Xây dựng thiết chế văn hóa số

Bên cạnh các thiết chế văn hóa truyền thống, mạng xã hội đã hình thành nên những thiết chế văn hóa số góp phần không nhỏ trong bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, lịch sử và lưu giữ tri thức dân gian của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Trình diễn lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy của dân tộc Thái (Thanh Hóa).
Trình diễn lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy của dân tộc Thái (Thanh Hóa).

Ở huyện Bảo Thắng, tỉnh miền núi Lào Cai, trong cộng đồng người Dao, Hoàng Quốc Vinh được biết đến là người sáng lập kênh youtube "Dân tộc Dao Tuyển" thu hút hàng nghìn lượt theo dõi và hàng triệu lượt xem. Với gần 200 video chia sẻ nét đẹp văn hóa, cuộc sống đời thường, nghề thủ công, các nghi lễ trong đám cưới, cấp sắc, thờ cúng, trang phục truyền thống và ẩm thực độc đáo của dân tộc Dao Tuyển, kênh youtube của Vinh đã góp phần quảng bá và giới thiệu văn hóa của dân tộc Dao Tuyển nơi đây.

Những bài viết, đoạn ghi âm, ghi hình các bài dân ca, bài hát đối đáp, sử thi hay điệu múa của người Dao Tuyển, clip giới thiệu và hướng dẫn học chữ Nôm Dao… thu hút số lượng lớn người xem. Lựa chọn kênh youtube làm phương tiện quảng bá bản sắc dân tộc, nhiều youtuber như chị Tằng Thị Liên, người Dao ở Quảng Ninh sáng lập kênh youtube với hơn 700 video phản ánh đời sống của người Dao Thanh Y; ông Hoàng Văn Chiến, dân tộc Tày ở Lạng Sơn chủ nhân kênh "Hương sắc Xứ Lạng" với gần 500 video lan tỏa các giá trị văn hóa xứ Lạng,… đã góp phần xây dựng các kênh quảng bá bản sắc văn hóa của người dân tộc thiểu số, đồng thời vừa quảng bá di sản văn hóa vừa lưu giữ tri thức dân gian, trở thành kho tư liệu có ý nghĩa không chỉ với cộng đồng người bản địa mà cả đối với kho tàng di sản của Việt Nam.

Từ khi internet phát triển rộng rãi ở vùng dân tộc thiểu số, kết nối các thôn, bản, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, miền núi và thành thị, đời sống văn hóa và phong tục, tập quán, tín ngưỡng của các tộc người được giới thiệu và quảng bá mạnh mẽ. Nếu như bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao là những thiết chế văn hóa truyền thống, là nơi tổ chức các hoạt động gắn kết cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, thì mạng xã hội đang hình thành nên những thiết chế văn hóa mới, đó là thiết chế văn hóa số với sự phát triển mạnh mẽ của các trang fanpage, nhóm facebook, kênh youtube…

Ðây là sân chơi lớn trên không gian mạng, là kho tàng văn hóa, nơi cộng đồng các dân tộc trong và ngoài nước chia sẻ, giới thiệu, quảng bá về vùng đất, con người, văn hóa, tập quán dân tộc mình và mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế. Vượt qua giới hạn về biên giới, địa lý, các thiết chế văn hóa số trở thành không gian văn hóa mang tính toàn cầu với lượng người theo dõi đông đảo trên toàn thế giới, góp phần xây dựng môi trường văn hóa mang bản sắc tộc người theo một xu hướng mới, đồng thời củng cố ý thức cố kết cộng đồng, kết nối cư dân các quốc gia trên toàn thế giới, cùng đề cao và tự hào về bản sắc dân tộc.

Mặt tích cực của mạng xã hội là vượt qua giới hạn địa lý của vùng cao núi thẳm, những nơi xa xôi, hẻo lánh, mang cộng đồng người Mông, người Dao, người Thái, người Mường… giao lưu với xã hội mạnh mẽ hơn qua các trang, nhóm trên mạng xã hội. Theo thống kê, người dân tộc Thái có khoảng hơn 30 nhóm, trang mạng xã hội, có thể kể đến như facebook Người Thái (với 782 nghìn thành viên), Bản Thái, Vẻ đẹp dân tộc Thái; người Mông có hơn 20 trang mạng xã hội, trong đó nhóm Cộng đồng người Mông-Hmoob có hơn 181 nghìn thành viên, là nơi chia sẻ bản sắc văn hóa, phong tục truyền thống của người Mông.

Người Dao có gần 30 trang mạng trong đó nhóm Cộng đồng dân tộc Dao với hơn 190 nghìn thành viên hay Hội dân tộc Dao toàn quốc với hơn 24 nghìn thành viên chia sẻ, quảng bá phong tục tập quán, ẩm thực, lễ hội, di sản. Không chỉ hoạt động sôi nổi trên không gian mạng, họ mang văn hóa, ẩm thực, lễ hội xuống phố, ra khỏi cánh rừng, kết nối và phối hợp tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa lớn. Có thể kể đến Tết Mông xuống phố được cộng đồng người Mông đang sinh sống tại Hà Nội tổ chức hằng năm vào ngày đầu xuân; lễ hội Gầu tào của người Mông ở xã Pha Long (Lào Cai) thu hút người Mông ở nhiều nơi tham dự; lễ hội văn hóa du lịch Mường Lò là sự kiện góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc cộng đồng…

Theo thực tiễn phát triển của văn hóa, thiết chế văn hóa số đang góp phần thực hiện tốt các vai trò của thiết chế văn hóa, tham gia vào quá trình bảo vệ, gìn giữ di sản văn hóa, góp phần xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa bền vững, đề cao bản sắc văn hóa từng tộc người, trao truyền cho các thế hệ sau. Bên cạnh việc đầu tư, tu bổ, nâng cấp các thiết chế văn hóa truyền thống, việc nghiên cứu đầu tư cho xây dựng và phát triển "thiết chế văn hóa số" trên không gian mạng sẽ góp thêm một phương pháp mới trong bảo tồn các giá trị văn hóa, góp phần không nhỏ trong lưu giữ, bảo tồn, quảng bá kiến thức về văn hóa, lịch sử, phong tục, thúc đẩy sự trao đổi văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc. Thiết chế văn hóa này sẽ góp phần lưu giữ, bảo tồn kho tàng tri thức dân gian phong phú của các tộc người trong sự phát triển của thời kỳ hội nhập.