Chính sách nhân văn, kịp thời

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI mới đây biểu quyết thông qua và chuẩn bị ban hành hai nghị quyết quan trọng liên quan giáo dục, gồm: Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập; Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo đó, năm học 2021-2022, dự kiến, Hà Nội sẽ giữ nguyên mức học phí như năm học trước, đồng thời hỗ trợ 50% mức học phí hằng tháng. Tổng kinh phí hỗ trợ học phí cho học sinh các cấp là gần 893 tỷ đồng. Trong đó, cấp mầm non là hơn 378,7 tỷ đồng, cấp tiểu học là hơn 40,4 tỷ đồng, cấp trung học cơ sở gần 258,6 tỷ đồng và cấp trung học phổ thông là hơn 215,1 tỷ đồng…

Năm học 2021-2022 đã diễn ra được hơn bốn tuần. Dù vậy, đến thời điểm này, hầu hết các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội đều chưa thực hiện việc thu học phí. Với chính sách hỗ trợ kịp thời, nhân văn của thành phố, có thể nhận thấy niềm vui của phụ huynh học sinh, giáo viên, Ban giám hiệu các trường.

Thông thường, vào đầu năm học, các phụ huynh phải đóng nhiều khoản tiền như: học phí, đồng phục, sách giáo khoa, quỹ lớp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể… Đây là những khoản đóng góp cần thiết bảo đảm cho các em có đủ điều kiện học tập. Tuy nhiên, thời gian qua, dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, nên những khoản này là gánh nặng không nhỏ với nhiều gia đình.

Việc thành phố quyết định giữ mức trần học phí như năm học cũ và hỗ trợ 50% mức học phí cho học sinh các cấp học trên địa bàn Thủ đô là sự quan tâm, hỗ trợ rất thiết thực, ý nghĩa cho các phụ huynh trong tình hình hiện nay. Nhưng bên cạnh ý kiến đồng tình, ủng hộ thì còn những băn khoăn. Một số hiệu trưởng bày tỏ nguyện vọng, lãnh đạo thành phố cũng nên tính đến khó khăn, chia sẻ và bù đắp cho những khoản chi từ nguồn thu học phí như chi lương cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, các hoạt động hỗ trợ sự nghiệp giáo dục (cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học, hỗ trợ thu nhập thấp cho các nhân viên…).

Nhìn rộng ra trên cả nước, tại các tỉnh, thành phố như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng… cũng đều có chính sách hỗ trợ kịp thời cho hoạt động của ngành giáo dục.

Tại thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cả nước đang phải gồng mình tập trung nguồn lực chăm lo sức khỏe, bảo vệ tính mạng cho nhân dân thì chính sách hỗ trợ cho ngành giáo dục thể hiện sự quan tâm, luôn nhất quán đặt ưu tiên “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” của Đảng, Nhà nước ta.

Cùng với các kế hoạch phục hồi nền kinh tế và các lĩnh vực trọng yếu của đời sống xã hội, việc chăm lo cho ngành giáo dục, đội ngũ giáo viên và quyền lợi của từng học sinh cũng chính là nỗ lực để từng bước phục hồi đời sống xã hội trong trạng thái bình thường mới.

HOÀNG DUY