Tìm về hoa văn, họa tiết dân tộc

Trang phục của mỗi dân tộc có những hoa văn, họa tiết khác nhau, giúp phân biệt sắc thái các vùng miền trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Thế nhưng với Đặng Thái Tuấn, dự án "Số hóa thổ cẩm" không chỉ nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người dân tộc thiểu số mà còn là cách giải quyết vấn đề "sinh kế" cho mỗi hộ gia đình, giúp người dân tránh khai thác, tàn phá rừng, bảo vệ môi trường sinh thái nơi họ sinh sống.

Những em bé dân tộc Cơ Tu trong trang phục truyền thống.
Những em bé dân tộc Cơ Tu trong trang phục truyền thống.

Rất tình cờ tôi đọc được bài viết "Giáo dục mang tính kết nối" của Thái Tuấn trên một diễn đàn của UNESCO, để rồi khi gặp và qua các câu chuyện mà em kể, tôi thấy được rõ hơn tình cảm mà chàng trai người Đà Nẵng dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, cho những hoạt động mang tính xã hội như bảo tồn động vật hay nâng cao nhận thức về rác thải cho thanh niên tại thành phố nơi em đang sinh sống.

Tìm sinh kế cho người dân tộc thiểu số

Thông tin Thái Tuấn đang thực hiện dự án số hóa để bảo tồn và khai thác sử dụng họa tiết thổ cẩm của 53 dân tộc thiểu số Việt Nam khiến tôi đặc biệt chú ý nhưng thay vì nói về vấn đề này trực tiếp, em lại bắt đầu câu chuyện về công việc bảo tồn động vật mà em đã và đang thực hiện trước lúc dẫn dắt tôi đến câu hỏi ban đầu mà tôi đưa ra.

Tất cả bắt đầu từ khi Thái Tuấn còn nhỏ, vào thời điểm mà phong trào nuôi nhốt bò sát được du nhập vào thành phố Đà Nẵng. Việc buôn bán động vật hoang dã cũng mang lại một khoản lợi nhuận không hề nhỏ với một cậu học sinh cấp 2, trước khi em dần dần thay đổi về mặt nhận thức. Từ chỗ săn tìm các loài thuộc mục quan tâm, sắp nguy cấp và nguy cấp trong Sách đỏ, Thái Tuấn trở thành tình nguyện viên của Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh - GreenViet, rồi Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam (ENV) và Câu lạc bộ ENV Đà Nẵng (Một câu lạc bộ trực thuộc ENV). Lúc này, em đã nhận ra tầm quan trọng của mỗi loài vật trong một hệ sinh thái. Chúng không chỉ góp phần làm đa dạng hệ sinh thái đó mà còn góp phần phát huy giá trị bền vững trong hệ sinh thái, bởi một hệ sinh thái đa dạng sẽ là một hệ sinh thái bền vững.

Sau đó, để phòng, chống nạn săn bắt động vật hoang dã, Thái Tuấn đã khảo sát hơn 500 nhà hàng, khách sạn, các điểm buôn bán, nuôi nhốt và làm thịt động vật hoang dã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam.

Tuy nhiên, em có suy nghĩ rằng, việc giải quyết vấn đề tại điểm tiêu thụ động vật hoang dã chỉ mang tính chất ngắn hạn và tạm thời, cần phải xử lý từ nguyên nhân gốc rễ. Đồng bào dân tộc thiểu số lâu nay vẫn sống phụ thuộc vào rừng, họ coi việc khai thác sản vật là sinh kế. Theo Thái Tuấn, em đã đi và gặp nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng chỉ khi đến với người Cơ Tu tại huyện Tây Giang và sống ở đây gần ba tháng, em mới thấy được những khó khăn, vướng mắc mà người dân gặp phải.

Thái Tuấn tâm sự: "Từ việc được sống và "thưởng thức" văn hóa của họ đã tạo ra năng lượng tích cực, thôi thúc em chia sẻ tất cả với những người chung quanh. Ban đầu, em định sẽ giúp người đồng bào ở đây khai thác giá trị về mặt du lịch cảnh quan và bán các sản phẩm văn hóa địa phương. Thế nhưng, khi kết nối với anh Nguyễn Bá Hiển của Công ty cổ phần Ranvi, em nhận ra rằng, cả hai đều có chung suy nghĩ muốn hướng đến giải quyết vấn đề sinh kế của người đồng bào dân tộc. Và khi Ranvi đã có sản phẩm là cuốn sổ tay thổ cẩm, Thái Tuấn đã nảy ra ý tưởng "Tại sao lại không làm 53 cuốn sổ tay thổ cẩm của 53 dân tộc thiểu số?".

Số hóa thổ cẩm

Tại thời điểm đó, một sự tình cờ đáng kinh ngạc nữa cho Thái Tuấn sau khi có ý tưởng về số hóa thổ cẩm từ năm 2019, đó là sự gặp gỡ giữa em và Ranvi với đội ngũ của Ethnicity ở TP Bảo Lộc (Lâm Đồng). Ethnicity là dự án bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể mà cụ thể là lưu giữ họa tiết, hoa văn thổ cẩm của các dân tộc thiểu số thông qua việc số hóa. Mong muốn của các thành viên Ethnicity là tạo ra một thư viện số (ra đời vào tháng 7/2020) nhằm hỗ trợ cho việc bảo tồn và đưa các ứng dụng của hoa văn thổ cẩm truyền thống vào các ngành công nghiệp sáng tạo hiện đại.

Thông qua Ethnicity, với đội ngũ nhân lực chuyên môn về thiết kế, việc số hóa thổ cẩm không còn khó khăn với Thái Tuấn và Ranvi. Em cho biết, hai bên bổ sung và hỗ trợ nhau, khi sự kết nối của Ranvi giúp khâu tìm kiếm tư liệu trở nên dễ dàng hơn, trong lúc việc số hóa của Ethnicity lại giúp cho việc số hóa trở nên đơn giản đến bất ngờ.

Tuy nhiên, cuốn sổ tay thổ cẩm không đơn thuần chỉ là một cuốn sổ và một miếng vải mà còn chứa nhiều câu chuyện và nét văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc. Thái Tuấn cho biết, khi em được biết giá tiền của cuốn sổ tay, điều đầu tiên em nghĩ tới là giá quá cao, rất khó để một cuốn sổ tay đến được với khách hàng dễ dàng. Mặc dù vậy thì càng đi, con đường càng mở rộng. Việc sản xuất một cuốn sổ tay thổ cẩm bằng công nghệ và máy móc thì rất dễ nhưng đây không phải là con đường mà em và Bá Hiển chọn. Do vậy, để giải quyết vấn đề "sinh kế" mà em luôn trăn trở thì việc tạo dựng cho mỗi hộ gia đình một cơ hội để sản xuất ra sản phẩm thổ cẩm là cấp thiết, theo kiểu "mỗi nhà là một nhà máy, mỗi người dân là một nghệ nhân", bởi khi có được tiền, việc bảo tồn giá trị văn hóa sẽ được diễn ra và cũng một phần giúp cho người dân không phải vào rừng khai thác. Đồng thời khi đó sẽ giảm áp lực của con người tới hệ sinh thái.

Trước mắt, dự án số hóa của Thái Tuấn và Ranvi mới số hóa được hoa văn, họa tiết thổ cẩm của các dân tộc Cơ Tu, Mạ và Ê Đê. Ngoài tác động của dịch Covid-19, quá trình thực hiện số hóa cũng rất khó khăn, vì để tìm hiểu về thổ cẩm, Thái Tuấn và nhóm của mình phải gặp trực tiếp người dân thông qua những mối quan hệ sẵn có.

Một khó khăn nữa là mỗi dân tộc đều có từ hai đến ba loại thổ cẩm trở lên, do vậy, để tránh thiếu sót các loại họa tiết thì họ cũng cần thời gian để nghiên cứu. Như đã nêu trên, mỗi hoa văn thổ cẩm đều đi chung với một câu chuyện riêng biệt và đặc trưng khác nhau. Chẳng hạn như hoa văn của đồng bào Cơ Tu nếu không nói về họa tiết thì họ có điểm đặc trưng là hay dùng hạt cườm để đan thành các dạng hoa văn tượng trưng cho tình yêu (Ablơm) và hình bông hoa Atút.

Tôi đã hỏi Thái Tuấn về việc sắp xếp thời gian thực hiện các hoạt động xã hội với chuyện học tập như thế nào khi em đang là sinh viên ngành Công nghệ Sinh học tại Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng, giữ vai trò chủ nhiệm của ENV Đà Nẵng, hay đồng sáng lập Trạm Eco, một tổ chức thanh niên có mục đích nâng cao nhận thức về rác thải cho thanh niên tại thành phố Đà Nẵng, em thừa nhận có những áp lực nhưng không chỉ riêng dự án "Số hóa thổ cẩm" cùng với Ranvi hay việc học tập mà em cũng muốn thực hiện nhiều đầu việc khác khi cảm thấy mình đang có cơ hội.

Sau cùng thì như Thái Tuấn nói, giữa bảo tồn và số hóa, điểm chung của hai công việc đều nhằm phục vụ cho mục đích sống còn của con người. Không dân tộc nào không có văn hóa. Không con người nào không phụ thuộc vào tự nhiên, bởi chúng ta đang sống trên chính trái đất này. Vì thế, tầm quan trọng của môi trường sống và yếu tố văn hóa - cộng đồng là hết sức quan trọng.

Suy nghĩ của chàng trai mới 20 tuổi đó khiến tôi hiểu ra rằng vì sao UNESCO muốn lan tỏa câu chuyện của em về mối quan hệ mật thiết giữa giáo dục và bảo tồn văn hóa ra cộng đồng. Bởi để bảo tồn được giá trị văn hóa của người dân tộc thiểu số thì việc đầu tiên, đó là phải nâng cao chất lượng giáo dục của họ. Thế nhưng, Ranvi và Thái Tuấn không chọn con đường như thế, bởi sinh kế của người dân tộc thiểu số cũng quan trọng không kém. Khi họ có được tiền dựa vào cơ sở văn hóa của chính họ, bản thân họ sẽ thay đổi tư duy.

Chia tay tôi, Thái Tuấn tiết lộ rằng, mong mỏi của em và Bá Hiển là trong tương lai mỗi bản làng đều có một thư viện và là nơi để giáo dục - dạy học cho các em học sinh tiểu học tại khu vực đó. Và thực tế thì dự án "Thư viện sống động" của Ranvi Academy đã được thực hiện tại hai nơi: Tây Giang và tỉnh Đắk Lắk.