Cần cá biệt hóa sản phẩm du lịch nội địa trong bối cảnh mới

NDO -

Đại dịch Covid-19 đã khiến những đường biên đóng cửa, du lịch inbound (khách quốc tế vào Việt Nam) và outbound (khách trong nước ra nước ngoài) đóng băng hoàn toàn là lúc du lịch nội địa lên ngôi. Nhưng để du lịch nội địa thực sự trở thành đòn bẩy cho cả ngành du lịch đang oằn mình gượng sức trong đại dịch là bài toán khá hóc búa đối với các nhà quản lý, các doanh nghiệp lữ hành. Nhiều vấn đề, giải pháp từ chính thực tiễn xoay sở qua hơn một năm sống chung với đại dịch Covid-19 đã được các nhà quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội lữ hành đưa ra tại Diễn đàn Du lịch nội địa toàn quốc 2021 tại TP Ninh Bình vừa qua. 

Cần tạo các sản phẩm du lịch đa dạng phù hợp theo từng phân khúc khách hàng nội địa.
Cần tạo các sản phẩm du lịch đa dạng phù hợp theo từng phân khúc khách hàng nội địa.

Du lịch nội địa: trụ cột quan trọng

Dù trong bất cứ giai đoạn nào, du lịch nội địa luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành du lịch. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch (TCDL), nếu như năm 2011 khách nội địa mới chỉ đạt 30 triệu lượt thì đến năm 2019 con số này đã tăng lên 85 triệu lượt (gấp hơn 2,8 lần), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 15%/năm.

Thời gian chuyến đi và mức chi tiêu bình quân/ngày của khách du lịch nội địa ngày càng có xu hướng tăng cao. Thời gian chuyến đi bình quân của một khách nội địa là 3,7 ngày, chi tiêu bình quân của một khách nội địa khoảng từ 1,0 - 1,6 triệu đồng/ngày.

Khách nội địa ngày càng có nhu cầu sử dụng dịch vụ của các cơ sở lưu trú. Năm 2017, khách có sử dụng dịch vụ lưu trú đạt khoảng 35,7/73 triệu lượt khách, năm 2018 tăng lên 38,6/80 triệu lượt và năm 2019 tiếp tục tăng lên 48,3/85 triệu lượt.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp khiến du lịch nội địa cũng theo đà điêu đứng. Thống kê của TCDL cho biết, ước tính số liệu khách du lịch nội địa tháng 3-2021 đạt 7,0 triệu lượt, trong đó có 3,6 triệu lượt khách lưu trú tại cơ sở lưu trú du lịch.

Ba tháng đầu năm 2021, khách nội địa ước đạt 16,5 triệu lượt, trong đó có 8,5 triệu lượt khách lưu trú tại cơ sở lưu trú du lịch. Tổng thu từ khách du lịch ba tháng đầu năm 2021 ước đạt 71.900 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2020.

Cần cá biệt hóa sản phẩm du lịch nội địa trong bối cảnh mới -0
Du khách đã lấy lại niềm tin với du lịch nội địa (Ảnh: TRANG LINH) 

Mặc dù vậy, thị trường du lịch nội địa đang có dấu hiệu ấm dần. Với việc Covid-19 được kiểm soát khá tốt như hiện nay, cùng với những kinh nghiệm xử lý tốt ba đợt bùng phát trước đó, người dân trong nước đã lấy lại được niềm tin đi du lịch.

Theo khảo sát của Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia (TAB), có tới hơn 83% người dân được hỏi cho biết sẵn sàng di du lịch ngay trong bảy tháng tới, nhất là khi hè tới. Và hơn 69% sẽ lựa chọn di du lịch bằng máy bay.

Trình bày tham luận, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Ban kế hoạch Phát triển, Tổng công ty hàng không Việt Nam (VNA) cho biết, VNA dự báo nếu không có các đợt bùng phát Covid-19 mạnh trở lại, nhu cầu đi lại đường không trong nội địa sẽ phục hồi nhanh chóng quay về mức trước Covid-19; các đường bay quốc tế khu vực giữa Việt Nam và các nước châu Á sẽ phục hồi vào khoảng năm 2023 và đường bay xuyên lục địa sẽ phục hồi vào năm 2024. Do đó, thị trường nội địa vẫn là trọng tâm.

Trao đổi tại Diễn đàn, TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thuộc TCDL cho hay, vị trí, vai trò của du lịch nội địa trong quan điểm, mục tiêu và định hướng, giải pháp đã được tiếp tục nhất quán khẳng định trong “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22-01-2020). Theo đó, phải đạt mục tiêu đến năm 2025, du lịch phục vụ ít nhất 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân từ 6 - 7%/năm.

Song, để đạt được mục tiêu này trong “trạng thái bình thường mới” cần nhiều giải pháp cụ thể, mang tính đột phá.

Liên kết vùng, nhà quản lý và doanh nghiệp

Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, trong bối cảnh mới, để đẩy mạnh thị trường du lịch nội địa cần đa dạng hóa sản phẩm và mang đậm tính vùng miền địa phương như du lịch thông minh, du lịch chăm sóc sức khỏe; du lịch văn hóa, du lịch làng nghề truyền thống, du lịch nghệ thuật, du lịch sinh thái, du lịch thể thao mạo hiểm. Khuyến khích phát triển sản phẩm du lịch mới tại những khu vực còn khó khăn những có tiềm năng du lịch ở các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh miền Trung Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, khu vực nông thôn, một số tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.

Còn theo TS Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá thì cũng cần nhìn nhận vai trò các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương là rất quan trọng. Điều này thể hiện trong các mặt như: doanh nghiệp khai thác và sử dụng tài nguyên du lịch để phát triển sản phẩm phải có trách nhiệm bảo vệ và tái tạo, bảo đảm yếu tố bền vững, mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư; phối hợp cùng chính quyền địa phương ngăn chặn, hạn chế những tác động xấu xảy ra trong quá trình phát triển sản phẩm du lịch; xác định thị trường và phân khúc khách du lịch,…

Cần cá biệt hóa sản phẩm du lịch nội địa trong bối cảnh mới -0
Du khách đã trở lại các bãi biển ở miền trung (Ảnh: TRANG LINH) 

Từ câu chuyện thực tiễn về liên kết vùng bốn tỉnh miền trung Đà Nẵng-Quảng Nam - Thừa Thiên Huế - Quảng Bình, ông Cao Chí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhấn mạnh, vai trò của lãnh đạo của địa phương, quản lý nhà nước cũng như phối hợp chia sẻ nguồn giữa hiệp hội du lịch và cộng đồng doanh nghiệp là vô cùng quan trọng.

Ông Dũng chia sẻ, việc liên kết vùng, giữa địa phương với doanh nghiệp đã mang lại kết quả là luồng khách tới miền trung đang bật tăng trở lại. “Theo báo cáo của Vietnam Airlines, mỗi ngày có 350 chuyến bay thì có gần 40 chuyến bay đến Đà Nẵng. Hy vọng lượng khách sẽ tăng trở lại bền vững trong năm 2021 và những năm tiếp theo”, ông Dũng cho hay.

Ở khía cạnh dài hạn, bà Nguyễn Lê Hương, Phó tổng giám đốc Vietravel Holdings cho rằng, ngành du lịch Việt Nam cần đánh giá và định vị lại chính sách thị trường du lịch nội địa trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Trong đó cần làm rõ vai trò và tầm quan trọng của thị trường khách du lịch trong nước đối với sự phát triển của du lịch. 

“Các chính sách hỗ trợ thúc đẩy du lịch phục hồi và phát triển trở lại cần ban hành nhanh, kịp thời và thực chất để triển khai ngay trong thực tế mới phát huy được hiệu quả. Đối với những vấn đề cấp bách cần triển khai ngay nếu chưa có văn bản pháp luật quy định hoặc có quy định khác thì cho thực hiện thí điểm”, bà Nguyễn Lê Hương đề xuất.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng gợi ý về một chương trình hành động quốc gia cho du lịch nội địa mà đơn vị chủ trì là TCDL, trọng tâm là tiếp nối chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.

“Tôi mạnh dạn đề xuất slogan cho chương trình này là: “Non sông, gấm vóc Việt Nam”. Trong đó mỗi địa phương lựa chọn sản phẩm tiêu biểu. Cần có sự phối hợp nguồn lực địa phương, doanh nghiệp, cơ quan chính phủ, trong bối cảnh doanh nghiệp đã cạn kiệt nguồn tài chính”, ông Dũng hiến kế tại phiên thảo luận bàn tròn.

Cá biệt hóa để thích ứng “trạng thái bình thường mới”

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, để có thể xây dựng những sản phẩm phù hợp với các thị trường, cần đánh giá trên nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là yếu tố liên quan tới đời sống của người dân: thu nhập, việc làm, thời gian nghỉ, trình độ học vấn, tính linh hoạt, sở hữu ô tô cá nhân. Xu hướng du lịch khách lẻ thiên về du lịch tiết kiệm, mùa thấp điểm, du lịch ngắn ngày, du lịch cuối tuần, du lịch gần nhà, tự di chuyển theo nhóm nhỏ.

“Khách du lịch đã thay đổi thì doanh nghiệp du lịch không thể không thay đổi cách nghĩ, cách làm. Chỉ có cách phải hành động thôi”, ông Thắng nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế để thích ứng với việc chuyển đổi sang du lịch nội địa, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty Lữ hành Saigontourist cho hay, “thực tế làm du lịch nội địa rất khó. Nhưng tình hình dịch bệnh, nhu cầu của du khách thay đổi, buộc doanh nghiệp phải thay đổi”.

Ông Yên nói, trước đây, công ty bán các tour dài ngày 4-5-7 ngày giá rất cao mà vẫn khách mua, nhưng nay phải chuyển qua combo ngắn ngày hoặc thậm chí làm tour nửa ngày hoặc có tour chỉ kéo dài từ 1 đến 2 tiếng.

“Thí dụ chúng tôi vừa làm tour “theo chân biệt động Sài Gòn” có giá 299.000 đồng/khách nhưng lại thu hút được lượng khách rất đông, trong đó có nhiều khách đến từ các đảng bộ, trường dạy chính trị. Hoặc tour “Theo dấu những ngôi chùa Phật giáo ở TP Hồ Chí Minh” không theo hướng tâm linh mà chỉ để giới thiệu về kiến trúc, văn hóa Phật giáo. Mới đầu dự tính tour này chỉ có một xe có khoảng bốn đến năm khách nhưng đến nay mỗi ngày có tới hai đến ba xe”, ông Yên chia sẻ thực tiễn.

Cần cá biệt hóa sản phẩm du lịch nội địa trong bối cảnh mới -0
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia - điểm bắt đầu trong nhiều tour Caravan của CLB Du lịch bền vững VGREEN Hà Nội (Ảnh: TRANG LINH)

Tổng giám đốc SaigonTourist cũng cho biết, loại hình du lịch MICE hiện rất được ưa chuộng trong nhóm các tập đoàn, công ty. Đặc biệt, mô hình du lịch MICE kết hợp với Caravan đang được các tập đoàn hưởng ứng trong bối cảnh dịch bệnh.

Ngoài ra, công ty cũng ứng dụng công nghệ số như ra mắt các ứng dụng mới để khách hàng tiếp cận nhanh nhất các sản phẩm mới.

Kích cầu du lịch nhưng đưa tới thông điệp là nâng cấp về giá trị, sản phẩm, chất lượng chứ không phải tiếp tục giảm giá là điều mà ông Nguyễn Công Hoan – Tổng giám đốc Flamingo Redtours, Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch chia sẻ với phóng viên bên lề Diễn đàn.

Ông Hoan cho rằng, nếu du khách thì cứ chờ đợi giảm giá còn doanh nghiệp thì không thể giảm giá hơn được nữa, hai bên không gặp nhau và sản phẩm càng chìm. Thực tế nếu tiếp tục giảm giá, rất nhiều doanh nghiệp thà không cung cấp dịch vụ còn hơn vì họ càng làm càng lỗ, các mức giá đưa ra đã dưới giá thành rồi.

Theo Trưởng ban truyền thông Hiệp hội Du lịch, kích cầu du lịch cần hai yếu tố đó là bằng chất lượng và làm mới sản phẩm.

Ông Hoan cho hay, bản thân công ty lữ hành nếu chỉ đơn thuần là phép cộng giữa phòng khách sạn với lưu trú, ăn và xe vận chuyển thì du khách không cần đến. Đơn vị lữ hành là tổng hợp của tất cả dịch vụ khác lạ, tạo ra sản phẩm riêng, có sự sáng tạo bằng cách sắp xếp dịch vụ hợp lý, bổ sung các giá trị gia tăng khác mà tự các cơ sở dịch vụ rời rạc không có.

“Du lịch bây giờ phải cá biệt hóa cho từng đối tượng khách hàng. Để cá biệt hóa thì cần đo nhu cầu khách hàng, hiểu tâm lý khách hàng và tạo điểm nhấn cho sản phẩm. Thực ra một sản phẩm du lịch không cần quá nhiều điểm hấp dẫn nhưng chỉ cần một điểm đinh mà du khách thấy hấp dẫn thì họ sẽ mua. Đó là cái mà mỗi công ty lữ hành cần phải làm để tạo ra sự khác biệt, tạo một giá trị riêng. Nghĩa là công ty lữ hành phải đưa được chất xám, sự sáng tạo vào sản phẩm du lịch của mình thì mới có thể hấp dẫn được du khách”, ông Hoan nhấn mạnh.