Những kết quả qua sáu năm đổi mới giáo dục

NDO -

Nghị quyết 88/2014/QH13) của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Nghị quyết 88) được coi là văn bản quy phạm pháp luật thể chế hóa Nghị quyết 29-NQ/TW để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam. 

Những kết quả qua sáu năm đổi mới giáo dục

Căn cứ cụ thể để thực hiện đổi mới giáo dục

Theo TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, năm 2013, Ban Chấp hành T.Ư đã thông qua Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Để thể chế hóa Nghị quyết 29, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 88. 

Nhìn về thời điểm 6 năm trước đó TS Phạm Tất Thắng cho biết, chúng ta mới ban hành Luật Giáo dục đại học năm 2012, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 và đã thể chế hóa một bước Nghị quyết 29 vào những bậc học đó. Nhưng riêng giáo dục phổ thông lúc đó vẫn thực hiện theo luật giáo dục cũ và tinh thần đổi mới của Nghị quyết 29 chưa được phản ánh vào giáo dục phổ thông. Chính vì vậy, Quốc hội đã tiến hành giám sát tổng thể về chất lượng giáo dục phổ thông và dùng đó là căn cứ để ban hành Nghị quyết 88.

“Ở thời điểm đó, Nghị quyết 88 được coi là văn bản quy phạm pháp luật thể chế hóa Nghị quyết 29 để chúng ta thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam. Nghị quyết 88 mục tiêu đã rất rõ đó là chuyển đổi cơ bản phương thức, mục tiêu từ dạy kiến thức sang phát triển năng lực của học sinh, từ dạy chữ sang dạy người. Mục tiêu là để phát triển học sinh toàn diện cả đức - trí - thể - mỹ” – TS Phạm Tất Thắng phát biểu tại buổi tọa đàm “Thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội với việc đổi mới giáo dục phổ thông” do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 29-10.

“Chúng ta đang ở trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, phải tận dụng được nguồn nhân lực đó cho giai đoạn phát triển mới của đất nước trong bối cảnh chúng ta đẩy mạnh hội nhập sâu rộng với quốc tế. Chính vì vậy, cần thiết cải tiến, nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục để tạo ra nguồn nhân lực mới đáp ứng yêu cầu của đất nước trong giai đoạn phát triển mới”, TS Phạm Tất Thắng nhấn mạnh về bối cảnh triển khai Nghị quyết 88.

Ghi nhận một số kết quả đạt được

Sau 6 năm triển khai, vừa qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã thực hiện chương trình giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 88/NQ-QH.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: “Một trong những nội dung mà đoàn giám sát của Ủy ban đặc biệt quan tâm đó chính là công tác chuẩn bị đội ngũ và công tác tập huấn để chuẩn bị triển khai chương trình lớp 1 trong năm học mới”.

Qua việc đi thực tế tại các địa phương, cũng như làm việc với các đơn vị, các bộ ngành, theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, đoàn giám sát của Uỷ ban rút ra được những nhận định bước đầu về công tác triển khai Nghị quyết 88 với bốn kết quả được ghi nhận.

Thứ nhất, công tác triển khai, chỉ đạo của Bộ GD-ĐT cũng như trong toàn ngành rất rõ từ hệ thống văn bản, công tác triển khai tập huấn cho những đối tượng liên quan rất bài bản, việc rà soát đội ngũ giáo viên trên toàn quốc. Trên cơ sở đó, có một lộ trình triển khai tập huấn là việc mà cơ quan quản lý làm rất tốt.

Thứ hai, ghi nhận tinh thần vào cuộc, nhập cuộc một cách tích cực của lãnh đạo các địa phương. “Chúng tôi cũng đi giám sát về hoạt động giáo dục nhiều, có thể nói tinh thần triển khai Nghị quyết 88 các địa phương đã xác định rất rõ đây là nghị quyết của Quốc hội để cụ thể hóa Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Vì vậy, các địa phương nhập cuộc rất tích cực và cũng trên tinh thần sẵn sàng đầu tư, tập trung tốt nhất cho việc triển khai chương trình, sách giáo khoa”, bà cho biết.

Thứ ba, ghi nhận về công tác chuẩn bị đội ngũ. Qua giám sát cho thấy, các địa phương sẵn sàng về đội ngũ cho việc triển khai chương trình lớp 1. Lựa chọn đôi ngũ có kinh nghiệm nhất, có năng lực nhất để bắt đầu triển khai chương trình lớp 1, để bảo đảm thực hiện tốt ngay từ năm đầu tiên. Tinh thần của cán bộ quản lý của các trường cũng như của các giáo viên đã có tâm thế rất sẵn sàng trên tinh thần phải đổi mới, không thể dừng được.

Thứ tư, về hình thức bồi dưỡng tập huấn, qua giám sát cho thấy, việc triển khai song song tập huấn trực tiếp cũng như phát huy hình thức tập huấn trực tuyến trong một bối cảnh rất khó khăn, chúng ta đang đối mặt với dịch bệnh Covid 19, nhưng chúng ta đã khai thác và triển khai cũng khá nhanh về việc tập huấn trực tuyến. Tháng 9-2020, các trường khai giảng thì công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, chuẩn bị, tâm thế rất tốt.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết thêm, qua giám sát bước đầu, chúng tôi nhận thấy việc triển khai chương trình lớp 1 không quá khó. Tuy nhiên, qua giám sát một số vấn đề đặt ra, chúng ta cũng phải quan tâm để có rút kinh nghiệm cho những năm sau, như tiến độ triển khai tập huấn cho giáo viên còn chậm; việc tập huấn trực tuyến sẽ không dễ nhất là với bộ phận giáo viên tuổi cao và quá trình đào tạo không được bài bản; vấn đề thừa, thiếu cục bộ giáo viên, giáo viên ở các trường đang chịu nhiều áp lực về đổi mới, về việc "gánh" thêm những việc của nhân viên trường học…