Xây dựng thương hiệu nhà rường Huế

Nhà rường là một di sản đặc trưng của Huế, là một bộ phận không thể tách rời của di sản lịch sử, văn hóa Huế. Không gian riêng của nhà rường Huế mềm mại mà cá tính, là điểm nổi bật của tính cách Huế thể hiện trong cảnh quan kiến trúc truyền thống.

Ngôi nhà rường cổ của bà Lê Thị Túy ở số 2/3 Phú Mộng (Kim Long, thành phố Huế).
Ngôi nhà rường cổ của bà Lê Thị Túy ở số 2/3 Phú Mộng (Kim Long, thành phố Huế).

Tỉnh Thừa Thiên Huế đang hướng đến việc xây dựng thương hiệu cho nhà rường Huế gắn với sản phẩm du lịch đặc trưng; qua đó bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đưa nhà rường Huế trở thành biểu tượng của vùng đất cố đô.

Di sản đặc trưng văn hóa Huế

Nhà rường Huế là một thành tựu văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của vùng đất kinh kỳ xưa, chứa đựng những giá trị độc đáo thuộc nhiều lĩnh vực: kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử, triết học, tôn giáo, tín ngưỡng... Rường là cách nói ngắn gọn của rường cột. Nhà rường có hệ thống cột, kèo gỗ được dựng lên theo những quy cách nhất định. Dù lớn đến đâu, nhà rường cũng được kết cấu hoàn toàn bằng chốt, mộng gỗ để có thể lắp ráp và tháo dỡ dễ dàng. Ðiều đặc biệt ở nhà rường là nghệ thuật tạo hình bằng chạm khắc, khảm trên các đầu kèo, xà, đòn tay... và các vách ngăn. Nhà rường Huế được quy hoạch trong một không gian thoáng rộng, gắn bó mật thiết với môi trường tự nhiên, tuân theo thuật phong thủy, bao gồm: Cổng ngõ, bình phong, tường rào, hòn non bộ, bể cạn, sân, nhà chính, nhà phụ, vườn cây... tạo nên nét quyến rũ độc đáo, trở thành biểu tượng của miền đất sông Hương núi Ngự.

Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, nhắc đến nhà rường là người ta lại lập tức nghĩ đến Huế. Ðơn giản, nhà rường là một không gian văn hóa, là một bộ phận cấu thành và không thể tách rời của văn hóa Huế. Xưa kia, ở kinh đô Huế, từ các cung điện trong thành nội, các dinh, phủ vương công, cho đến nhà cửa của thị dân khá giả đều thuộc dạng nhà rường. Nói đến nhà rường Huế ai cũng mường tượng ngay ra những tư thất kính cẩn nghiêm trang, nhưng ấm cúng xen lẫn nét phong lưu đặc thù của chốn kinh kỳ. Nhà rường Huế không chỉ đơn thuần là một ngôi nhà gỗ mà gắn liền với vườn. Vườn được thiết kế công phu không kém gì ngôi nhà chính. Trong không gian ấy, công trình kiến trúc tuy chiếm tỷ lệ khiêm tốn, nhưng là một tổ hợp hoàn chỉnh với nhà chính, nhà phụ, am miếu, bình phong, cổng... Cách bố trí tổ hợp trên dù theo kiểu chữ Ðinh, chữ Khẩu hay "Nội công ngoại quốc" cùng đều có tính khép kín và hướng nội, trong đó ngôi nhà chính-nhà rường luôn chiếm vị trí trung tâm ở mọi ý nghĩa. Cũng theo ông Hải, thường phải là người đến tuổi "Ngũ thập tri thiên mệnh" mới dám dựng nhà rường. Ngôi nhà và khu vườn gắn liền đều được chăm chút rất cẩn thận, bởi nó chính là cái để thể hiện danh phận, văn hóa và vị trí xã hội của chủ nhân.

Nhắc đến nhà rường Huế, không thể bỏ qua cái tên An Hiên nổi tiếng. Ngôi nhà nguyên là phủ An Hiên do một vị quan triều Nguyễn xây dựng cuối thế kỷ 19. Năm 1934, quan tuần phủ Nguyễn Ðình Chi mua lại. Sau này, vợ ông là bà Xuân Yến (Tuần Chi) đã tạo lập An Hiên thành một khu vườn kiểu Huế và ngôi nhà trở nên nổi tiếng hơn qua bút ký "Hoa trái quanh tôi" của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Chúng tôi nhiều lần ghé thăm An Hiên, ngôi nhà rường rặt Huế và thật nhỏ, nằm lút dưới bóng cây xanh. Năm 2018, nhà vườn An Hiên được chuyển nhượng cho Công ty Khách sạn Silk Path ở Hà Nội. Nhiều người Huế từng lo lắng, nhưng đáng mừng là Silk Path đã tìm mọi cách để phục hồi những giá trị đặc sắc một thời của An Hiên.

Xây dựng thương hiệu nhà rường Huế -0

Ngôi nhà rường của phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn tại 31 Nguyễn Chí Thanh (phường Phú Hiệp, thành phố Huế) là nhà vườn loại I vừa được hỗ trợ tu sửa. 

Nhiều thách thức trong bảo tồn nhà rường

Không phải ngôi nhà rường nổi tiếng nào ở Thừa Thiên Huế cũng có may mắn như An Hiên. Theo thời gian, việc bảo tồn và khai thác giá trị văn hóa cũng như thương hiệu nhà rường Huế chưa được phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả so với tiềm năng, giá trị hiện có, mặt khác một số ngôi nhà rường đã dần xuống cấp. Châu Hương Viên của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị tại phường Vỹ Dạ (thành phố Huế), được công nhận di tích cấp tỉnh vào năm 2019, vốn là một khu nhà vườn rộng lớn, tráng lệ, chuẩn mực cho kiến trúc nhà rường Huế đầu thế kỷ 20, nhưng do người thừa kế không có điều kiện chăm sóc, sửa chữa cho nên khu nhà vườn chỉ còn duy nhất một ngôi nhà rường cổ xập xệ.

Gần đây, chúng tôi đã có nhiều khảo sát về nhà rường Huế. Dù vẫn còn hiện hữu nhưng nhà rường Huế đã thay đổi diện mạo rất nhiều. Hầu hết đều được xây dựng trước năm 1945, qua cả trăm năm tồn tại cùng mưa nắng, lụt bão, rất nhiều nhà rường Huế xuống cấp trầm trọng. Phần lớn chủ nhân không đủ nguồn lực kinh tế để sửa chữa, trùng tu cho nên nguy cơ hư hỏng nặng nề. Nhiều nhà rường đã không còn, một số khác bị chia năm xẻ bảy, bị thay đổi cấu trúc. Ngay bên trong nhiều khu nhà rường đã xuất hiện những công trình hiện đại... Một số nhà rường còn lại khá nguyên vẹn đang đứng trước những thử thách rất lớn trước "cơn lốc" đô thị hóa và nền kinh tế thị trường. Các nghệ nhân, lao động lành nghề làm nhà rường Huế ngày càng mai một, trong khi việc đào tạo truyền nghề chưa được chú trọng, quan tâm. Nguồn nguyên liệu cho sản xuất nhà rường ngày càng khan hiếm... Bởi thế, hoạt động phục hồi, bảo tồn nhà rường Huế đang đối mặt với rất nhiều thách thức.

Từ năm 2006, HÐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Nghị quyết về bảo vệ nhà vườn Huế giai đoạn 2006-2010, sau đó tiếp tục hỗ trợ để bảo vệ nhà vườn Huế giai đoạn 2015-2020. Nhưng do số lượng được đề xuất bảo tồn quá lớn, trong khi các chính sách hỗ trợ chưa được áp dụng cơ chế đặc thù, các chủ nhà có diện tích lớn gặp nhiều khó khăn nên việc bảo vệ nhà vườn Huế chậm được triển khai. Năm 2015, HÐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết thông qua đề án "Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng" giai đoạn 2015-2020. Hệ thống nhà vườn trên địa bàn được hỗ trợ trùng tu, tôn tạo với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng, cho 18 nhà vườn ở thành phố Huế và 25 nhà vườn ở làng cổ Phước Tích (huyện Phong Ðiền). Ðã có những tín hiệu vui từ Phước Tích. Như trường hợp ngôi nhà rường của ông Hồ Văn Thuyên từng xuống cấp trầm trọng đã được trùng tu năm 2019. Ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Ðiền chia sẻ: "Ðề án đã tác động rất kịp thời và hiệu quả trong việc chống xuống cấp các di sản tại làng cổ Phước Tích, đáp ứng nguyện vọng của người dân làng cổ có hơn 500 năm tuổi".

Tuy nhiên, tại thành phố Huế, việc bảo tồn nhà rường cổ vẫn gặp nhiều khó khăn. Ðáng nói là những vướng mắc về vấn đề sở hữu khi phần lớn chủ nhân các ngôi nhà rường đều là đồng thừa kế hoặc đại diện thừa kế, một số người đang sống trong nhà vườn không có quyền quyết định việc tham gia đề án. Nhiều chủ nhân có tâm lý ngại tham gia vì sợ sẽ không được tự do xử lý kiến trúc nhà trong tương lai. Một số nhà xin không tiếp tục tham gia đề án do kinh phí sửa chữa quá lớn.

Câu chuyện về nhà rường tiếp tục là đề tài nóng ở Thừa Thiên Huế. Với mong muốn đặt ra các mục tiêu, định hướng cho thương hiệu nhà rường Huế phát triển hơn nữa, cuối tháng 10/2021, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã tổ chức Hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu nhà rường Huế". Các chuyên gia cho rằng, cần có một kế hoạch hành động xây dựng thương hiệu, có thể bằng hình thức chỉ dẫn địa lý cho nhà rường Huế, hoặc nhãn hiệu tập thể. Trong đó cần thành lập Hiệp hội sản xuất, kinh doanh nhà rường Huế (gồm các nghệ nhân, các cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nhà rường, các chủ nhà rường) để làm chủ thể quản lý nhãn hiệu nhà rường Huế sau này. Tỉnh cần có kế hoạch khảo sát, xác định giá trị văn hóa lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của các nhà rường Huế tiêu biểu để đưa vào diện cần bảo tồn, đầu tư kinh phí để trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di sản nhà rường...

Nhiều chuyển động đáng ghi nhận khi bên cạnh thực hiện đề án "Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng", thành phố Huế đã có chín nhà vườn tham gia đề án tổ chức kinh doanh du lịch, phục vụ du khách. Cuối năm 2020, HÐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư tu bổ di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên với kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Công trình Châu Hương Viên sẽ được trùng tu có diện tích khoảng 300 m2, với các hạng mục: Nhà chính, nhà phụ, nhà vệ sinh, bình phong, sân nền, hàng rào cây xanh...

Theo TS Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, việc phát triển các sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn giá trị nhà rường truyền thống Huế là cần thiết, phù hợp điều kiện thực tế địa phương, góp phần phát huy giá trị các nhà rường cổ của Huế đang được trùng tu, chỉnh trang theo chính sách hỗ trợ của tỉnh. Từ đó tạo ra những điểm đến, sản phẩm mới góp phần phát triển ngành du lịch. Thời gian tới, Thừa Thiên Huế phải có chính sách quy hoạch bảo tồn, huy động các nguồn lực, liên doanh liên kết, phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch với doanh nghiệp du lịch để xây dựng tour, tuyến du lịch sinh thái gắn với tham quan, trải nghiệm nhà rường Huế ■

Bài và ảnh: Nguyễn Công Hậu