Cơ hội cho những tòa soạn dám bước trên con đường mới

Thế giới đang trải qua giai đoạn chưa từng thấy trong lịch sử: đại dịch Covid-19 kéo dài hơn một năm rưỡi qua đã tàn phá nền kinh tế toàn cầu và gây trở ngại cho mọi hoạt động kinh tế - xã hội cũng như đời sống của người dân. Báo chí không phải ngoại lệ!

Theo điều tra của Trung tâm Nghiên cứu Pew, có đến một phần ba các tòa soạn có lượng phát hành số chủ nhật trung bình 50.000 bản ở Mỹ đã phải sa thải nhân viên trong năm 2020, tăng mạnh so tỷ lệ 25% năm trước đó. Tình hình tại các tòa soạn lớn còn bi đát hơn, với tỷ lệ lên tới 50%. Tại Anh, theo báo cáo của Hiệp hội Quảng cáo, chi phí quảng cáo năm 2020 bị giảm 16,7% so năm 2019. Quảng cáo hiển thị và tìm kiếm đều được dự báo sẽ giảm hơn 12% trong năm nay.

Trong khi đó, theo báo cáo của Hiệp hội các nhật báo và nhà xuất bản tin tức thế giới (WAN-IFRA), có tới 31% số lãnh đạo các cơ quan báo chí cho rằng tình trạng sụt giảm doanh thu quảng cáo là đe dọa lớn nhất đối với tương lai của họ.

Tại Việt Nam, dù nền kinh tế vẫn nằm trong số ít đạt mức tăng trưởng dương năm ngoái, không thể phủ nhận rằng vi-rút Cô-rô-na đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống. Hoạt động báo chí cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng: số lượng phát hành báo in bị thu hẹp, doanh thu quảng cáo bị sụt giảm, các phóng viên không thể tác nghiệp bình thường trong bối cảnh nhiều hoạt động văn hóa - thể thao bị hủy bỏ, các sự kiện chính trị - ngoại giao lớn bị đình hoãn hoặc phải thực hiện trực tuyến. Đã có nhà báo trở thành nạn nhân của đại dịch trong lúc tác nghiệp, đã có tòa soạn phải tạm ngừng ra báo in một thời gian.

Tình hình càng tồi tệ hơn khi tin giả, tin thất thiệt nở rộ, nhất là thông tin liên quan dịch bệnh, thông tin bóp méo những nỗ lực phòng, chống dịch của cả hệ thống, và thông tin sai lệch trước khi diễn ra những sự kiện chính trị lớn của đất nước.

Tuy nhiên, chính trong lúc xảy ra muôn vàn khó khăn đó, trong tình thế mà các nhà nghiên cứu trên thế giới còn phải dùng tới thuật ngữ "đại dịch thông tin", thì vai trò của báo chí lại trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Theo nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters, vừa công bố ngay đầu tháng 6, báo chí chính thống mới là nguồn tin cậy cho người dân về những thông tin liên quan Covid-19. Ở hầu hết các quốc gia mà báo cáo này tham khảo, hơn 50% số người được hỏi đều cho rằng báo chí chính thống đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Tại Việt Nam, báo chí góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân và tuyên truyền hiệu quả về nỗ lực chống dịch của Đảng, Chính phủ và mọi thành phần trong xã hội. Báo chí cũng có vai trò đáng kể trong việc đưa Việt Nam lên đầu bảng xếp hạng các chính phủ được người dân tin tưởng nhất.

Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, nhưng nó cũng là động lực thúc đẩy các tòa soạn thay đổi cách thức tác nghiệp. Chuyển đổi số trong báo chí - đòi hỏi cấp thiết nhưng đạt được rất ít tiến bộ trong những năm qua, thì nay được thúc đẩy mạnh mẽ. Nhiều tòa soạn đang mạnh dạn ứng dụng công nghệ, kể cả trí tuệ nhân tạo, vào quy trình sản xuất và phát hành thông tin cũng như hoạt động kinh doanh nội dung, thử nghiệm những mô hình tạo doanh thu mới thay vì chỉ phụ thuộc quảng cáo.

Xã hội bước vào giai đoạn "bình thường mới", còn báo chí cũng chứng tỏ khả năng thích nghi của mình để tiếp tục thực thi trách nhiệm xã hội, luôn giữ cho dòng thông tin chủ lưu không bị ngưng trệ, cung cấp cho người dân những thông tin, kiến thức hữu ích, giúp họ định hướng công việc cũng như cuộc sống.

Thách thức với xã hội và với báo chí còn ở phía trước, vì đại dịch vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc sớm. Nhưng cơ hội cũng rất nhiều, cho tất cả những ai đủ can đảm bước đi trên con đường mới.