Di vật trong cánh rừng Lào

Còn nhớ vào một ngày cuối tuần đẹp trời, tôi cùng anh bạn đồng nghiệp đến tham quan Bảo tàng Quân khu 4, nơi lưu giữ hơn 20 nghìn hiện vật, tư liệu về chiến tranh.
0:00 / 0:00
0:00
Giới thiệu hình ảnh, kỷ vật tại Bảo tàng Quân khu 4. Ảnh: Bảo tàng cung cấp
Giới thiệu hình ảnh, kỷ vật tại Bảo tàng Quân khu 4. Ảnh: Bảo tàng cung cấp

Trong đó, nhà trưng bày di vật liệt sĩ giới thiệu hơn hai nghìn di vật nằm cùng hài cốt liệt sĩ do các đội quy tập của quân khu tìm kiếm, cất bốc từ các địa bàn trong nước và nước bạn Lào.

Những hiện vật được trưng bày ở bảo tàng không chỉ đơn thuần là chiếc mũ cối, đôi dép cao-su, tấm áo choàng, chiếc võng, khẩu súng... mà đó là di sản vô giá về những chứng tích, câu chuyện, nhân vật lịch sử, về sự hy sinh anh dũng kiên cường của quân và dân ta... Lặng người trước những kỷ vật của các anh: mũ, bi-đông đựng nước, thắt lưng, dao găm... Các kỷ vật ấy còn hằn hiện vết đạn, bom và cả máu đọng trong chiếc cối giã trầu của mẹ mà các anh mang theo lúc ra trận trên các chiến trường trong nước và ở những cánh rừng Lào xa lắc.

Hôm đó, Thượng tá Nguyễn Thị Tiến, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Quân khu 4, người có đề tài khoa học “Tìm liệt sĩ qua di vật”, đã ba lần là khách mời của chương trình “Người đương thời” phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam dẫn chúng tôi đến các gian trưng bày di vật của các liệt sĩ đã tìm được danh tính theo đề tài của chị. Dừng lại trước những hình ảnh của đội quy tập tìm hài cốt liệt sĩ trên những cánh rừng ở Xiêng Khoảng (Lào), chúng tôi xúc động về bức hình một bà mẹ người Lào trạc tuổi lục tuần, áo rách vai do chui luồn bị gai tre cào. Mẹ đang cùng các chiến sĩ đội quy tập đào bới đất tìm hài cốt. Theo thuyết minh của chị Tiến, bà mẹ người Lào ấy đã bỏ việc nhà cơm nắm, cơm đùm, trèo đèo, lội suối hết cánh rừng này sang cánh rừng khác hàng năm trời đi chỉ đường cho đội quy tập tìm hài cốt quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh vì nhiệm vụ quốc tế cao cả. Chị còn cho biết, cùng với bà mẹ này còn rất nhiều người dân Lào đã hy sinh việc nhà đưa đường cho bộ đội Việt Nam đi tìm đồng đội...

Chị Tiến luôn canh cánh trong lòng về những đồng đội đã ngã xuống chưa tìm được tên được tuổi, quê quán... chứ không phải vô danh như nhà thơ, nhà báo Văn Hiền cũng đã từng khắc khoải: “Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh/...Anh có tên như bao khuôn mặt khác/...”.