Bảo vệ bình yên cuộc sống nhân dân

Bộ Công an đang tổ chức các hội thảo khoa học nhằm làm rõ nhận thức lý luận và đánh giá tình hình, thực trạng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở, qua đó đề xuất phương hướng, giải pháp nhằm củng cố, phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng này.

Công an xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé (Điện Biên) tuyên truyền, vận động người dân bản Nậm Pồ tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ảnh: LÊ LAN
Công an xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé (Điện Biên) tuyên truyền, vận động người dân bản Nậm Pồ tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ảnh: LÊ LAN

Hiện nay, các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở gồm Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng, đã và đang được tổ chức, hoạt động ở địa bàn cơ sở, chịu sự điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Tại các hội thảo, nhiều ý kiến đề xuất việc xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở làm cơ sở pháp lý vững chắc để tổ chức hoạt động và quản lý hiệu quả hơn đối với các lực lượng nêu trên.

Nhiệm vụ của các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có tác động đến quyền con người, quyền công dân mà theo quy định của Hiến pháp năm 2013 phải được quy định trong văn bản luật. Do đó, xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, vừa bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, vừa bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp.

Nội dung quan trọng nhất cần phải tiếp tục khẳng định và phát huy tốt trong thực tế là vai trò đặc biệt quan trọng của người dân trong bảo vệ ANTT cơ sở. Việc khơi dậy tinh thần, ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong lĩnh vực này có ý nghĩa quyết định đối với sự bình yên ở từng thôn, làng, ngõ, xóm nói riêng và cả đất nước nói chung. Mỗi người dân với lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm cộng đồng cao sẽ là một pháo đài vững chắc về ANTT, phát hiện từ sớm, từ xa các loại tội phạm và là người đồng hành không thể thiếu của lực lượng chức năng.

Việc tiếp tục củng cố, xây dựng lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở luôn là nhiệm vụ quan trọng, cần được tiến hành thường xuyên và cũng rất cần quy định pháp luật, chính sách thống nhất, phù hợp tính chất công việc của lực lượng này. Tuy nhiên, việc xây dựng luật hay chỉ tập trung tổ chức lại các lực lượng đang tồn tại đều cần tuân thủ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước là tiếp tục tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, không để "phình" biên chế. Bên cạnh đó, không nên thành lập những đơn vị mới ở những lĩnh vực mà có thể bộ máy hiện hành đang làm tốt, đang thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả.

Lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở có đặc điểm công việc luôn gần dân, gắn bó với nhân dân, vì vậy những thay đổi về tổ chức, nhiệm vụ, quy định công tác sẽ có nhiều tác động trực tiếp tới đời sống người dân, tới sự điều hành của chính quyền địa phương. Khi kiện toàn lực lượng này, cần chú trọng nghiên cứu những quy định pháp luật hiện hành liên quan, bảo đảm thống nhất trong thực tế cuộc sống. Nhất là những quy định về vị trí pháp lý, quyền hạn khi thi hành công vụ, vấn đề ngân sách, tổ chức biên chế…

Hiện nay, tại nhiều địa phương trong cả nước, nhiều mô hình tự quản, tự nguyện tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở đang được người dân triển khai hiệu quả, được các cấp chính quyền quan tâm và lực lượng chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện, đồng hành thực hiện nhiệm vụ. Đây là nội dung cần chú trọng trong quá trình nghiên cứu, triển khai xây dựng những quy định pháp luật liên quan lực lượng bảo vệ ANTT cơ sở. Nếu không tìm hiểu thấu đáo, sâu sắc để có quyết sách hợp lý có thể sẽ dẫn đến làm giảm sức mạnh, làm phai nhạt tinh thần của các mô hình tự nguyện, tự quản về ANTT trong nhân dân, vốn rất hiệu quả.

THỰC tế cho thấy, đối với những chủ trương lớn, có tác động nhiều mặt đời sống xã hội, cuộc sống của nhân dân ở cơ sở, ngoài việc nghiên cứu kỹ lưỡng những quy định, cần tổ chức thực hiện thí điểm trong một thời gian nhất định tại một số địa phương. Qua đó, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng có thời gian rà soát, nghiên cứu, đánh giá sự cần thiết cũng như tính khả thi của chính sách.