Đi tìm Trung thu xưa cũ

NDĐT- Mỗi dịp Trung thu đến, giữa những bạt ngàn món đồ Trung thu hiện đại, không ít người lại tìm đến những điều xưa cũ… Và chúng tôi cũng tìm đến những những người vẫn “say” với những món nghề truyền thống. Một cách tự nhiên, họ đang góp phần gìn giữ những nét truyền thống trong Tết Trung thu của người Việt.

Xuất bản: 13/09/2019



Đi tìm Trung thu xưa cũ


Thiên nga bông

Mặt nạ giấy bồi

Tiến sĩ giấy

Khuôn bánh trung thu



Chỉ đạo thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: BÔNG MAI, GIANG NGỌC, THANH TRÀ
Thiết kế: QUANG KHIÊM, NVS
Chia sẻ bài viết này      Facebook      Twitter

Thiên nga bông

“Ngày xưa làm không kịp bán, cứ ra đến cửa là hết”

Ấy là lời kể mà cụ bà Vũ Thị Thanh Tâm, người đã làm thiên nga bông “mấy chục năm rồi, lâu lắm rồi, từ hồi tôi còn trẻ”.

Thiên nga bông

Với giọng kể vui vẻ, minh mẫn dù đã ở tuổi ngoài 90, bà Tâm hồi tưởng lại thời “hoàng kim” của thiên nga bông. Thiên nga bông thì có từ lâu rồi, bà cũng làm từ khi còn mười mấy tuổi. Khi ấy, nhà bà ở phố khác, gần Nhà Thờ lớn, sau khi đi kháng chiến bà mới chuyển về phố Hàng Lược. “Tôi đi làm nhà nước, thứ 7, chủ nhật được nghỉ tôi làm thêm, mang ra đường bán, tôi bán bao nhiêu cũng hết, làm không kịp. Các anh, các chị tôi đều làm hết. Thiên nga rồi gà, vịt, toàn bằng bông hết. Người ta mua buôn đi các nơi, tận trong Sài Gòn cũng ra đây mua buôn của tôi. Mà thời đấy bán không rẻ đâu mà bán không kịp, bán nhiều lắm, cứ ra đến cửa là hết, khách họ mua hết”, bà Tâm kể với đôi mắt rạng ngời.
Dẫu vậy, thời gian trôi đi, khi thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi, cùng với sự xuất hiện tràn ngập của nhiều mặt hàng với vô vàn mẫu mã, lại thêm giá thành rẻ nên thiên nga bông dần mất chỗ đứng. “Từ khi có hàng Trung Quốc thì hàng bán hơi chậm, người ta không mua buôn đi các nơi nữa, sau dần dần thì làm ít đi, bây giờ thì làm càng ít nữa, không bán được. Năm ngoái còn được hơn 200 chứ năm nay chỉ được còn 100”, bà Tâm nói.
“Các cháu bây giờ nó không thích, bố mẹ các cháu thích nhưng các cháu chả thích (cười), nó thích mấy đồ chơi nhấp nháy cơ. Các cháu không thích thì bố mẹ các cháu cũng chẳng mua, nó thích thì mới mua, đằng này nó không thích nó cứ lôi mẹ nó đi thì không mua nữa. Ngày xưa được 100 phần thì bay giờ còn được một phần, mà một phần ít”, bà Tâm ngậm ngùi.

Để làm ra một sản phẩm thiên nga bông cũng cần nhiều công đoạn, có những công đoạn phải làm sẵn trước nhiều tháng. Với con giống, thiên nga phải làm trước, làm sẵn phơi nắng khô ráo rồi cất đi. Các công đoạn trang trí, hoa, cây thì làm cuối cùng vì những thứ này để lâu bị dễ bị nát. “Nhiều công đoạn lắt nhắt, tỉ mỉ lắm nên phải làm sẵn, đến gần ngày cần giao thì trang trí với đính cánh, chứ sát ngày rằm mới làm là không kịp”, bà Tâm nói.

Nguyên liệu làm chẳng đáng bao nhiêu, chỉ có giấy với bông, cái công mình làm là chính. Bà Tâm kể, thời xưa làm gì có giấy bóng kính, giấy màu như thế này. “Tôi phải tự làm lấy hết, phải nhuộm giấy, nhuộm màu. Ngày xưa làm gì có cái lẵng này, toàn làm bồi hộp hết. Cánh thiên nga cũng không có xốp để làm như bây giờ mà tôi phải làm bằng cánh bông, cánh bông thì không đứng như thế này đâu, nó nằm ệp xuống”, bà Tâm nói.


Làm thiên nga bông tỉ mỉ, mất công mà thu nhập không được bao nhiêu nên người ta dần bỏ hết, đến nay chỉ có nhà bà Tâm còn duy trì nghề này. Tuy nhiên, ở nhà bà Tâm hiện nay cũng chỉ có con dâu là theo nghề của bà, các con, các cháu bà không ai theo cả. “Tôi bây giờ cũng không làm được nữa, tôi chỉ phụ con dâu tôi thôi, em nó làm được bao nhiêu thì làm”, bà Tâm nói.

Cô Quách Thị Bắc, người con dâu duy nhất theo nghề của mẹ chồng, chia sẻ đã bén duyên với nghề từ trước khi về làm dâu nhà bà Tâm. Khi ấy, thỉnh thoảng đến nhà bà Tâm chơi cô cũng đã học qua được một số công đoạn, sau về làm dâu rồi thì học từ đầu và làm được trọn vẹn cả một lẵng thiên nga. Từ ngày ấy đến bây giờ cũng đã được 30 năm rồi, cô Bắc vừa làm vừa bán.

Trong lúc thiên nga bông không còn ở thời kỳ đỉnh cao, cô Bắc chia sẻ, cô cũng đang nghĩ xem làm thế nào để sản phẩm của mình thu hút được khách hàng. Bây giờ mỗi năm một khác, nhu cầu của khách hàng ngày càng cao nên cái gì cũng phải đẹp hơn mới thu hút được khách hàng. “Tôi cũng đang nghĩ nhưng chưa biết được mình nên theo hướng nào”

Những ngày đầu tháng 8 Âm lịch, hàng bán hơi chậm, cô Bắc bảo thấy hàng chậm thì cũng “hơi chán chán” nhưng cũng không đến nỗi thất vọng lắm. “Người nhà tôi hay bảo thôi làm làm gì nữa, vất vả, có một mình, lại vừa làm vừa bán hàng nên tôi cũng nghĩ có nên bỏ nghề không. Nhưng cứ đến Trung thu là lại nhớ nghề, dù sao đây cũng là nghề truyền thống của gia đình. Từ trước tới nay tôi vẫn cảm thấy rất nhớ và rất thích nên trong những dịp Trung thu như thế này tôi vẫn làm, không ít thì nhiều”, cô Bắc chia sẻ.

Hiện giờ chỉ có cô Bắc làm thiên nga bông mà cô cũng chỉ có một con trai, không theo nghề của mẹ. “Nếu tôi có con gái thì biết đâu nó cũng học nghề của mẹ. Tôi đang hy vọng sau này có con dâu cũng đam mê được như mình thì tôi cũng cố gắng mà dạy lại. Đấy cũng là điều tôi mong muốn lắm nhưng chưa biết có thực hiện được không?!”, cô Bắc băn khoăn.


Xem thêm

Mặt nạ giấy bồi

Tiến sĩ giấy

Khuôn bánh trung thu



Mặt nạ giấy bồi

“Thực sự mình có đam mê nên mình làm vui lắm, phấn khởi lắm”

Sau thiên nga bông, chúng tôi tìm đến số nhà 73 Hàng Than, quận Ba Đình, Hà Nội. Đây là nơi hơn 40 năm qua vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Hòa và Đặng Hương Lan gắn bó với nghề làm mặt nạ giấy bồi.

Mặt nạ giấy bồi

Nghề làm mặt nạ giấy bồi của ông Hòa, bà Lan là nghề gia truyền do cha ông để lại. Hiện nay, đến đời vợ chồng ông bà đã làm được 40 năm.
Từ trước tới nay, bà Lan vẫn bán hàng ở số 81 Hàng Lược. Bà Lan kể, khi bà bắt đầu bán thì có bốn gia đình làm mặt nạ giấy bồi để bán tại chợ Hàng Mã, về sau mọi người cứ bỏ dần bỏ dần bởi vì hàng làm ra mà không bán được, rồi lại phải cạnh tranh với các mặt hàng của nước ngoài nên người ta bỏ. Cuối cùng, trong bốn gia đình đó còn lại một mình gia đình nhà bà Lan vẫn giữ được nghề đến ngày nay.
Mặt nạ giấy bồi có nhiều hình dạng nhưng cơ bản là những hình mặt nạ phản ánh truyền thống dân gian của người Việt mình. Như ở nhà bà Lan có trên dưới gần 30 khuôn lớn nhỏ, các hình hài, như: Chí Phèo, Thị Nở, sư tử, hổ, cáo,...

“40 năm nay quay đi quay lại toàn đồ truyền thống của mình, có làm thêm các khuôn mặt nạ khác đi chăng nữa thì bán được ít lắm. Trong khi các mặt nạ truyền thống của mình quay đi quay lại thì vẫn bán được nhiều, với số lượng tăng thêm. Đa phần khách vẫn thích mặt nạ truyền thống”, bà Lan nói.

Để làm được một chiếc mặt nạ giấy bồi cần nguyên liệu gồm bột sắn nấu lên với nước lã, khi chín gọi là hồ; các loại giấy: đầu tiên lớp giấy ngoài là lớp giấy A4, lớp thứ hai là giấy bìa, lớp thứ ba, thứ tư là giấy học sinh.



“Mình liệu tầm tay vừa độ dầy của mình thì mình làm lấy khuôn, làm khuôn xong thì phơi, hoàn toàn tự nhiên hết, phơi từ sáng đến tối mới khô. Làm mặt nạ có nhiều công đoạn, phải làm quanh năm. Bình thường nhà tôi chuẩn bị sẵn khuôn phơi khô, một người một ngày chỉ làm được khoảng chục cái khuôn mặt nạ này thôi. Bắt đầu từ khoảng tháng 5, tháng 6 Âm lịch trở ra thì nhà tôi bắt đầu mới nặn, vẽ sơn”, bà Lan chia sẻ.

Giá bình thường một chiếc mặt nạ khi vào tận nhà bà Lan mua từ 30 đến 60 nghìn đồng, tùy các kích cỡ to, nhỏ. Nhưng nếu mua ngoài chợ thì giá khác vì còn các khoản công, phí khác. Trong năm, các khách tổ chức sự kiện đến lấy hàng mặt nạ cốt trắng, đến gần Rằm Trung thu thì khách đông hơn, vừa mua mặt nạ vẽ sơn vừa mua mặt nạ cốt trắng.

Điều cần chú ý nhất khi làm mặt nạ giấy bồi là tất cả những yếu tố liên kết với nhau, cái nào cũng khó, trông thì đơn giản nhưng làm thì không dễ chút nào, phải kiên trì, chịu khó và tỉ mỉ. “Quan trọng hơn cả là mình phải đam mê và có tâm với nghề thì khi đó mình vẽ mặt nạ lên nó đa sắc màu, nhìn nó mới có hồn”, bà Lan nói.

Theo bà Lan, điều khiến vợ chồng ông bà vẫn gắn bó với công việc này là bởi đây là nghề truyền thống của cha ông để lại, ông bà đến với nghề cũng là một cái duyên, cái nghiệp. Ông bà rất đam mê với những chiếc mặt nạ giấy, bây giờ còn sức khỏe thì vẫn cứ làm. Hơn nữa, đến hiện nay, khách hàng vẫn mua đều, vẫn đắt hàng bởi bây giờ mọi người cũng quan tâm đến mặt nạ truyền thống được làm hoàn toàn thủ. Ông bà cứ làm ra bao nhiêu thì bán hết bấy nhiêu, đấy cũng là động lực để vợ chồng ông bà theo nghề.

“Công việc hằng ngày vợ chồng tôi làm cảm thấy nó là một niềm vui, thực sự mình có đam mê nên mình làm vui lắm, phấn khởi lắm. Mà khi khách hàng mua hàng hay động viên sức khỏe, hàng bán mỗi một năm lại tăng sản lượng lên. Rồi mọi người cũng vẫn quan tâm và để ý đến, thậm chí đến nhà xem chúng tôi làm và trải nghiệm. Chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc”, bà Lan nói đầy vui vẻ xen phần tự hào.

“Trước mắt thì gia đình chúng tôi vẫn đang làm còn nếu sau này mà không làm thì ai người trong nhà thực sự đam mê và thích thì chúng tôi sẽ tạo điều kiện để lưu giữ cái nghề gia truyền này và cũng là để góp phần giữ nét đẹp truyền thống của Việt Nam mình”, bà Lan nói.


Xem thêm

Thiên nga bông

Tiến sĩ giấy

Khuôn bánh trung thu



Tiến sĩ giấy trở lại

Trong những năm gần đây, cùng với sự trở lại của nhiều trò chơi dân gian truyền thống như đèn cù, mặt nạ giấy, đầu sư tử… những ông Tiến sĩ giấy cũng đang dần trở lại trên những mâm cỗ Trung thu thời hiện đại.

Tiến sĩ giấy

Ông Tiến sĩ giấy trong mâm cỗ Trung thu là biểu tượng cho những người học hành giỏi giang, đỗ đạt được làm quan trong triều đình thời xưa. Các gia đình bày ông Tiến sĩ giấy trong Tết Trung thu thể hiện mong muốn cho con em mình ngoan ngoãn, học hành giỏi giang và đỗ đạt thành người tài.
Bà Nguyễn Thị Tuyến là nghệ nhân duy nhất của làng Hậu Ái (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) còn làm Tiến sĩ giấy để bày bán vào mỗi dịp Trung thu. Bà Tuyến bảo cũng không biết làng nghề có tự bao giờ, chỉ láng máng nghe các cụ kể lại từ xa xưa lắm, trong làng có cụ Đỗ Kính Tu vốn là người làng Hậu Ái sinh ra trong một gia đình nhà nho hiếu học. Cụ Đỗ Kính Tu thuở nhỏ vốn thông minh, học ít hiểu nhiều nên 13 tuổi sớm đỗ tú tài, 18 tuổi đỗ kỳ thi võ, 23 tuổi đỗ đầu kỳ thi Tam giáo và được vua phong chức Hàn Lâm Viện Đại học sĩ kiêm Võ sư.
Tuy quyền cao vọng trọng nhưng ông luôn gần gũi và thương yêu dân chúng. Vì thương dân làng thường xuyên bị ngập lụt, mùa màng thất thu, ông đã đứng ra mua đất làm sông ngòi và bị các gian thần hãm hại phải tuẫn tiết. Cảm nhớ ân đức của ông, làng Hậu Ái suy tôn ông làm Thành hoàng làng, vào đêm Rằm Trung thu – cũng là lúc trẻ con vừa mới bắt đầu năm học mới, người dân nơi đây thường làm “ông Tiến sĩ giấy” với “hai ông lính đánh gậy trông trăng” trong mâm cỗ trông trăng để tưởng nhớ công lao của ông và nhắc nhở thế hệ sau không được quên ơn đức đó.

Cũng giống như các trò chơi dân gian truyền thống khác, những ông Tiến sĩ giấy có thời tưởng như đã không còn tồn tại bên cạnh sự phát triển ồ ạt của đồ chơi điện tử hiện đại thu hút thị hiếu trẻ em. Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì gìn giữ của những người như nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến mà ông Tiến sĩ giấy ngày nay đã có cơ hội trở lại và dần trở nên quen thuộc đối với trẻ em vào mỗi dịp Trung thu.

Không giấu được niềm tự hào, bà Tuyến chia sẻ: Vào các dịp lễ, Tết, tôi thường được mời đến các khu vui chơi như Bảo tàng Dân tộc học, Nhà cổ 87 Mã Mây hay 38 Hàng Đào hoặc là các trường học để dạy cho các em thiếu nhi cách làm ông Tiến sĩ giấy. Dù “học sinh” của tôi làm ra những sản phẩm chưa được đẹp, chưa đúng chuẩn nhưng tôi nhận thấy sự thích thú của các con khi tự tay làm ra được một sản phẩm hoàn chỉnh. Không những thế, nhiều du khách nước ngoài cũng khá tò mò về ý nghĩa của món đồ chơi này. Đây cũng là động lực để tôi tiếp tục gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của ông, cha.

Quy trình để làm ông Tiến sĩ giấy cũng khá công phu. Việc đầu tiên là dựng khung. Khung của ông Tiến sĩ giấy được làm từ cây giang mọc tự nhiên. Cây giang khi còn tươi hoặc phơi khô đều có thể làm được. Cây giang được chẻ thành những nan có độ mỏng vừa, sao cho vừa dễ uốn thành hình vừa có độ vững chắc.

Tiếp theo là lên khung cho ông Tiến sĩ. Công việc này nhìn khá đơn giản nhưng phải có độ khéo léo mới có thể làm được khung cân bằng, không bị lệch. Các mối nối được cố định chắc chắn bằng dây thép. Sau khi khung của ông Tiến sĩ được làm xong sẽ là công đoạn dán giấy.

Ông Tiến sĩ giấy được làm bằng các loại giấy có màu sắc vui tươi, áo bào sặc sỡ có hình ông hổ, thẻ bài, mão trạng, có lọng che trên đầu... thể hiện sự uy nghiêm, trang trọng của người công danh đỗ đạt. Mặt sau của ông Tiến sĩ thường được dán bằng những loại giấy tái sử dụng hết sức giản dị. Khuôn mặt ông Tiến sĩ được làm từ các loại giấy bồi hoặc đất sét.

Khâu khó khăn nhất là vẽ mặt cho ông Tiến sĩ, làm sao để khuôn mặt vừa đôn hậu, dịu dàng phù hợp với trẻ em lại vừa mang thần thái uy nghiêm của một vị quan. Ông Tiến sĩ sau khi đã hoàn thành tất cả các công đoạn cần phải chọn màu áo để hoàn thiện sản phẩm. Màu áo chính của ông Tiến sĩ gồm màu xanh, màu vàng, màu đỏ. Mỗi màu tượng trưng cho một cấp bậc. Màu đỏ sẽ là cấp bậc tiến sĩ cao nhất.

Mặc dù trong những năm gần đây, cùng với nhiều trò chơi dân gian truyền thống khác, ông Tiến sĩ giấy cũng đã “tái sinh” trở lại nhưng theo nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, đây chỉ là công việc thời vụ lại thu nhập thấp nên các con cháu của bà cũng không mặn mà với nghề truyền thống.

“Gia đình tôi có mấy người con nhưng tất cả đều có công việc riêng, chúng chỉ phụ giúp thêm vào tháng cao điểm (những ngày giáp Rằm tháng Tám), bởi vậy tôi rất lo sau này không có ai nối nghiệp mình, tiếp tục gìn giữ những nét đẹp trong ngày Tết Trung thu nữa”, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến trăn trở.

Khi được hỏi về mong ước của mình, nghệ nhân làng Hậu Ái tha thiết, tôi chỉ mong sao có bạn trẻ nào đó muốn học nghề, đam mê với nghề, tôi sẵn sàng truyền nghề để các cháu thiếu nhi sau này mãi mãi không quên hình ảnh những ông Tiến sĩ giấy uy nghi trên mâm cỗ trông trăng.


Xem thêm

Thiên nga bông

Mặt nạ giấy bồi

Khuôn bánh trung thu



Khuôn bánh trung thu

Nghề sẽ không “chết” nếu người thợ biết chuyển mình theo thời cuộc

Đây là ý nói kết lại sau cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và ông Phạm Văn Quang, người nổi tiếng với món nghề chạm khắc khuôn bánh trung thu tinh xảo vào hàng bậc nhất tại phố cổ Hà Nội.

Khuôn bánh trung thu

Nằm trên con phố Hàng Quạt đông đúc, cửa hàng lớn nhỏ san sát nhưng “xưởng” sản xuất của ông Quang không khó để nhận ra. Đó là một cửa hàng mặt phố nhỏ chưa đầy 10m2 nhưng có biển hiệu vô cùng đặc biệt, được trang trí bằng những khuôn gỗ chạm khắc độc đáo, dễ thu hút ánh nhìn của người qua đường. Người ta nhắc nhiều đến ông Quang với tài chạm, đục các loại khuôn bánh Trung thu sống động. Nhưng thực tế khuôn bánh Trung thu mới chỉ là một loại trong những sản phẩm được đôi bàn tay khéo léo của ông tạo ra.
Theo ông Quang, nghề chạm đục của ông làm quanh năm theo kiểu “mùa nào thức ấy”. Vài tháng trở lại đây chuẩn bị cho Trung thu nên các sản phẩm ông sản xuất và bán trong giai đoạn này chủ yếu là khuôn làm bánh Trung thu. Tuy nhiên, đến những thời điểm khác trong năm, ông lại tập trung làm các sản phẩm khác. Chẳng hạn như sau Rằm, chuẩn bị Tết ông lại làm khuôn xôi, khuôn oản, khuôn chè, khuôn bánh chưng,… Ông Quang cũng nhận làm bất cứ sản phẩm chạm, đục nào mà khách hàng có nhu cầu từ linh vị, bài vị hay ấn của các thầy cúng,…
Các sản phẩm của ông Quang được làm chủ yếu từ gỗ xà cừ và gỗ cây thị. Với ông Quang, giá trị của sản phẩm không nói về thời gian, về tiền bạc mà chỉ nói về khó và dễ, nói về lãi bán những chiếc bánh được làm ra từ sản phẩm đó. Cái khuôn nào làm ra nhiều tiền, người ta không làm được thì là cái khó.

Năm nay, lượng khách hàng tìm đến các sản phẩm của ông Quang vẫn đều, người thích treo trang trí, người thích dùng gia đình, người thích nhỏ, người thích to, thị trường mỗi nơi có một yêu cầu riêng. Mùa Trung thu thì người ta mua nhiều khuôn. Các nhà hàng sản xuất bánh số lượng lớn phải mua khuôn từ tháng 6-7 Âm lịch để chuẩn bị trước, người làm chơi thì sang tháng 8 mới nhộn nhịp.

“Làm thợ phải nghĩ ra mà làm, nghĩ xem thiên hạ người ta thích cái gì, phải làm ra sản phẩm đáp ứng được thị hiếu của khách. Từ xưa đến nay sản phẩm đều là cái khuôn bánh để làm ra cái bánh nhưng mục đích sử dụng, nhu cầu của khách hàng với nó hiện nay đã khác nhiều so với thời xưa. Nhu cầu của xã hội thay đổi thì mình cũng phải thay đổi sản phẩm của mình”, ông Quang nói. Đây chính là triết lý làm nghề, giữ nghề và sống được với nghề của ông mấy chục năm qua.


Không như thời bao cấp còn thiếu thốn, người ta mua khuôn bánh chủ yếu để làm thực phẩm. Nhưng hiện nay, khi đa dạng các loại mặt hàng, nhu cầu ăn uống giảm và nhu cầu của khách hàng cao cấp hơn. Khách hàng hiện nay của ông Quang chủ yếu là khách chơi, mua khuôn bánh tự làm tại gia đình và những khách coi sản phẩm của ông Quang là một bức tranh gỗ âm bản để trang trí.

Nói thêm sự chuyển mình liên tục khi làm nghề, ông Quang chia sẻ, ngày xưa gia đình ông làm sản phẩm chính là đồ thờ, trước lúc giải phóng các cụ nhà ông Quang làm hoành phi câu đối. Sau một thời gian, việc thờ cúng không phát triển thì chuyển sang nghề làm khuôn bánh. Rằm tháng 8 làm khuôn bánh, ra rằm thì làm khung oản, Tết là khuôn oản, khuôn xôi, làm bài vị,…

Với sản phẩm khuôn bánh, lượng bán ra hiện nay kém hơn vì có khuôn nhựa, khuôn máy sản xuất hàng loạt, giá thành rẻ. Bây giờ những khuôn dễ, đại trà thì người ta lựa chọn khuôn nhựa. Tuy nhiên, với khuôn máy, người ta làm phải hàng nghìn, hàng vạn chứ không làm một vài cái riêng lẻ, khác biệt. Và đây chính là “khoảng trống” của thị trường mà những người thợ thủ công như ông Quang đáp ứng được. Tuy nhiên, để có thể chiếm lĩnh khoảng trống này không phải là điều dễ.

Theo ông Quang, nghề của ông không thể dập khuôn công nghiệp, bản thân muốn làm được thì phải có sự đam mê, có kiến thức về văn hoá từ cuộc sống đời thường đến văn hoá Đông Tây để mà thể hiện chúng qua từng sản phẩm. Thêm nữa là phải biết một chút về thị trường để mà vừa làm vừa nghe theo chiều hướng của thị trường. Tự mình nhận biết cái nào khách hàng thích cái nào không. Yếu tố quyết định của nghề này là lấy được ý tưởng của khách hàng, hiểu được cái thích và chiều được theo nhu cầu của họ.

“Nghề khó khăn là máy móc sẽ chèn ép một phần nhưng trong họa có phúc và trong phúc có họa. Phúc họa do mình, trong khó khăn đấy mình ngồi mình nghĩ đi, tìm đi, làm cái khác, học cái khác đi. Ngày xưa các cụ chỉ làm vài mẫu, nhà người ta mua rồi thì mình bán cho ai, mình phải nghĩ ra cái khác, cái khác đó phải được thị trường, xã hội chấp nhận. Mình muốn có sức hút đối với xã hội thì phải có cái gì nó gọi là của mình”, ông Quang nói.

Bởi thế mà theo ông Quang, món nghề của ông sẽ không lo bị thất truyền, theo quy luật của thị trường, có cầu ắt sẽ có cung, làm xấu hay làm đẹp thì theo quy luật đào thải tự dưng người ta sẽ tìm ra cách tồn tại và phát triển. Người thợ có khi lúc đầu làm chưa trọn vẹn nhưng trong quá trình làm sẽ dần hoàn thiện, sẽ dần giỏi lên, không ai lúc đầu mà giỏi ngay được.

Với ông Quang, nghề chạm đục là cuộc sống, cơm áo gạo tiền, là đam mê. Thu nhập người thợ không giàu cũng không nghèo vì bán mồ hôi để sống. Theo nghề này không đơn giản, phải có sự yêu thích và đam mê mới theo được. “Làm thợ phải luôn luôn chuyển đổi, luôn luôn có con mắt quan sát thị trường xem người ta thích cái gì, mình đáp ứng người ta cái đó. Bây giờ bán khuôn bánh nhưng sang tháng bán khuôn bánh ai người ta mua, mình phải chuyển làm cái khác. Mình kết hợp giữa truyền thống và nhu cầu của thị trường thì kiểu gì nghề của mình cũng sống. Tất cả các nghề đều phải thế, cái tôi giỏi nhưng không ai cần thì giỏi làm gì. Muốn tài giỏi cái gì thì giỏi nhưng phải đáp ứng được cái thèm, cái thích của xã hội”, ông Quang chia sẻ.


Xem thêm

Thiên nga bông

Mặt nạ giấy bồi

Tiến sĩ giấy