Giáo dục đóng góp quan trọng vào Chỉ số phát triển con người của Việt Nam

NDO -

Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, đoàn TP Hà Nội, thì mặc dù dư luận chưa bằng lòng với giáo dục, cả hội trường nóng lên khi sách giáo khoa lớp một sai một số ngôn từ về ngữ điệu, nhưng thế giới đang xếp hạng giáo dục của Việt Nam khá cao. Chính vì vậy, chỉ số HDI của Việt Nam được đánh giá vào nhóm cao, trong khi thu nhập quốc dân của còn thấp.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội).
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội).

Thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, ngày 5-11, các đại biểu tiếp tục bày tỏ sự quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) cho biết, trong bối cảnh gặp muôn vàn khó khăn, bão lụt, lở đất hoành hành các tỉnh miền trung, đến dịch tả lợn châu Phi, đại dịch Covid-19..., nhưng Việt Nam vẫn đạt được nhiều thành tựu, điều đó cho phép chúng ta có quyền ước mơ đến khát vọng phồn vinh, đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển thu nhập cao.

Đặt vấn đề làm thế nào để khát vọng trên trở thành hiện thực, theo đại biểu Cường, có nhiều tiêu chí để xếp các nước vào nhóm các nước phát triển. Có hai tiêu chí rất cơ bản, đó là Chỉ số phát triển con người - HDI phải đạt từ 0,8 trở lên và mức thu nhập GDP phải đạt được trên 40.000 USD. HDI là chỉ tiêu tổng hợp của ba chỉ số về giáo dục, chăm sóc sức khỏe và thu nhập. Việt Nam hiện nay HDI đang đạt được 0,693, được xếp vào nhóm cao của nước phát triển khá, có nghĩa chúng ta chỉ thiếu 0,07 sẽ đạt được nhóm có HDI cao.

“Qua đây, cũng thấy mặc dù để chúng ta chưa bằng lòng với giáo dục, cả hội trường nóng lên khi sách giáo khoa lớp một sai một số ngôn từ về ngữ điệu, nhưng thế giới đang xếp hạng giáo dục của chúng ta khá cao. Chính vì vậy, chỉ số HDI của Việt Nam được đánh giá vào nhóm cao, trong khi thu nhập quốc dân của chúng ta thấp”, đại biểu nhấn mạnh.

Trên cơ sở này, đại biểu Hoàng Văn Cường đưa ra những đề nghị trong chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, trong đó, nhấn mạnh về việc cần phải ưu tiên vào nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Đại biểu thể hiện sự đồng tình với quan điểm các trường đại học chính là nôi của nguồn nhân lực chất lượng cao để đổi mới và sáng tạo.

Đại biểu cũng cho biết, mức đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay đang rất thấp, chỉ chiếm 0,33% GDP, trong khi các nước OECD có số lượng sinh viên ít hơn và quy mô GDP thì lớn hơn, mức đầu tư giáo dục đại học cũng đã chiếm đến 1,1% GDP. Chính vì vậy, mức chi cho giáo dục của một sinh viên ở trường đại học tốp đầu Việt Nam hiện nay chỉ bằng 1/10 đến 1/15 của sinh viên các nước phát triển.

“Tuy vậy, sản phẩm đào tạo trong nước của trường đại học tốp đầu vẫn được các nhà tuyển dụng đánh giá không có sự khác biệt rõ ràng về năng lực chuyên môn so với người tốt nghiệp ở nước ngoài, ngoại trừ trình độ ngoại ngữ”, đại biểu nêu.

Ngân hàng Thế giới đánh giá rất cao về đầu tư cho giáo dục đại học ở Việt Nam, đây đang được coi là khâu đầu tư có hiệu quả cao nhất. Theo đại biểu, cần phải tập trung đầu tư cho cơ sở giáo dục đại học để các trường tốp đầu trở thành các trường có đẳng cấp quốc tế.

Giáo dục đóng góp quan trọng vào Chỉ số phát triển con người của Việt Nam -0
Đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) trong phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, ngày 5-11.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) cho rằng, trong các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo cần chú trọng: “Triển khai đồng bộ trong toàn hệ thống việc chuyển giáo dục sang tiếp cận năng lực nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực, củng cố niềm tin của xã hội, của cử tri vào đổi mới giáo dục”.

Theo đại biểu, giai đoạn này, cần xác định mục tiêu của giáo dục, đào tạo đó là khắc phục cơ bản những hạn chế trong giáo dục. Phấn đấu đến năm 2025, chất lượng giáo dục trong toàn hệ thống, đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học có chuyển biến tích cực theo hướng phát triển con người đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, cần tổ chức thực hiện có hiệu lực, hiệu quả Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật giáo dục và đào tạo, tập trung vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và nhà giáo.

Đẩy mạnh dân chủ trong các trường phổ thông và phát huy tự chủ trong giáo dục đại học. Nâng cao chất lượng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đáp ứng các yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục, phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo.

Đối với giáo dục phổ thông, cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đại biểu bày tỏ quan điểm tán thành với giải trình của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về sách giáo khoa và xin nói thêm rằng: “Đổi mới chương trình sách giáo khoa là một việc khó, ngay cả đối với những nước phát triển hơn chúng ta".

Việc tiếp tục chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để thực hiện Nghị quyết 88 là một việc hệ trọng, đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt, quan tâm đầu tư đúng mức của Chính phủ, sự triển khai đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới.

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV