Vaccine Covid-19: Tương lai của ngành lữ hành?

NDO -

Ngay khi Anh, Mỹ, các quốc gia châu Âu, Trung Đông và nhiều nước châu Á đã bắt đầu triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 trên quy mô lớn, nhiều du khách đã ngay lập tức bắt đầu việc tìm kiếm thông tin về các chuyến du lịch sắp tới. Nhiều trang dịch vụ lữ hành như Skyscanner đã báo cáo về lượng tìm kiếm thông tin du lịch tăng đột biến khi tin tức về vaccine được công bố. 

Tương lai ngành lữ hành sẽ ra sao sau khi có vaccine Covid-19 (Ảnh: GETTYIMAGE)
Tương lai ngành lữ hành sẽ ra sao sau khi có vaccine Covid-19 (Ảnh: GETTYIMAGE)

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đưa ra nhiều cảnh báo như: vaccine không có hiệu quả 100%, và phải mất vài tuần sau mũi tiêm thứ hai để cơ thể sản sinh miễn dịch; chưa có chứng minh chính xác về hiệu quả của vaccine với biến thể của Covid-19, thậm chí ngay cả khi cơ thể có kháng thể; và phải mất thời gian dài để đạt được miễn dịch cộng đồng.

Bởi vậy, nhiều chuyên gia lữ hành nhận định, vaccine Covid-19 khó có thể trở thành “viên đạn bạc” cho nhu cầu của ngành du lịch đang bị tàn phá nặng nề và kỳ vọng là các hạn chế đi lại do Covid-19 gây ra có thể sẽ vẫn được áp dụng cho năm 2021.

Shashank Nigam, Giám đốc điều hành của SimpliFlying, một công ty chiến lược tiếp thị hàng không, gần đây đã viết trên bài đăng trên LinkedIn: “Năm 2021 sẽ chứng kiến một thế giới được tiêm chủng. Chúng ta cũng sẽ thấy một tình huống mà vaccine giống như thị thực. Các loại vaccine khác nhau sẽ cho phép bạn nhập cảnh vào các quốc gia khác nhau, có các mức độ hiệu quả khác nhau và thậm chí có thể có giá trị trong các khoảng thời gian khác nhau”.

Điều này đặt ra những câu hỏi lớn về ý nghĩa của vaccine Covid-19 với ngành công nghiệp lữ hành.

Chứng nhận tiêm chủng hay xét nghiệm âm tính?

Nhiều hãng hàng không tư nhân có thể yêu cầu hành khách tiêm vaccine Covid-19 trước khi thực hiện chuyến bay.

Ngay khi các tin tức về vaccine Covid-19  được tung ra, hãng hàng không Qantas nói rằng sẽ yêu cầu các hành khách phải chứng minh đã tiêm vaccine trước khi được phép bay các chuyến quốc tế.

CEO của Delta, ông Ed Bastian nói trên tờ Today rằng ông có thể xem xét yêu cầu tương tự với các chuyến bay quốc tế, mặc dù lưu ý quyết định này cần được đưa ra bởi các cơ quan quốc tế chứ không phải các hãng hàng không.

AP dẫn lời người phát ngôn của hãng hàng không Korean Air, ông Jill Chung nói rằng các hãng hàng không cần yêu cầu phiếu chứng nhận tiêm vaccine Covid-19 trong tương lai.

Hội đồng Cảng hàng không quốc tế (ACI) - Tổ chức đại diện cho tất cả các sân bay trên thế giới, không cam kết đưa ra yêu cầu tiêm vaccine Covid-19, thay vào đó đề nghị rằng các sân bay có thể được lựa chọn giữa việc xét nghiệm và tiêm chủng vaccine.

Vaccine Covid-19: tương lai của ngành lữ hành? -0

Qantas yêu cầu hành khách chứng minh đã tiêm vaccine Covid-19 trước khi lên máy bay (Ảnh: abcnews)

Hiện có nỗi lo ngại lớn rằng một yêu cầu tiêm vaccine bắt buộc, đặc biệt là trong giai đoạn đầu trước khi vaccine được phổ biến, có thể cản trở người dân đi lại và làm tổn hại hơn nữa tới ngành hàng không.

Tổng thư ký ACI Luis Felipe de Oliveira nói: “Cũng như lệnh cách ly đã ngăn chặn hiệu quả ngành công nghiệp này, một yêu cầu toàn cầu về vaccine cũng sẽ gây ra tình trạng tương tự”. 

"Để mở cửa lại các đường biên giới, việc xét nghiệm là cần thiết hơn việc tiêm phòng vaccine”, Giám đốc Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) Alexandre de Juniac nói. IATA có 290 hãng hàng không thành viên trên toàn cầu.

Cố vấn y khoa của IATA David Powell ủng hộ nhận định trên và nói rằng, các hãng hàng không và các chính phủ cần hợp tác với nhau để quy chuẩn hóa các quy tắc xét nghiệm và dỡ bỏ cách ly, giúp mở cửa lại các đường biên giới.

Các quốc gia yêu cầu một số loại vaccine trước khi nhập cảnh là điều không mới.

Việc có nhiều quốc gia yêu cầu chứng minh tiêm chủng một số loại vaccine nhất định không xa lạ gì. Thí dụ, có nhiều quốc gia yêu cầu du khách phải tiêm phòng bệnh sốt vàng trước khi nhập cảnh.

Hãng hàng không Air New Zealand nói trong thông cáo gửi tới AP rằng, “Cuối cùng, phụ thuộc vào việc các chính phủ quyết định khi nào mở lại đường biên giới và sẽ mở như thế nào. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan về vấn đề này”.

Bên cạnh đó, có nhiều quan ngại rằng việc yêu cầu chứng minh tiêm chủng gây ra một số vấn đề bởi sẽ có nhiều hành khách có những lý do về sức khỏe, tín ngưỡng, hoặc nhiều lý do cá nhân khiến họ không thể tiêm chủng được.

Việc yêu cầu chứng minh tiêm chủng trên diện rộng sẽ đặt ra một số vấn đề và có thể gặp trở ngại tương tự như các yêu cầu khác của hàng không phát sinh trong đại dịch.

Thí dụ như yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc trên chuyến bay đã khiến nhiều hành khách bị cấm bay vì không tuân thủ quy định này. Yêu cầu chứng minh xét nghiệm âm tính cũng dẫn tới việc xuất hiện thị trường chợ đen làm giả giấy tờ xét nghiệm.

Một số lo ngại rằng yêu cầu tiêm chủng vaccine (Covid-19) cũng có thể dẫn tới tình trạng phân biệt với những người không thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế tốt, biến việc đi lại thành vấn đề đặc quyền.

Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) cũng bày tỏ quan ngại việc tiêm chủng bắt buộc sẽ tạo ra sự phân biệt, so sánh việc này như tình trạng phân biệt đối xử tại nơi làm việc.

Hộ chiếu sức khỏe số

Trong lúc những tranh luận về việc cần phải chứng minh tiêm chủng hay xét nghiệm âm tính với Covid-19 để mở lại đi lại tự do quốc tế chưa ngã ngũ, nhiều nơi đã phát triển và dự kiến đưa vào áp dụng Hộ chiếu sức khỏe số.

Hộ chiếu sức khỏe kỹ thuật số là ứng dụng dành cho thiết bị di động cho phép khách du lịch tải lên các chứng minh về tiêm chủng và kết quả xét nghiệm Covid-19 một cách an toàn và được mã hóa. Ngày càng nhiều ứng dụng này này tham gia vào thị trường lữ hành toàn cầu.

Vaccine Covid-19: tương lai của ngành lữ hành? -0
Ứng dụng  Hộ chiếu sức khỏe số của IBM (Ảnh: CNN)

CommonPass được thiết kế để thiết lập một tiêu chuẩn quốc tế chung cho dữ liệu sức khỏe - từ kết quả phòng thí nghiệm đến hồ sơ tiêm chủng - và có thể cung cấp cho các hãng hàng không, cơ quan kiểm soát biên giới và chính phủ các kết quả xét nghiệm và thông tin sức khỏe của hành khách thông qua mã QR được cá nhân hóa.

Tuy nhiên, ứng dụng này hiện mới chỉ có sẵn thông qua các hãng hàng không đang thử nghiệm.

Tương tự, Hộ chiếu sức khỏe của công ty CLEAR, một công ty cung cấp ứng dụng để qua an ninh sân bay nhanh chóng hơn, liên kết thông tin sinh trắc học với các tài liệu được chứng nhận, chẳng hạn như bảng câu hỏi sức khỏe, hồ sơ tiêm chủng, kiểm tra nhiệt độ và xét nghiệm Covid-19.

IATA hiện trong giai đoạn phát triển cuối cùng của hộ chiếu kỹ thuật số của riêng mình, được gọi là IATA Travel Pass, sẽ có sẵn trong vài tháng tới.

Giống như CommonPass, IATA Travel Pass sẽ tạo một mã QR được cá nhân hóa với kết quả kiểm tra và bằng chứng tiêm chủng, mà khách du lịch sẽ sử dụng tại cổng kiểm soát để bảo đảm rằng họ tuân thủ các quy định nhập cảnh tại điểm đến của họ.

Các công ty công nghệ lớn cũng đang vào cuộc. IBM đã phát triển ứng dụng của riêng mình, được gọi là Hộ chiếu sức khỏe số, cho phép các công ty và địa điểm xem xét các chỉ số mà họ yêu cầu để nhập cảnh bao gồm xét nghiệm Covid-19, kiểm tra nhiệt độ cơ thể và hồ sơ tiêm chủng. Thông tin đăng nhập tương ứng với các chỉ số đó sau đó được lưu trữ trong ví di động.

Quỹ Y tế cộng đồng Linux đã hợp tác với Covid-19 Credentials Initiative (tạm dịch là Sáng kiến xác thực Covid-19) - một tổ chức gồm hơn 300 người đại diện cho hàng chục tổ chức ở năm châu lục và cũng đang làm việc với IBM và CommonPass nhằm phát triển một bộ tiêu chuẩn chung cho các ứng dụng thông tin xác thực vaccine Covid-19.

Giám đốc điều hành Quỹ Linux, ông Brian Behlendorf nói: “Nếu chúng tôi thành công, bạn có thể nói: Tôi đã có chứng nhận tiêm chủng trên điện thoại mà tôi nhận được khi tôi tiêm chủng ở một quốc gia, với toàn bộ hồ sơ quản lý sức khỏe.. này, tôi sẽ sử dụng để lên máy bay tới một quốc gia khác, sau đó xuất trình chứng nhận sức khỏe này khi nhập cảnh”.

Song vấn đề đặt ra với việc phổ biến hộ chiếu tiêm chủng số là không phải toàn bộ dân số thế giới sử dụng hoặc có thể tiếp cận được với điện thoại thông minh. Do đó, một số công ty công nghệ thuộc tổ chức Sáng kiến xác thực Covid-19 cũng đã phát triển một loại thẻ thông minh giúp dễ dàng lưu trữ thông tin tiêm chủng và tái sản xuất hơn. Loại thẻ này là sự kết hợp của chứng chỉ tiêm chủng giấy và bản chứng chỉ số.

“Đối với chúng tôi, loại thẻ này là cách mà thông tin xác thực (Covid-19) dạng số có thể được lưu trữ, có thể được trình bày, không chỉ thông qua điện thoại thông minh mà còn theo nhiều cách khác cho những người không có khả năng truy cập Internet ổn định và cả những người không sở hữu điện thoại thông minh”, ông Lucy Yang, đồng lãnh đạo của Sáng kiến ​​xác thực Covid-19 cho biết. "Chúng tôi đang trông đợi loại thẻ này và có nhiều công ty đang phát triển thực sự hứa hẹn”.

Mặc dù vậy, trong khi SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 vẫn biến đổi và thế giới tiếp tục vật lộn với các làn sóng mới của đại dịch, dù vaccine Covid-19 trở nên phổ biến hơn, việc mở cửa lại các đường biên giới quốc tế, đưa ngành công nghiệp lữ hành toàn cầu trở về quỹ đạo bằng việc lập các quy chuẩn toàn cầu tiêm chủng vaccine bắt buộc hay xét nghiệm bắt buộc phụ thuộc vào quyết định của các hãng hàng không và chính phủ toàn thế giới.