Covid-19: Thay đổi thói quen nhưng không thể dập tắt nhu cầu du lịch

NDO -

Tới thời điểm hiện tại, thế giới vẫn bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với các biến chủng mới, nhưng du khách trên toàn cầu vẫn tìm mọi cách để quay lại niềm vui “xê dịch” và khám phá thế giới một cách an toàn.

Du khách trên toàn thế giới đang lên kế hoạch cho những chuyến du lịch trong năm 2022. (Ảnh minh họa:CTV)
Du khách trên toàn thế giới đang lên kế hoạch cho những chuyến du lịch trong năm 2022. (Ảnh minh họa:CTV)

Một báo cáo nghiên cứu mới nhất về xu hướng du lịch “Travel in 2022 – A look ahead” (tạm dịch: Du lịch năm 2022 – Nhìn về phía trước) do Tripadvisor công bố giữa tháng 1/2022 cho thấy: Dù nhiều yếu tố khách quan như biến chủng mới của Covid-19, quy định/hạn chế đi lại quốc tế và sự thiếu hụt nhân lực trong ngành du lịch có thể đặt ra thách thức không nhỏ đối với hoạt động du lịch, nhu cầu du lịch của du khách vẫn đang duy trì ở mức cao, hơn cả mức trước đại dịch.

Báo cáo này dựa trên cuộc khảo sát hơn 10.000 người trong độ tuổi từ 18-75 tại 5 thị trường khách trọng điểm của thế giới là Mỹ, Anh, Australia, Singapore và Nhật Bản vào tháng 11/2021 đã mang lại 6 kết quả chính sau:

1. Năm 2022, dự định du lịch vượt trội năm 2019

Dựa trên kết quả khảo sát đối với 5 thị trường trọng điểm trên thế giới, đa số du khách được hỏi cho biết: họ rất có khả năng hoặc khá có khả năng đi du lịch nghỉ dưỡng, đi thăm bạn bè hoặc gia đình, hoặc đi công tác vào năm 2022.

Đây là một tin tuyệt vời cho ngành du lịch bởi kết quả này gia tăng đáng kể hơn so với mức được ghi nhận ở thời kỳ trước đại dịch (2019).

Ở Anh, 78% người được hỏi nói rằng họ có khả năng đi du lịch nghỉ dưỡng vào năm 2022, so với 72% du khách đã đi du lịch nghỉ dưỡng vào năm 2019.

Tại Mỹ, ý định du lịch nghỉ dưỡng vào năm 2022 dự kiến gia tăng 8% so với mức năm 2019 khi có tới 71% du khách cho biết sẽ thực hiện chuyến du lịch nghỉ dưỡng trong năm 2022.

Với 82% du khách có dự định du lịch vào năm 2022, thị trường Singapore hứa hẹn sẽ dẫn dắt xu hướng du lịch nghỉ dưỡng trong thời gian tới khi dự định du lịch của du khách đã gia tăng 2% so với mức năm 2019.

Thêm vào đó, 72% du khách Australia và 51% khách Nhật Bản mong muốn du lịch nghỉ dưỡng vào năm 2022, tăng lần lượt là 7% và 5% so với mức năm 2019.

Covid-19: Thay đổi thói quen nhưng không thể dập tắt nhu cầu du lịch -0
Du lịch nghỉ dưỡng luôn được yêu thích (Ảnh: CTV) 

2. Chi tiêu bình quân cho cho mỗi chuyến đi trong năm 2022 sẽ vượt xa mức năm 2019 khi du khách có xu hướng gia tăng trải nghiệm dịch vụ

Dựa theo dữ liệu về hành vi của du khách trên trang Tripadvisor, khách du lịch Mỹ dự kiến có mức chi tiêu bình quân cao hơn 29% cho chuyến du lịch sắp tới của họ trong năm 2022 so với mức chi tiêu bình quân vào năm 2019.

Tại thị trường Australia, mức chi tiêu bình quân cho mỗi chuyến du lịch của du khách năm 2022 dự kiến gia tăng 16% so với mức năm 2019. Giá trị đặt dịch vụ của thị trường Singapore dự kiến gia tăng khoảng 7%.

Trái ngược với chiều hướng gia tăng trên, mức chi tiêu bình quân cho các dịch vụ của du khách Nhật Bản dự kiến giảm 30% trong năm 2022 so với mức chi tiêu bình quân vào năm 2019. Khách du lịch Anh đang lên kế hoạch cho chuyến du lịch sắp tới trong năm 2022 cũng có mức chi tiêu bình quân thấp hơn 1% so với mức năm 2019.

Sự thay đổi lớn nhất đến việc du khách sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho mỗi chuyến du lịch để trải nghiệm nhiều hơn. Đối với thị trường Mỹ, khoảng 3 trong 10 du khách (chiếm 29%) đã đi du lịch nghỉ dưỡng vào năm 2019 cho rằng họ không ngại chi tiêu nhiều hơn cho một chuyến du lịch lớn, dài ngày trong thời gian tới. Xu hướng chi nhiều hơn để tận hưởng chuyến du lịch lớn cũng nhận được nhiều sự quan tâm bởi 28% khách Singapore và khách Australia, 27% khách Nhật Bản và 25% khách Anh.

Từ kết quả khảo sát này, câu hỏi đặt ra là: liệu một điểm đến có các tour và các hoạt động có thể đặt trước để du khách sẵn sàng “dốc hầu bao” hay không?

Covid-19: Thay đổi thói quen nhưng không thể dập tắt nhu cầu du lịch -0
Một điểm đến cần có thêm nhiều hoạt động để du khách "dốc hầu bao" (Ảnh: CTV) 

3. Du lịch nội địa tiếp tục được ưa chuộng

Mặc dù có một tỷ lệ khá lớn du khách ở hầu hết các thị trường được khảo sát cho biết có kế hoạch du lịch nghỉ dưỡng ở nước ngoài trong năm 2022, nhưng du lịch trong nước vẫn được ưa chuộng hơn.  

70% người Singapore được hỏi có kế hoạch đi du lịch nghỉ dưỡng trong nước, so với 53% người dự định đi du lịch nước ngoài. 73% người Anh nói rằng họ có kế hoạch đi du lịch trong nước so với 48% dự định đi du lịch nước ngoài.

Tại Mỹ và Australia, 68% người được hỏi ở mỗi thị trường cho biết họ có khả năng đi du lịch trong nước vào năm 2022, trong khi 29% người Mỹ và 38% người Australia muốn đi du lịch nước ngoài.

Du lịch nội địa đặc biệt được ưa chuộng tại Nhật Bản khi 50% người phản hồi cho biết sẽ ưu tiên đi du lịch trong nước vào năm 2022, so với 10% du khách lựa chọn du lịch quốc tế.

4. Du khách mong muốn tìm kiếm các trải nghiệm du lịch mới lạ và độc đáo

Hơn 1/3 cho tới gần một nửa du khách được khảo sát đến từ thị trường Mỹ (41%), Anh (38%), Australia (46%), Nhật Bản (34%) và Singapore (49%) đều có chung nhận định rằng, việc đi đến các điểm đến mới lạ chưa từng đặt chân đến là yếu tố quan trọng trong quá trình lựa chọn điểm đến du lịch ở thời điểm hiện tại so với những chuyến đi được thực hiện vào năm 2019.

Covid-19: Thay đổi thói quen nhưng không thể dập tắt nhu cầu du lịch -0
Những trải nghiệm mới lạ sẽ hấp dẫn du khách hậu đại dịch (Ảnh: CTV) 

Thông qua việc khảo sát các du khách đến từ 5 thị trường khách du lịch trọng điểm thế giới, kết quả đã chỉ ra 3 yếu tố cốt lõi ảnh hưởng đến việc lựa chọn điểm đến của du khách: hòa mình vào những điểm đến mới lạ, tận hưởng nhiều trải nghiệm độc đáo và khác biệt, mở rộng sự hiểu biết về các giá trị văn hóa và lịch sử của điểm đến.

So với thời điểm trước đại dịch, 44% khách Singapore, 38% khách Australia và 34% khách Mỹ và Anh lần lượt cho biết việc lựa chọn một điểm đến lý tưởng là rất quan trọng để họ có thể đắm mình vào “những trải nghiệm văn hóa địa phương như một người bản địa thực thụ”. Ý tưởng du lịch này cũng thu hút sự quan tâm của 25% du khách Nhật Bản.

Tại 5 thị trường được khảo sát, cứ 10 người thì có 2 người cho biết họ sẽ thực hiện nhiều hoạt động văn hóa có hướng dẫn viên hơn khi lên kế hoạch cho các chuyến đi vào năm 2022 hoặc sau này so với mức trước đại dịch (ngoại trừ ở Nhật Bản, nơi tỷ lệ này là 14%). Những tour du lịch văn hóa này có hướng dẫn viên chuyên nghiệp, cho phép du khách nán lại, học hỏi, thư giãn và thưởng thức tất cả các nét văn hóa được trình diễn tại điểm đến.

5. Số ca mắc Covid-19, quy trình bảo đảm an toàn, những quy định cách ly và vệ sinh là những yếu tố then chốt trong việc quyết định đi du lịch của du khách trong năm 2022.

Có tới đến 85% du khách Singapore, gần 3/4 du khách Nhật Bản (73%), 74% du khách Australia, 72% du khách Anh và 70% du khách Mỹ đánh giá những biện pháp bảo đảm vệ sinh sạch sẽ của một khách sạn sẽ là yếu tố quan trọng để đưa ra quyết định du lịch của họ trong năm tới, thậm chí ngay cả khi số ca nhiễm Covid - 19 trên toàn cầu giảm.

Covid-19: Thay đổi thói quen nhưng không thể dập tắt nhu cầu du lịch -0
Đa số du khách quốc tế vẫn mong muốn duy trì các biện pháp an toàn phòng dịch tại điểm lưu trú (Ảnh: CTV) 

Khoảng 7 trong 10 người được hỏi ở mỗi thị trường đều có chung nhận định những điểm đến có số ca Covid-19 thấp là yếu tố rất quan trọng để họ lựa chọn điểm đến cho chuyến đi sắp tới.

1/3 du khách Anh (32%) và Mỹ (33%) nói rằng không đi du lịch vào năm tới là vì sự không chắc chắn chung quanh các hạn chế đi lại có thể xảy ra. Hơn một nửa du khách Singapore (55%), 47% khách Australia và 25% khách Nhật cũng có cùng nhận định này.

6. Nhiều du khách muốn tiếp tục duy trì các biện pháp phòng dịch tại các cơ sở lưu trú ngay cả khi đại dịch chấm dứt.

Cụ thể, có tới 83% số người Singapore tham gia khảo sát cho rằng các biện pháp an toàn phòng dịch nên được duy trì tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ khách sạn, ngay cả khi số ca mắc Covid-19 đã giảm trên toàn thế giới. Số người có cùng quan điểm này tại Nhật Bản, Australia, Anh và Mỹ lần lượt là 74%, 70%, 67% và 63%.  Họ cũng đề xuất nên tiếp tục yêu cầu đeo khẩu trang, sát khuẩn và các cơ sở lưu trú nên có thêm nhiều sáng kiến khác (về an toàn dịch) để du khách có thể lưu trú dài hơn.

6 kết quả chính từ cuộc khảo sát một lần nữa khẳng định: đại dịch Covid-19 đã hoàn toàn thay đổi thói quen và nhu cầu du lịch. Trong cuộc đua thu hút du khách hậu Covid-19, những ai nắm bắt được các xu hướng chính này để thay đổi linh hoạt sẽ chiếm trọn được cảm tình của du khách. Điều này không chỉ có ý nghĩa với ngành du lịch của các thị trường nằm trong khảo sát, mà còn cung cấp các thông tin giá trị về xu hướng nhu cầu của du khách quốc tế với các điểm đến đang dần mở lại du lịch quốc tế như Việt Nam để chuẩn bị các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của du khách sau đại dịch.