Chủ động ứng phó từ sớm, từ xa

“Biển người” ken đặc tại các khu du lịch, vui chơi, giải trí như Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cửa Lò (Nghệ An), Sầm Sơn (Thanh Hóa)… trong kỳ nghỉ lễ kéo dài bốn ngày khiến giới chuyên gia y tế lo ngại nguy cơ bùng phát làn sóng dịch Covid-19. Mối lo ngại ấy nâng thêm một mức khi báo chí phản ánh không ít du khách “vô tư” không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách, tụ tập đông người, không theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Lo ngại đó không phải không có cơ sở khi dịp 30-4 và 1-5 vừa qua, người dân đổ dồn về các điểm du lịch. Phần vì do thời gian nghỉ tương đối dài, phần thì do suốt năm 2020 và bốn tháng đầu năm 2021, phần lớn người dân hạn chế đi lại, tiếp xúc, học sinh nghỉ học nhiều đợt. Một vài tuần trước kỳ lễ, dịch lắng dịu cũng là lý do thúc đẩy người dân lựa chọn đi nghỉ, du lịch cùng gia đình.
 
 Theo thống kê, hai ngày đầu kỳ nghỉ, Đà Lạt đón khoảng 125 nghìn lượt khách, tăng cao so năm 2020. Tại thị xã Cửa Lò, 70% số phòng được du khách đặt trước. Biển Sầm Sơn những ngày nghỉ lễ đón 215 nghìn lượt khách trong số 374 nghìn lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng tại Thanh Hóa… Tuy chưa đạt mức trước thời điểm có dịch, nhưng với số lượng du khách như vậy, chỉ cần một người mang SARS-CoV-2 không được phát hiện, dịch có thể lây nhiễm hàng loạt, gây khó khăn cho công tác truy vết, dập dịch.
 
 Kết thúc kỳ nghỉ, lại có số lượng rất lớn người từ các địa phương đổ về thành phố, đặc biệt tập trung về hai “đầu tàu” là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, tính từ ngày 29-4 đến sáng 4-5, Việt Nam ghi nhận khoảng 30 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, cùng lúc truy vết ba chùm ca bệnh ở Hà Nam, Vĩnh Phúc và Đà Nẵng. Khâu cách ly người nhập cảnh hợp pháp cũng cho thấy, có địa phương còn kẽ hở, lỗ hổng… Tất cả những yếu tố đó dự báo nguy cơ bùng phát làn sóng dịch mới.
 
 Bởi vậy, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 mới đây chỉ đạo một số biện pháp cấp bách nhằm quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh. Theo đó, một số địa phương tiết giảm hoạt động không cần thiết có khả năng khiến dịch bệnh lây lan, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử phạt trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19, yêu cầu người dân quay trở lại thành phố khai báo y tế, xem xét thực hiện cách ly tập trung dài hơn 14 ngày. Nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội, cho học sinh chuyển sang học trực tuyến,…
 
 Trải qua ba đợt cao điểm,
 
 Việt Nam thành công, khống chế được dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, mới đây xuất hiện chủng biến thể kép của SARS-CoV-2,… để giữ gìn sức khỏe bản thân, gia đình, cộng đồng, giữ vững thành quả đạt được, mỗi cá nhân tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch, không chủ quan, song cũng không nên hoang mang, thực hiện tốt khuyến cáo 5K gồm: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế. Dịch Covid-19 chắc chắn chưa sớm kết thúc. Vì vậy, cơ quan chức năng cần cân nhắc mức độ hạn chế hay nới lỏng hoạt động tùy theo cấp độ dịch, hoàn cảnh, tình huống.
 
 Tới đây, cả nước bước vào sự kiện chính trị quan trọng: bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tiếp đó là hai kỳ thi quan trọng vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT, và không bao lâu sau là dịp nghỉ Quốc khánh 2-9,… Ngoại trừ tình trạng khẩn cấp, khi yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội là không ngừng nghỉ, khi mục tiêu ổn định sản xuất, giữ vững tăng trưởng phải được bảo đảm, khi nhu cầu được làm việc và cả nghỉ ngơi của người dân là chính đáng,… các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị… nên xây dựng kế hoạch cụ thể từ sớm, từ xa, để chủ động ứng phó, tránh đột ngột rơi vào trạng thái “đóng băng”, hoặc làm xáo trộn hoạt động thiết yếu.