Vẫn cần một kỳ thi đánh giá chuẩn cho bậc trung học

NDO -

NDĐT - Đã đến lúc chúng ta có thể đặt vấn đề chỉ tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT làm cơ sở cho việc lựa chọn thí sinh đạt yêu cầu tốt nghiệp THPT và lựa chọn thí sinh trúng tuyển đại học, cao đẳng để giảm đi những áp lực cho học sinh và xã hội.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: L.H
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: L.H

Cần một kỳ thi đánh giá chuẩn bậc trung học

Vừa qua, nhiều ý kiến chung quanh vấn đề nên chăng bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì tốn kém mà kết quả thì không thuyết phục.Vậy có nên nhập hai kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và đại học, cao đẳng như nhiều người đã bàn luận?

Thời điểm mà nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân phát động cuộc vận động “hai không”, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm đó và năm kế tiếp, có thể nói đã đánh giá thực chất chất lượng học sinh phổ thông. Nhưng rồi, trong gần chục năm qua, dẫu có thể thấy chất lượng dạy và học đã tốt hơn, nhưng khó mà khẳng định rằng, đó là sự đánh giá đúng thực chất chất lượng giáo dục phổ thông hiện nay sau gần 10 năm “đổi” mà chưa “mới”.

Hơn ba tuần sau kỳ thi tốt nghiệp, các thí sinh tiếp tục bước vào một kỳ thi mới, mà theo họ, đây mới là kỳ thi “đích thực, gay cấn và căng thẳng”. Có thể thấy, các điểm 0 và trên dưới 1-2, chiếm tỷ lệ không nhỏ trong kết quả thi. Đấy là với các môn thi đã được các em lựa chọn theo sở thích và sở trường. Thử hỏi, với các môn ở kỳ thi tốt nghiệp, với nhiều em được cho là sở đoản thì tại sao lại có được kết quả cao như vậy? Điều này cũng phần nào có thể hiểu được cơ sở của sự hoài nghi vào thực chất kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Không ít người cho rằng, tổ chức một kỳ thi tốn kém hàng tỷ đồng để loại mấy người bỏ thi hoặc cố tình vi phạm quy chế thi thì thật quá đắt.

Chúng ta đều thừa nhận, trong tất cả các kỳ thi của ngành Giáo dục hiện nay chỉ còn kỳ thi vào đại học là còn đáng tin cậy. Nhưng bên cạnh đó cũng nhiều ý kiến cho rằng ít nhất, kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng đã làm được một việc là xác định được người học đã hoàn thành được một bậc học. Đây là điều cần thiết cho một quá trình học tập của mỗi người và bằng tốt nghiệp THPT là giấy thông hành để mỗi người đủ điều kiện tiếp cận với nghề nghiệp lựa chọn. Đây là một cái mốc mà hầu như mọi quốc gia đều đang thực hiện, kể các quốc gia có nền giáo dục phát triển. Có thể nói, vẫn cần thiết phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT vì đây là kỳ thi có thể đánh giá được khá toàn diện về kiến thức phổ thông của người học trước khi đi vào tiếp cận tri thức và kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời phù hợp với tình hình chung của giáo dục quốc tế.

Vậy tổ chức kỳ thi như thế nào để đánh giá được thực chất và tạo được động lực cho người học? Thực tế thì nhiều quốc gia chỉ tổ chức thi tốt nghiệp THPT mà không tổ chức hoặc tổ chức hạn chế kỳ thi vào đại học, cao đẳng. Bởi vậy, cần phải nghĩ đến việc tổ chức một kỳ thi mà có thể đạt được hai mục đích: vừa đánh giá được trình độ đạt chuẩn bậc trung học, vừa có cơ sở tuyển được học sinh vào các trường đại học, cao đẳng.

Lựa chọn kỳ thi và tổ chức thi

Đề nghị bỏ thi tốt nghiệp THPT, không phải xuất phát từ nhận thức về ý nghĩa của kỳ thi, mà nguyên nhân chính là sự khủng hoảng niềm tin với việc tổ chức kỳ thi này. Nếu chúng ta tổ chức tốt thì việc nhập hai kỳ thi làm một chắc sẽ nhận được sự đồng thuận. Vấn đề là làm thế nào để bảo đảm tính khách quan, đánh giá đúng thực chất trình độ, hơn thế nữa, để có cơ sở cho các trường đại học, cao đẳng lựa chọn được đối tượng phù hợp cho từng trường, từng ngành.

Về các môn thi, nên tăng số môn thi tốt nghiệp THPT từ 6 môn lên 8 môn, tức là có đầy đủ các môn thi trong các khối thi hiện nay, nhằm dễ dàng cho các trường lấy kết quả các môn thi theo từng ngành học. Các ngành học dựa trên kết quả của ba môn phù hợp, kèm thêm điều kiện là ba môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ phải đạt điểm trung bình trở lên, tức điểm 5/10 theo cách cho điểm hiện nay, bởi đây là các môn học ảnh hưởng rất nhiều đến tri thức nghề của sinh viên khi học cũng như sau khi ra trường. Với một số trường hoặc các ngành học đặc thù như: âm nhạc, kiến trúc, mỹ thuật, thể dục thể thao…có thể tổ chức thêm kỳ thi phụ (thi năng khiếu) trên cơ sở những thí sinh đã đạt được kết quả nhất định từ các môn thi tốt nghiệp THPT phù hợp với ngành đào tạo.

Về cách tổ chức và hình thức thi, tổ chức thi tốt nghiệp THPT hiện nay có sự tham gia của một số thành viên là cán bộ quản lý các phòng chuyên môn, các khoa trong các trường đại học được bổ sung vào các ban chỉ đạo của từng điểm thi là có thể bảo đảm được. Đề thi là khâu quan trọng. Muốn có cơ sở để sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp vào việc xét điều kiện vào học đại học, cao đẳng, đề thi phải có được sự phân hóa cao. Vừa qua cũng có rất nhiều ý kiến chung quanh vấn đề thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan (thi trắc nghiệm). Tại sao Mỹ, Pháp đã bỏ thi trắc nghiệm mà ta lại đưa vào? Chúng ta cần nhìn nhận xem thi trắc nghiệm là hình thức thi lạc hậu, hay các nước có nền giáo dục phát triển họ đã có hình thức khác phù hợp hơn để lựa chọn cho mình chứ không nên quá cực đoan như vậy.

Ngay giai đoạn này, trong mọi lĩnh vực hoạt động xã hội, đặc biệt là thi cử, chúng ta chưa thể dựa hoàn toàn vào tính tự giác của con người. Các khâu trong quy trình thi cũng cố gắng hạn chế tối đa sự can thiệp trực tiếp của con người. Trước hết chúng ta phải có một hình thức thi phản ánh được sự công bằng và khách quan trong nhìn nhận chất lượng người học trước khi có thể áp dụng các hình thức thi văn minh hơn như các quốc gia có nền giáo dục phát triển.

Trong các hình thức thi đang phổ biến hiện nay, thi vấn đáp là bảo đảm việc đánh giá người học một cách khá chính xác, nhưng hình thức này không thể hoặc chưa thể áp dụng cho một kỳ thi có tính đại trà với số lượng đông như thi tốt nghiệp THPT hoặc thi đại học, cao đẳng.

Hình thức trắc nghiệm tự luận (tự luận) là hình thức đánh giá có rất nhiều ưu điểm. Ngoài việc đánh giá khả năng đáp ứng yêu cầu đề thi còn có thể đánh giá được tính sáng tạo của thí sinh. Tuy nhiên hình thức thi này cũng có một số khó khăn trong đánh giá, đặc biệt là đối với kiến thức mà đáp án rất khó định lượng thì người chấm dễ dàng bị chi phối bởi định tính, dẫn đến cảm tính.

Thi trắc nghiệm có hạn chế là khó đánh giá được tính sáng tạo của người làm bài và thường là không đặt ra được cho người làm bài giải quyết một vấn đề lớn, có tính hệ thống, nhưng bù lại hình thức này lại có nhiều thuận lợi cho việc đánh giá một kỳ thi có tính đại trà như kỳ thi đại học hoặc thi tốt nghiệp.Nó bảo đảm được thời gian, tính khách quan, hạn chế được sự can thiệp trực tiếp của con người, lại đánh giá được kiến thức rộng, tránh được hình thức học tủ, hạn chế được tiêu cực.

Tuy nhiên, muốn bảo đảm chất lượng hình thức này, đề thi phải có số lượng câu hỏi lớn, bảo đảm mỗi người một mã đề hoặc ít nhất cũng đáp ứng được 50% số thí sinh trong phòng thi (nên bố trí khoảng 30 thí sinh/phòng thi). Đề thi phải có khả năng phân hóa cao, đạt được ba mức độ: mức một, số câu hỏi ở mức trung bình nhằm đạt được điểm tốt nghiệp; mức hai gồm các câu hỏi tương đối khó, ít nhất đủ điểm sàn để vào học đại học, cao đẳng; mức ba gồm các câu hỏi khó để các trường tốp trên lựa chọn. Như vậy, ngay cả thí sinh học giỏi cũng không đủ thời gian để có thể “giúp” người bên cạnh trong trường hợp coi thi lỏng lẻo. Thực tế, các môn thi (tốt nghiệp và đại học, cao đẳng) được thực hiện bằng hình thức trắc nghiệm nhiều năm qua đã đạt được hiệu quả tốt, mặc dù cũng còn một vài hạn chế nhất định mà chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được nếu giải quyết được vấn đề như: số lượng mã đề còn ít, khả năng phân hóa kiến thức chưa cao.