Dịch vụ và du lịch thành phố tăng trưởng mạnh

Sau thời gian bị tác động nặng nề của dịch Covid-19, các điểm mua sắm, ăn uống trên địa bàn thành phố ghi nhận sức mua tăng cao từ khách hàng, trong đó, phần nhiều là du khách quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Lượng khách nước ngoài đến chợ Bến Thành tăng cao từ tháng 10/2022.
Lượng khách nước ngoài đến chợ Bến Thành tăng cao từ tháng 10/2022.

Là chợ truyền thống lâu đời, chợ Bến Thành, Quận 1 còn là điểm tham quan, du lịch thu hút một lượng lớn du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Tuy nhiên, suốt hai năm đại dịch Covid-19 hoành hành, các sạp hàng như thủ công mỹ nghệ, giày dép, túi xách, quần áo lâm cảnh đìu hiu, thậm chí các chủ sạp quyết định đóng cửa "dài hạn". Theo Ban quản lý chợ Bến Thành, thời điểm tháng 10/2021, khi thành phố mở cửa trở lại chỉ có 150/1.438 hộ hoạt động, chủ yếu vẫn là các ngành hàng thiết yếu (ăn uống, mặt hàng tươi sống, dịch vụ). Song, không khí chung vẫn ảm đạm vì tất cả các quầy, sạp nằm ở mặt tiền chợ vẫn chưa mở cửa do không có giao dịch. Ðến tháng 2/2022, số quầy sạp mở cửa trở lại cũng chỉ đạt 400 sạp. Sức mua dần "ấm" lên cũng như lượng khách quốc tế bắt đầu quay lại Việt Nam nên từ tháng 10/2022 đến nay có khoảng 3.500 lượt khách đến chợ mỗi ngày, trong đó 70% là khách quốc tế, với sức mua tăng 30% so với trước đó. Trong khung giờ chợ ban đêm (từ 18 đến 21 giờ) có khoảng 150 hộ kinh doanh, thu hút nhiều lượt khách ăn uống, tham quan, mua sắm. Số hộ kinh doanh hoạt động trở lại đến nay là 1.200/1.438 hộ.

Tháng 4/2022, một cửa hàng bán thủ công mỹ nghệ nằm ở mặt đường Lê Thánh Tôn, cửa đông chợ Bến Thành đã sơn phết sạp mới rồi bán hàng trở lại. Anh Thành Văn, bán hàng ở cửa hàng này phấn khởi cho hay: "Mặt hàng thủ công mỹ nghệ chủ yếu được khách nước ngoài quan tâm. Tuy nhiều khách vào chỉ để xem, có khi không mua nhưng ít ra tình hình buôn bán kinh doanh đã thay đổi nhiều so với thời điểm ế ẩm của năm ngoái". Qua ghi nhận tình hình chung, lượng khách đến chợ tham quan, mua sắm cũng như sức mua tại hầu hết các sạp của chợ đã ổn định và nhộn nhịp trở lại. Một tiểu thương kinh doanh mặt hàng trà, cà-phê, đồ uống nhận định, từ tháng 10/2022 đến nay, lượng khách đến quầy, sạp tăng đột biến, nhất là du khách nước ngoài. Một số quầy, sạp còn sáng đèn đến 9 giờ tối theo quy định của Ban quản lý (áp dụng từ tháng 5/2022) để du khách tiện đi chợ đêm.

Cùng với không khí mua bán nhộn nhịp trở lại ở chợ Bến Thành cũng như các chợ dân sinh, nhiều mặt bằng kinh doanh, quán ăn tập trung ở Quận 1, Quận 5, Quận 10 đã mở cửa, treo bảng hiệu mới. Anh Lê Anh Tú, Giám đốc vận hành chuỗi "Lấu", chuyên món ăn phá lấu thuộc Công ty TNHH SG Bamboo cho biết: Giữa tháng 10, công ty đã ra mắt quán "Lấu" đầu tiên ở Quận 5 và mới đây mở thêm một chuỗi cửa hàng nữa ở quận Tân Bình. Lựa chọn kinh doanh ẩm thực trong thời điểm này cũng là lợi thế nên thương hiệu "Lấu" đang ổn định doanh thu và tăng trưởng dần. Theo anh Tú, mô hình kinh doanh ẩm thực cũng cần sự khác biệt, nhưng không thể thiếu yếu tố chất lượng và giá cả cạnh tranh để tồn tại lâu dài. Do đó, cũng như anh Tú, rất nhiều chủ cửa hàng chuyên doanh về ăn uống chỉ mong tình hình dịch bệnh được kiểm soát và ổn định như hiện nay để tập trung xây dựng thương hiệu ẩm thực có số lượng và phân khúc khách hàng ổn định; bảo đảm doanh thu để trang trải chi phí. Cùng với mô hình bán hàng truyền thống, các cửa hàng, chuỗi cửa hàng đều chú trọng hình thức kinh doanh trực tuyến hướng đến sự tiện lợi và nhanh chóng...

Một lãnh đạo Sở Công thương thành phố nhận định, sau đợt dịch kéo dài, kỳ vọng năm 2022 và thời gian tới, ngành dịch vụ ăn uống và lưu trú sẽ trở lại bình thường và ổn định nhờ sự phục hồi của ngành du lịch, nhất là tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế.

Báo cáo kinh tế-xã hội Thành phố Hồ Chí Minh 10 tháng đầu năm 2022 cho thấy, doanh thu từ du lịch ước đạt 105.578 tỷ đồng, tăng 148,9% so với cùng kỳ. Ðây là lĩnh vực được đánh giá có nhiều khởi sắc. Khách du lịch trong nước đến thành phố đạt 24,9 triệu lượt, tăng 221,3% so với cùng kỳ năm 2021; khách quốc tế ước đạt gần 2,7 triệu lượt. Thương mại bán lẻ hàng hóa tăng 22,3% so với cùng kỳ, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 110,8%; dịch vụ lữ hành tăng 173,6%.