Điểm nóng chưa hạ nhiệt

Hy vọng về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran ký với các cường quốc năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), càng thêm mong manh sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Tehran. Thậm chí, căng thẳng còn gia tăng giữa Iran với các quốc gia châu Âu vốn đang làm trung gian cho tiến trình hồi sinh JCPOA.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: HASSAN BLEIBEL
Biếm họa: HASSAN BLEIBEL

Ngày 9/9 vừa qua, theo CNN, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bộ Tình báo - An ninh Iran cùng người đứng đầu bộ này, cho rằng cơ quan này có liên quan vụ tấn công mạng nhằm vào Albania - một đồng minh của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - cách đây hai tháng cùng những hoạt động chống Mỹ và các đồng minh trên không gian mạng.

Quyết định của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Albania ngày 7/9 đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran, sau khi giới chức quốc gia Đông Nam Âu cho rằng, Tehran thực hiện vụ tấn công mạng nhằm vào trang web của Chính phủ Albania ngày 15/7 vừa qua. Albania cũng yêu cầu các nhân viên ngoại giao tại Đại sứ quán Iran rời khỏi nước này.

Bộ Ngoại giao Iran ra tuyên bố “kịch liệt lên án” quyết định của Albania về việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran, đồng thời khẳng định những lý do mà Tirana đưa ra để biện minh cho hành động này là “vô căn cứ”. Ngoài ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani cũng lên án các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ áp đặt với Bộ Tình báo - An ninh nước này, khẳng định các biện pháp trừng phạt của Washington “sẽ không bao giờ có thể gây ra nao núng nhỏ nhất nào trong quyết tâm của những người bảo vệ an ninh cho người dân Iran”.

Vấn đề hạt nhân của Iran đang tiếp tục nóng lên. Người phát ngôn của Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi tuyên bố, nước này bác bỏ báo cáo do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố ngày 7/9, trong đó IAEA kết luận không thể chứng nhận chương trình hạt nhân của Iran là “hoàn toàn vì mục đích hòa bình”. Theo báo cáo của IAEA, Iran đã tiếp tục làm giàu urani trên ngưỡng giới hạn mà thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 đề ra, với lượng urani tích trữ cao gấp 19 lần so mức giới hạn trong thỏa thuận.

Trục trặc trong sự hợp tác giữa Iran và IAEA cũng được xem là tác nhân khiến mối quan hệ Tehran và các cường quốc châu Âu rạn nứt, bất chấp Anh, Pháp và Đức - các bên tham gia ký kết JCPOA - đang nỗ lực làm trung gian hòa giải căng thẳng giữa Iran và Mỹ. Trước đó, hôm 10/9, Anh, Pháp và Đức thông báo thể hiện sự thất vọng trước yêu cầu của Iran với IAEA về việc chấm dứt điều tra dấu vết urani tại ba địa điểm hạt nhân. Lập tức, truyền thông nhà nước Iran bác bỏ chỉ trích của ba cường quốc châu Âu, cho rằng tuyên bố của các nước này là “đáng tiếc và không mang tính xây dựng” và “họ nên đóng vai trò tích cực hơn trong việc đưa ra các giải pháp cho số ít bất đồng còn tồn tại”.

Từ trước tới nay, chính quyền Tehran luôn khẳng định chính sách chiến lược là tìm cách sử dụng công nghệ hạt nhân vì các mục đích hòa bình. Tháng 7/2015, Iran và các cường quốc ký thỏa thuận hạt nhân. Theo đó, Tehran hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận năm 2018 và tái áp đặt trừng phạt kinh tế, khiến Iran cũng giảm các cam kết của nước này trong thỏa thuận.

Vòng đàm phán mới nhất nhằm khôi phục JCPOA diễn ra tại Vienna (Áo) từ đầu tháng 8/2022, sau năm tháng đình trệ. Hôm 8/8, Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất “văn bản cuối cùng” của dự thảo quyết định về việc khôi phục JCPOA. Mới đây, Iran và Mỹ đã trao đổi gián tiếp về quan điểm và phản hồi của mỗi bên đối với đề xuất do EU đưa ra. Tuy nhiên đến nay, cả Washington và Tehran đều giữ “thế thủ” đối với các yêu cầu thương lượng mà hai bên đưa ra, trong khi các nước châu Âu vẫn chưa tìm ra cách để các vòng đàm phán đạt kết quả khả quan.

Vì thế, bất cứ động thái nào tiêu cực ảnh hưởng tới hồ sơ hạt nhân vốn dĩ nhạy cảm của Iran đều có thể làm đổ vỡ hoàn toàn tương lai của việc khôi phục JCPOA. Điểm nóng này chỉ có khả năng hạ nhiệt khi các bên chấm dứt những tác động tiêu cực để ngồi vào bàn đàm phán với đầy đủ thiện chí và cả sự nhượng bộ cần thiết.