“Dịch” & dịch chuyển

Mới đây, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đã trình hai kịch bản tăng trưởng quý IV/2021 lên Chính phủ.

Đều dựa trên cơ sở kết quả tăng trưởng kinh tế chín tháng đầu năm và mục tiêu cả năm đã được Quốc hội thông qua, nhưng ở kịch bản một, muốn tăng trưởng cả năm 2021 đạt 3%, tăng trưởng quý IV này phải đạt 7,06%. Ở kịch bản hai, để GDP cả năm đạt 3,5%, quý này phải tăng 8,84% trở lên.

Bộ này cũng khẳng định, để đạt được thành công của hai kịch bản nói trên, hoạt động sản xuất phải được đặt trong ba điều kiện. Thứ nhất, doanh nghiệp phải được hoạt động, không bị đóng băng, đóng cửa. Thứ hai, lao động phải được dịch chuyển mà cụ thể là được di chuyển an toàn theo các quy định của Bộ Y tế. Thứ ba là hàng hóa phải được lưu thông, bao gồm cả hàng hóa đầu vào và đầu ra.

Tuy nhiên, trong thời kỳ giãn cách xã hội, ba điều kiện tưởng như bình thường này lại trở thành vấn đề hóc búa. Việc các khu công nghiệp, khu chế xuất thiếu lao động trầm trọng do hạn chế đi lại, yêu cầu xét nghiệm dịch tễ, phải cách ly sau khi di chuyển giữa các tỉnh, thành phố để hạn chế lây nhiễm chéo… đang đẩy doanh nghiệp và người lao động vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp, các khu vực có thể hoạt động được 80% công suất là thành công lớn. Và để thành công thì không còn cách nào khác là phải thích ứng an toàn với dịch bệnh đặc biệt là khi xác định “zero covid” là điều không thể.

Vậy nên chăng, kịch bản tăng trưởng kinh tế kể trên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư không nên chỉ là góc nhìn của những chỉ tiêu hay số liệu mà cần phải là góc nhìn của “sự dịch chuyển”. Khi dịch bệnh tồn tại thì kịch bản để tăng trưởng kinh tế phải là kịch bản dịch chuyển lao động, dịch chuyển hàng hóa để từ đó dịch chuyển được toàn bộ nền kinh tế theo hướng vận hành thông suốt.

Vẫn nhớ, trong hội nghị mới nhất do Bộ Công thương tổ chức, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu khẳng định, chuỗi cung ứng có vai trò rất lớn. Đối với doanh nghiệp, nó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và kinh doanh. Đối với nền kinh tế, việc xây dựng và quản lý hiệu quả chuỗi cung ứng mang đến một môi trường kinh doanh lành mạnh, với triết lý hai bên cùng có lợi.

Vậy là, dịch chuyển đã và đang trở thành điều mấu chốt để điều hành và điều tiết nền kinh tế. Để  dịch chuyển thành công trong thời kỳ dịch bệnh thì doanh nghiệp thiếu lao động phải chủ động kết nối với các địa phương để “khoanh vùng người lao động”, liên hệ trực tiếp Bộ Y tế để có phương án “vận chuyển” họ đến các địa điểm sản xuất an toàn theo quy tắc 5K. Bộ Y tế cần đi sâu để hiểu “sự tình” của doanh nghiệp từ đó hình thành bộ quy tắc chống dịch thân thiện và khả thi nhất. Chính phủ cần tăng cường đối thoại với các hiệp hội để lắng nghe khó khăn của những người trong cuộc và những ý kiến tham mưu.

Không đóng cửa toàn bộ doanh nghiệp khi phát hiện ổ dịch, chỉ khoanh vùng dịch tối thiểu để khu vực còn lại vẫn sản xuất an toàn là điều cần được khuyến khích. Nhưng để hình thành trạng thái bình thường mới, Việt Nam cần nhiều hơn thế, đặc biệt là những sự dịch chuyển nguồn lực và hàng hóa trong tương lai…

DOÃN TRƯỜNG