Giám sát lời hứa của đại biểu dân cử

Một trong những dấu ấn thành công nhất, quan trọng nhất của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua chính là sức mạnh, tinh thần đoàn kết của nhân dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Ðảng, quản lý của Nhà nước, thể hiện sinh động truyền thống yêu nước, sự mạnh mẽ của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin vững chắc của nhân dân.

Tỷ lệ  cử tri cả nước  đi bầu cử đạt 99,6%, có nhiều tỉnh, thành phố đạt gần 100% trong bối cảnh đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát phức tạp, cho thấy càng trong khó khăn, càng nhiều thử thách, thì lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự hào dân tộc càng trỗi dậy và lan tỏa mạnh mẽ. Sự tham gia tích cực, nhiệt huyết, trách nhiệm của nhân dân, cử tri tạo nên sự thành công tốt đẹp của cuộc bầu cử  lần này.

499 đại biểu Quốc hội và hơn 266 nghìn đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp vừa trúng cử sẽ bắt đầu thực hiện trọng trách của mình trong 5 năm tới.  Trong đó, có việc thực hiện lời hứa, sự cam kết trước cử tri tại các buổi tiếp xúc vận động bầu cử trước ngày bầu cử… bằng những hành động, bằng những việc làm thiết thực ngay sau khi được bầu.

Vấn đề quan trọng hiện nay và trong thời gian tới đối với hàng triệu cử  tri là giám sát quá trình và kết quả thực hiện lời hứa, cam kết của các đại biểu dân cử sau khi trúng cử. Ðây là vấn đề trọng tâm được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm, bởi lời hứa của người ứng cử chính là căn cứ không thể thiếu để người dân lựa chọn, bỏ phiếu bầu. Thực tế những nhiệm kỳ trước đây cho thấy, có những vấn đề bất cập khi áp dụng chính sách, pháp luật vào đời sống xã hội dù đã được các đại biểu dân cử hứa hẹn nhưng kết quả thực hiện không như mong muốn, thậm chí, có việc, có lúc, có nơi không thực hiện được.

Câu hỏi được đặt ra là cơ chế nào, quy định nào để cử tri thực hiện quyền giám sát, đề nghị, nhắc nhở đại biểu dân cử thực hiện lời hứa, thực hiện chương trình hành động của mình? Hiện nay, mỗi đại biểu dân cử sẽ định kỳ gặp mặt cử tri để lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản ánh của nhân dân và báo cáo những việc đã và đang làm. Ðây là dịp để cử tri  căn cứ lời hứa, căn cứ chương trình hành động của đại biểu đã hứa khi vận động bầu cử để đánh giá người đại biểu hoạt động đã đạt yêu cầu hay chưa, lời hứa đã được thực hiện, được hoàn thành hay chưa.

Bên cạnh đó, đối với những vấn đề nóng, phát sinh, cấp bách từ thực tế có liên quan những cam kết của đại biểu dân cử, cử tri hoàn toàn có quyền phản ánh qua các cơ quan chức năng tại địa phương bằng những cách thức khác nhau… Trong đó, vai trò, tinh thần trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc là rất quan trọng. Mặt trận Tổ quốc các cấp là cơ quan gắn liền quá trình tổ chức bầu cử ngay từ khâu đầu tiên cho đến khâu cuối cùng. Vì vậy, đây là một trong những cơ quan có vai trò  hàng đầu trong việc cùng cử tri thực hiện cơ chế giám sát, nhắc nhở người đại biểu dân cử trong suốt quá trình hoạt động, qua các cuộc họp, tiếp xúc cử tri.

Để Mặt trận Tổ quốc, cử tri và các cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này, chúng ta cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động tiếp xúc cử tri theo hướng thực chất hơn nữa, có sự tham gia của đông đảo cử tri hơn nữa để người đại biểu dân cử có thêm nhiều thông tin từ cuộc sống. Trong đó, có cả những thông tin phản ánh tích cực và tiêu cực, những việc làm được và những việc làm chưa tốt, những thông tin phản biện xã hội… Qua đó, góp phần giúp đại biểu dân cử có cơ sở vững chắc triển khai hoạt động đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.