Đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục

NDO -

Ngành giáo dục những năm qua đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trước yêu cầu chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, ngành giáo dục xác định sứ mệnh tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ này, góp phần rút ngắn quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa và đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Học sinh, sinh viên tại vòng chung kết HUS Racing 2020 - cuộc thi đua xe mô hình ô-tô tự động có sử dụng các kiến thức nền tảng và nâng cao về điện tử, tin học, máy tính và công nghệ thông tin.
Học sinh, sinh viên tại vòng chung kết HUS Racing 2020 - cuộc thi đua xe mô hình ô-tô tự động có sử dụng các kiến thức nền tảng và nâng cao về điện tử, tin học, máy tính và công nghệ thông tin.

79,7% học sinh phổ thông được học trực tuyến

Trong năm 2020 vừa qua, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, cùng với cả nước, toàn ngành giáo dục đã tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
 
Cụ thể, ngành giáo dục đã triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch với mục tiêu “bảo đảm sức khỏe, an toàn của học sinh, sinh viên, giáo viên lên trên hết”; đồng thời thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”.

Đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục -0
Học tập trực tuyến trong thời điểm diễn ra dịch Covid-19 (Ảnh: DUY LINH) 

Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các nhà trường dạy học qua internet, trên truyền hình; tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn cho các học sinh, giáo viên trong quá trình dạy học qua internet; ban hành kịp thời hướng dẫn tinh giản chương trình giáo dục phổ thông học kỳ II năm học 2019 - 2020 để các địa phương kịp thời thực hiện.

Các nhà trường đã chủ động và thích ứng nhanh với diễn biến, dịch bệnh, áp dụng sinh động và hiệu quả công nghệ thông tin, công nghệ số vào giảng dạy. Qua việc giảng dạy trực tuyến, cho thấy năng lực sử dụng CNTT của các thầy cô giáo đã được nâng lên rõ rệt. Đến nay, việc dạy học online đã trở thành một hoạt động thiết yếu, duy trì sự tương tác giữa thầy và trò.

Những giải pháp cụ thể mà ngành giáo dục triển khai trong công tác phòng, chống Covid-19 vừa qua đã cho thấy, toàn ngành đã thực hiện khá tốt việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giảng dạy và học tập.

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, tại một cuộc hội thảo về chuyển đổi số gần đây, cho biết dịch Covid-19 vừa qua mang đến áp lực cho hoạt động giáo dục, nhưng cũng tạo ra động lực để chuyển đổi số trở nên mạnh mẽ hơn; tạo cơ hội và động lực để giáo viên, học sinh thích ứng, áp dụng phương thức dạy học trực tuyến. Kết quả dạy học online trong thời điểm dịch Covid-19 được đánh giá tốt.

Theo báo cáo PISA năm 2020 được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố gần đât, việc học trực tuyến để phòng, chống Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Cụ thể, Việt Nam có 79,7% học sinh phổ thông được học trực tuyến. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%).

Nhiệm vụ trọng tâm

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, tháng 6-2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó giáo dục và đào tạo là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện.
 
Với quy mô hơn 53.000 cơ sở GD-ĐT, 24 triệu học sinh, sinh viên và 1,4 triệu giáo viên, ngành giáo dục xác định thực hiện tốt chuyển đổi số sẽ góp phần triển khai thành công Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, đóng góp cho nền kinh tế số, xã hội số và hình thành quốc gia số.

Đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục -0
Học sinh trong ngày khai giảng năm học mới (Ảnh: DUY LINH)

“Ngành giáo dục rất quan tâm tới việc đào tạo những công dân Việt Nam có kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số để trở thành công dân toàn cầu. Chính vì vậy, chuyển đổi số được ngành xác định là khâu đột phá, nhiệm vụ quan trọng cần chú trọng triển khai thực hiện những năm tới đây. Làm tốt chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà quan trọng hơn là góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo cơ hội lớn để hội nhâp quốc tế”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
 
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, toàn ngành giáo dục đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý, dạy và học. Lần đầu tiên, đã xây dựng cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, được triển khai tại 63/63 sở GD-ĐT, 710 phòng GD-ĐT, thu thập được 22 triệu hồ sơ học sinh, 1,5 triệu hồ sơ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý từ 53.000 trường học và thông tin về cơ sở vất chất, nhà vệ sinh trường học. Hệ thống thống kê về giáo dục đại học được triển khai đến nay đã thu thập được khoảng 1,3 triệu hồ sơ sinh viên, 94.000 hồ sơ giảng viên từ 247 trường đại học, học viên, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm. Đây là cơ sở dữ liệu rất quan trọng phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của ngành.
 
Nói về những kết quả cụ thể trong chuyển đổi số của ngành giáo dục, Thứ trưởng GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, năm 2007, từ một số ít trường triển khai đào tạo tín chỉ, cho phép người học đăng ký học tập, xem kết quả học tập, đóng học phí online, đến nay hầu hết các trường đại học đã triển khai loại hình đào tạo này. Việc đăng ký thi THPT và xét tuyển qua mạng, các nghiệp vụ quản trị trường học cũng được số hoá, thực hiện trên nền tảng ứng dụng CNTT.
 
Việc phát triển học liệu số cũng được Bộ GD-ĐT chú trọng triển khai. Đến nay đã có 5.000 bài giảng e-learning; 2.000 bài giảng dạy trên truyền hình, 200 đầu sách giáo khoa phổ thông, 200 thí nghiệm ảo và hơn 35.000 câu hỏi trắc nghiệm.

Đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục -0
Giới thiệu về nền tảng học tập trực tuyến Hocmai.vn - sản phẩm giáo dục giành giải Ba ở hạng mục Thu hẹp khoảng cách số tại Lễ trao giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam 2020. 

Thời điểm bùng phát dịch Covid-19, với phương châm “tạm dừng đến trường, không ngừng học”, 80% trường phổ thông, 240 cơ sở đào tạo đã tổ chức dạy-học trực tuyến; trong đó có 79 cơ sở tổ chức quản lý dạy học hoàn toàn qua mạng. Với sự linh hoạt ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong GD-ĐT này, ngành giáo dục đã hoàn thành nhiệm vụ năm học 2019-2020, bảo đảm sức khỏe cho học sinh, giáo viên.
 
Để đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong GD-ĐT giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ chú trọng triển khai bốn vấn đề cơ bản: Phát triển hệ thống dữ liệu toàn quốc về GD-ĐT; phát triển, khai thác hệ thống học liệu và môi trường học tập số; xây dựng và triển khai khung năng lực số cho học sinh phổ thông; phát triển triển nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
 
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo tại Đại hội Đảng XIII cho biết, trước yêu cầu chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, ngành giáo dục xác định sứ mệnh tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ này, góp phần rút ngắn quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa và đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.
 
Các giải pháp được Bộ trưởng đưa ra là: Tiếp tục triển khai có hiệu quả Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học bảo đảm 100% các cơ sở giáo dục cập nhật dữ liệu đầy đủ, chính xác, kết nối liên thông với nền tảng số quốc gia; khai thác sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu ngành; các phần mềm quản lý, dạy và học trong nhà trường.

Phát triển tài nguyên số và môi trường học tập số, bổ sung vào kho học liệu số toàn ngành, ngân hàng câu hỏi trực tuyến dùng chung trong toàn ngành, kho bài giảng e-learning kết nối với Hệ tri thức Việt số hóa. Đẩy mạnh kỹ năng dạy học trực tuyến, kỹ năng chuyển đổi số và kỹ năng tham gia các hoạt động dạy, học trực tuyến đối với giáo viên và học sinh.

Đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến trong giáo dục, ưu tiên triển khai dịch vụ công trực tuyến về xét tuyển học sinh đầu cấp mức độ 3, mức độ 4; thực hiện thanh toán học phí không dùng tiền mặt; các loại hồ sơ, sổ sách, học bạ điện tử trong nhà trường; tiếp tục sử dụng có hiệu quả hệ thống quản lý hành chính điện tử trao đổi văn bản điện tử, chữ ký số liên thông giữa Bộ GD-ĐT với Chính phủ, các cơ quan, địa phương, cơ sở giáo dục và các tổ chức cá nhân có liên quan.

“Mục tiêu của ngành giáo dục là cố gắng phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Từ đó, góp phần đắc lực thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, tạo ra nguồn nhân lực cao, có khả năng hội nhập quốc tế và đáp ứng tốt với những yêu cầu của thời đại mới”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.