Đồng thuận xã hội trong “nhiệm vụ kép”

Dịch Covid-19 thời gian qua tác động mạnh nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Quý I-2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam dù cao nhất khu vực, cũng chỉ đạt 3,82% so cùng kỳ năm 2019 và là mức thấp nhất kể từ năm 2011. Trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, vừa kiểm soát, ngăn ngừa, phòng, chống dịch Covid-19 lây lan, vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh, phục hồi và từng bước phát triển kinh tế - xã hội là “nhiệm vụ kép” của toàn hệ thống chính trị.

Doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại bộ phận một cửa của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: QUANG PHÚC
Doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại bộ phận một cửa của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: QUANG PHÚC

Kể từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương và mọi tầng lớp nhân dân đã vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, rốt ráo nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch Covid-19. Nước ta kịp thời áp dụng biện pháp phòng, chống chặt chẽ, khoa học như: đẩy mạnh công tác dự phòng dịch bệnh; kiểm soát người đi, đến; cách ly, phân loại người đến từ vùng dịch; khoanh vùng dịch; thực hiện giãn cách xã hội…

Việt Nam đã gặt hái nhiều thành công trong phòng, chống dịch. Tính đến chiều 22-4, không có bệnh nhân tử vong do virus SARS-CoV-2; tròn một tuần liên tục, ta chưa có thêm ca mắc Covid-19; có 223 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh, chiếm 83% tổng số bệnh nhân mắc Covid-19; phần lớn số bệnh nhân còn lại đều ổn định sức khỏe. Hiện tại, mô hình phòng, chống dịch bệnh chi phí thấp mang lại hiệu quả cao của Việt Nam được nhiều nước trên thế giới tham khảo, học tập.

Dù vậy, dịch Covid-19 khiến nước ta không tránh khỏi tác động tiêu cực về kinh tế. Theo giới chuyên gia, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, nông nghiệp và phụ trợ, dịch vụ, tài chính - ngân hàng - bảo hiểm… bị ảnh hưởng nặng nề. Không ít doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc chấp nhận bị phá sản, nhiều người lao động bị giãn việc, mất việc làm, giảm sâu thu nhập, không bảo đảm mức sống tối thiểu. Hiện trạng này cho thấy Việt Nam không thể chờ hết dịch mà cùng với phòng, chống dịch, phải có biện pháp đưa hoạt động kinh doanh, sản xuất trở lại, chuẩn bị tâm thế vừa “sống chung với dịch”, vừa sẵn sàng “bứt tốc” khi hết dịch.

Trước yêu cầu thực tiễn, Chính phủ triển khai hàng loạt biện pháp kích thích kinh tế, kêu gọi bộ, ngành, lĩnh vực, địa phương duy trì, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian có dịch, khẩn trương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội sau dịch, đưa đất nước vượt suy thoái. Nỗ lực của Đảng, Nhà nước thể hiện qua chủ trương triển khai hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực như: gói hỗ trợ về tiền tệ khoảng 300.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ về tài khóa khoảng 180.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ an sinh xã hội khoảng 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ giá điện khoảng 12.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ giá dịch vụ viễn thông khoảng 15.000 tỷ đồng. Cùng với đó là số vốn đầu tư công gần 700.000 tỷ đồng cần giải ngân hết trong năm nay...

Quyết tâm khởi động lại nền kinh tế đã rõ ràng. Nếu không thực hiện “nhiệm vụ kép”, chúng ta không chỉ bỏ lỡ cơ hội sớm hồi phục, đối mặt nguy cơ tụt hậu, mà rất có thể còn hụt hơi trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Tuy nhiên, “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… không dễ dàng mà đặt thêm nhiều khó khăn, thách thức mới cho các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động. Trong đó, có thể kể đến những trở ngại như thời gian xử lý nhiều hơn, chi phí thực hiện cao hơn, các thủ tục phức tạp hơn…

Một yếu tố quan trọng mang lại thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch bệnh thời gian qua là sự đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân. Để thực hiện “nhiệm vụ kép”, cùng với các quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, rất cần sự chung sức của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, hay nói cách khác chính là sự đồng thuận toàn xã hội. Tinh thần đồng thuận trong cuộc chiến chống dịch lan tỏa trong nỗ lực phục hồi kinh tế sẽ giúp chúng ta tập trung sức mạnh vượt qua thử thách.