp định hướng thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, ổn định sản xuất mà Chính phủ đề ra, đáp ứng khả năng “chung sống” lâu dài với dịch bệnh. 

Theo đó, hộ chiếu vaccine là một trong những sáng kiến giúp nối lại giao thương quốc tế, thúc đẩy phục hồi kinh tế cũng như thiết lập trạng thái bình thường mới cho đời sống xã hội. Khi đại dịch còn tiếp diễn, “hộ chiếu vaccine” có thể là bước đột phá, giúp nhiều ngành kinh tế, trong đó thấy rõ nhất là giúp ngành hàng không, du lịch, dịch vụ… thoát khỏi trạng thái đóng băng, hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có điều kiện khởi sắc trở lại.

“Hộ chiếu vaccine” là cơ sở đưa đời sống trở lại trạng thái bình thường mới khi thành viên trong cộng đồng được áp dụng và tuân thủ những chuẩn mực về an toàn trước dịch bệnh. Nhờ đó, Việt Nam vừa có thêm cơ hội rút ngắn khoảng cách tới mục tiêu 70% dân số được tiêm chủng, đồng thời tấm “hộ chiếu” này càng phát huy hiệu quả cao hơn khi nước ta đạt “miễn dịch cộng đồng”.

Song vào thời điểm dịch Covid-19 còn hoành hành, biến chủng mới của SARS-CoV-2 lây lan nhanh và nguy hiểm hơn trước, việc thí điểm triển khai “hộ chiếu vaccine” cần hết sức thận trọng. Với các khu vực thí điểm “hộ chiếu vaccine”, cần phải xây dựng lộ trình để đẩy nhanh tiến độ đạt miễn dịch cộng đồng tại khu vực đó, có kế hoạch, phương án cụ thể khi đón khách quốc tế. Để phát huy hiệu quả “hộ chiếu vaccine” khi áp dụng diện rộng hơn, các bộ, ngành cần tham mưu trình Chính phủ bộ tiêu chí đối với “hộ chiếu vaccine”, xây dựng kế hoạch hợp tác quốc tế liên quan tiêu chuẩn đối với “hộ chiếu vaccine”.