Tìm về chốn Tổ thiền Trúc Lâm từ những lát cắt khảo cổ

NDO -

NDĐT - Tưởng niệm 710 năm Ngày Đức Vua Trần Nhân Tông hóa Phật (1-11 âm lịch), chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhà khảo cổ học TS Nguyễn Văn Anh về những nghiên cứu khảo cổ trong khu vực chốn Tổ Thiền Trúc Lâm và Am Ngọa Vân nơi Đức Vua Trần Nhân Tông nhập Niết bàn.

Tháp Phật Hoàng tại chùa Ngọa Vân, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh.
Tháp Phật Hoàng tại chùa Ngọa Vân, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh.

Phóng viên: Là một nhà nghiên cứu đã giành tâm huyết điều tra, khai quật và nghiên cứu khảo cổ học hơn 10 năm qua tại các di tích chùa tháp của Thiền phái Trúc Lâm, và tìm hiểu quá trình tu luyện thành Phật của Đức Vua Trần Nhân Tông, Tiến sĩ có thể cho biết hành trình đó tiến hành như thế nào?

TS Nguyễn Văn Anh: Tháng 8-1299, Thượng hoàng Trần Nhân Tông (1279 -1293) rời bỏ cung Trùng Quang Phủ Thiên Trường (Nam Định) xuất gia vào núi Yên Tử tu hành khổ hạnh, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà và xưng là Trúc Lâm Đại Sĩ. Tháng 5 năm Đinh Mùi (1307), Trúc Lâm Đại Sĩ lên núi Bảo Đài, lập am nhỏ trên đỉnh Vân Phong làm nơi tu hành, am đó gọi là Am Ngọa Vân. Ngày 1-11 năm Mậu Thân (1308), Ngài “an nhiên viên tịch” ở tư thế sư tử nằm tại Am Ngọa Vân, kết thúc trọn vẹn quá trình tu hành, đắc đạo và hóa Phật của Ngài. Trong hành trình đó, Vân Yên, Tử Tiêu là nơi Ngài tu hành, đắc đạo, giảng pháp, độ tăng còn Ngọa Vân là nơi Ngài thành Phật.

Sau khi Trúc Lâm Đại Sĩ hóa Phật, đệ tử của Ngài là Pháp Loa đã tiến hành hỏa táng nhục thể của Ngài ngay tại Ngọa Vân, thu hơn 3.000 viên xá lợi. Tại Ngọa Vân, Pháp Loa cho dựng một tòa bảo tháp gọi là Phật Hoàng tháp làm nơi lưu giữ xá lợi, số còn lại đích thân Vua Trần Anh Tông rước về an trí trong bảo tháp chùa Tư Phúc, một ngôi chùa của Hoàng gia trong Hoàng cung Thăng Long.

Là nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu hành và hóa Phật, Ngọa Vân cũng chính là chốn Tổ của Thiền Phái Trúc Lâm. Do vậy, sau khi Ngài hóa, được sự trợ duyên của Vua Trần Anh Tông, Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm là Pháp Loa đã xây dựng và mở rộng Ngọa Vân thành một chốn tùng lâm. Nếu trước đây Ngọa Vân chỉ có một am nhỏ làm nơi tu thiền của Phật hoàng, thì đến thời điểm đó, Ngọa Vân đã trở thành một quần thể Chùa-Am với nhiều công trình kiến trúc chùa, tháp. Trong đó, Am Ngọa Vân là nơi thờ Đệ nhất Tổ Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Phóng viên: Theo Tiến sĩ, dấu vết về xá lợi của Phật hoàng Trần Nhân Tông hiện lưu ở đâu?

TS Nguyễn Văn Anh: Theo ghi chép của các nguồn sử liệu và những nghiên cứu gần đây cho biết, xá lợi của Phật hoàng được rước về an trí tại bảo tháp của chùa Tư Phúc trong Hoàng thành Thăng Long, sau đó được phân phát đi nhiều nơi, bao gồm: Bảo tháp ở Đức Lăng phủ Long Hưng, nay thuộc thôn Tam Đường, Hưng Hà, Thái Bình, nơi có một số lăng tẩm của các vua đầu triều nhà Trần; Bảo tháp Phổ Minh tại chùa Phổ Minh phủ Thiên Trường, nay là chùa Phổ Minh TP Nam Định; Tháp Báo Thiên bên hồ Lục Thủy (hồ Hoàn Kiếm); Tháp Tuệ Quang tại Hoa Yên (thường gọi là Tháp Tổ tại chùa Hoa Yên), nay thuộc Khu di tích danh thắng Yên Tử, TP Uông Bí, Quảng Ninh. Năm 1327 sau khi mở Quỳnh Lâm viện, một trung tâm đào tạo tăng tài lớn và quan trọng nhất của thiền phái Trúc Lâm, có hai tòa bảo tháp để lưu giữ xá lợi Phật hoàng tại Quỳnh Lâm và một phần được an trí tại bảo tháp chùa Tư Phúc.

Ngày nay, hầu hết các điển an trí xá lợi của Phật hoàng đều trở thành phế tích, có lẽ xá lợi còn lại được biết chính xác nhất là tại Tháp Phổ Minh. Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú có chép lại chuyện, khi quân Tây Sơn đánh ra ngoài bắc, quân sĩ phá chóp tháp để lấy đồng đúc vũ khí, khi phá đến tầng 11, họ phát hiện trong đó có một cái hòm. Khi mở, hòm phát tia sáng nên họ sợ để lại. Năm 1986, khi trùng tu Tháp Phổ Minh, lãnh đạo tỉnh có cho kiểm tra lại xem ghi chép lịch sử có đúng hay không? thì đã tìm thấy hòm xá lỵ ở tầng thứ 11 như ghi chép của sử cũ. Những người trực tiếp tham gia việc trùng tu cho biết, hòm được xích sắt và rất nhiều lớp, nhưng người ta không dám mở ra, vì vậy thực hư trong đó có gì và bao nhiêu lớp thì hiện nay cũng không ai biết.

Phóng viên: Một di tích quan trọng vốn là chốn Tổ không chỉ của Phật giáo Trúc Lâm mà là của Phật giáo Việt Nam nhưng sao đến nay vẫn ít người biết đến như vậy?

TS Nguyễn Văn Anh: Rất đáng buồn vì điều anh băn khoăn lại là thực tế. Ít người biết đến Ngọa Vân và Ngọa Vân nằm ở đâu, mặc dù việc tìm hiểu về Ngọa Vân đã từng là vấn đề quan trọng trong chương trình nghiên cứu về thời Trần và văn thời Lý - Trần của nhiều viện nghiên cứu chuyên ngành như Viện Khảo cổ học, Viện Văn học, Viện Mỹ thuật,v.v. liên quan đến vấn đề này cũng có nhiều ý kiến khác nhau, thậm trí là trái chiều, nhưng nhìn chung mọi ý kiến đều cho rằng Ngọa Vân là một am nhỏ nằm trong khu vực Yên Tử thuộc Uông Bí. Vấn đề là việc các nhà nghiên cứu tự khoanh cho mình giới hạn của Yên Tử xưa trong quan niệm của Yên Tử nay. Do vậy, người ta đã loại trừ các vị trí bên ngoài Yên Tử, kết quả không ai đưa ra được bằng chứng nào có tính thuyết phục về vị trí của Ngọa Vân, và Ngọa Vân vẫn là một khoảng trống không được lấp đầy và dần đi vào lãng quên, giới tu hành hầu như cũng không để tâm đến, ngoài nỗ lực của Hòa thượng Thích Thanh Từ. Bản thân Sư ông Thích Nhất Hạnh khi viết cuốn tiểu thuyết lịch sử Am mây ngủ, tức là về Am Ngọa Vân cũng nhầm lẫn khi cho rằng Am Ngọa Vân nằm ở đâu đó gần kề với Tử Tiêu, Vân Yên.

Phóng viên: Tại sao vấn đề Ngọa Vân dường như chìm vào quên lãng trong một thời gian dài lại khiến TS quan tâm một cách nhiệt thành đến vậy? Và bằng chứng nào có thể khẳng định Ngọa Vân chính là nơi Trần Nhân Tông lập am tu hành và hóa thân?

TS Nguyễn Văn Anh: Có nhiều người cũng hỏi tôi câu hỏi tại sao anh lại quan tâm đến Ngọa Vân, thực lòng tôi cũng không biết là tại sao. Có lẽ đó là cơ duyên của tôi. Năm 2007, sau sáu năm tốt nghiệp cử nhân ngành khảo cổ học và về công tác tại Viện Khảo cổ học, lần đầu tiên tôi được giao nhiệm vụ chủ trì một cuộc khai quật, tất nhiên là cuộc khai quật thăm dò thôi. Viện giao cho tôi chủ trì khai quật thăm dò di tích Thái Lăng là lăng tẩm của vua Trần Anh Tông. Trong quá trình khai quật tại đây, tôi được nghe mọi người nói về chùa Ngọa Vân. Thực lòng tôi cũng không chú ý lắm vì có lẽ lúc ấy với tôi chùa Ngọa Vân cũng như bao chùa khác. Tôi chưa có khái niệm gì về Ngọa Vân. Rồi tôi được giao thêm nhiệm vụ khai quật thăm dò Di tích chùa Quỳnh Lâm. Chùa Quỳnh Lâm là một đại danh lam trong lịch sử, nổi tiếng bởi chùa có tượng Phật Di Lặc là một trong An Nam tứ khí. Không chỉ có vậy, Quỳnh Lâm là trung tâm đào tạo tăng tài lớn và quan trọng nhất của Thiền phái Trúc Lâm dưới thời Trần, thế kỷ 13. Khai quât một di tích quan trọng như vậy quả là quá sức đối với tôi, vì thế tôi phải tập trung để đọc tư liệu, khảo sát và tìm hiểu các di tích liên quan và tôi bắt đầu chú ý đến Ngọa Vân.

Cuối năm 2007, tôi được giao tiến hành điều tra khảo cổ học Di tích Hồ Thiên-Ngọa Vân, cuộc điều tra được tiến hành trong ba tháng, từ tháng 11-2007 đến tháng 2-2008, chúng tôi kết thúc cuộc điều tra và trở về Hà Nội vào ngày 27 tháng Chạp. Trước khi chia tay về Hà Nội, chúng tôi có tranh thủ báo cáo vắn tắt kết quả cuộc điều tra với ông Nguyễn Văn Lương, Phó Chủ tịch UBND huyện (nay là thị xã) Đông Triều, người phụ trách mảng văn xã và cũng là người thầy luôn đưa ra những đòi hỏi và phản biện lại những ý tưởng cũng như nhận định của tôi về các di tích tại Đông Triều. Khi chia tay, tôi hứa với ông Phó Chủ tịch là tôi sẽ viết một bài để công bố kết quả của cuộc điều tra.

Về Hà Nội, sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, ông Lương có gọi báo cho tôi về bài viết của tác giả Trần Ngọc Linh công bố phát hiện Am Ngọa Vân tại Yên Tử. Ông bảo, nên xem lại kết quả điều tra vừa qua để có ý kiến chính thức về mặt khoa học. Đọc xong bài của tác giả Trần Ngọc Linh trên Vietnamnet, tôi bắt tay vào viết bài trao đổi trên Vietnamnet với tựa đề: Am Ngọa Vân ở đâu trên dãy núi thiêng Yên Tử. Thế là hoàn thành nhiệm vụ, Ngọa Vân cũng tạm được gác lại. Tháng 3-2008, tôi đã bắt tay vào việc khai quật Di tích Thái Lăng. Bỗng một hôm tôi nhận được cuộc điện thoại. Đầu dây là một người đàn ông, giọng nói ấm áp giới thiệu: “Anh là Trần Cẩm, đạo diễn của phòng Phim tài liệu khoa học, Đài Truyền hình Việt Nam. Anh đọc bài của em trên Vietnamnet về Am Ngọa Vân, muốn gặp em để bàn có thể dựng một bộ phim tài liệu”. Lần thứ nhất các anh đến gặp nhưng không báo trước nên hai bên không gặp được nhau do tôi về Hà Nội. Lần thứ hai, hai bên gặp nhau tại Đông Triều. Việc quay bộ phim Hành trình đi tìm nơi vua hóa Phật được thực hiện trong bối cảnh không có kịch bản như vậy. Ngồi dựng phim chúng tôi mới chợt nhận ra năm 2008 là tròn 700 năm ngày Trần Nhân Tông hóa Phật, có lẽ đó là một cơ duyên nữa khiến tôi gắn bó với Am Ngọa Vân.

Tháng 10-2008, tại Hội thảo khoa học Đông Triều với Lịch sử nhà Trần, tôi chính thức công bố kết quả nghiên cứu đầu tiên của mình về Ngọa Vân với tựa đề “Chùa Ngọa Vân qua các tư liệu khảo cổ học”. Trong bài viết đó, tôi cung cấp ba cứ liệu quan trọng: Cứ liệu về lịch sử địa lý để thấy không gian Yên Tử theo cách hiểu trước đây rộng lớn hơn nhiều so với cách hiểu ngày nay, theo đó, Yên Tử sơn là một không gian rộng lớn tương đương với một phần vòng cung Đông Triều từ Uông Bí đến Côn Sơn.

Cứ liệu thứ hai là tư liệu thư tịch liên quan đến Ngọa Vân, trong đó quan trọng nhất là những ghi chép trong sách Tam tổ thực lục và Văn bia Viên thông tháp bi, cuối cùng là các bằng chứng khảo cổ học phát hiện tại di tích bao gồm di tích và di vật. Tại chùa Ngọa Vân thuộc Đông Triều, các di tích đều gắn với địa danh Ngọa Vân như: Chùa Ngọa Vân, Am Ngọa Vân,v.v. Cũng tại đây còn lại Tháp Phật Hoàng, trong tháp đặt bài vị cho biết, tháp thờ vua thứ ba của nhà Trần, Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm Trần Nhân Tông hoàng đế. Mặc dù đây là tòa tháp được xây dựng lại vào năm 1707 nhưng Văn bia trùng tu Ngọa Vân tự ở đây cho biết, tháp được xây dựng lại do sau 400 năm ngày đức vua đến đây tu hành hóa Phật thì các công trình đã bị đổ nát. Văn bia còn khắc lại nội dung sắc chỉ của Chúa Trịnh giao cho dân xã An Sinh là dân tạo lệ, có nhiệm vụ trông nom thờ phụng các lăng tẩm của vua Trần và chùa Ngọa Vân. Đặc biệt, tại đây còn tìm thấy một số viên ngói mũi sen thời Lê Trung Hưng trên lưng in nổi hai chữ Hán “雲峯 (Vân Phong)”. Vân Phong là tên gọi khác của Ngọa Vân, cách gọi này được ghi chép trong Tam tổ thực lục.

Trước những bằng chứng quan trọng đó, hầu hết các nhà khoa học tham gia Hội thảo đã thống nhất với kết luận: “Ngọa Vân, nơi đức vua Trần Nhân Tông tu hành và hóa Phật, nay là chùa Ngọa Vân thuộc địa bàn hai xã An Sinh và Bình Khê của huyện (nay là thị xã) Đông Triều”. Kết luận này đã chấm dứt cuộc tranh luận về vị trí của Am Ngọa Vân .

Phóng viên: Hiện cơ quan nào đang chịu trách nhiệm chính trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản đặc biệt này ?

TS Nguyễn Văn Anh: Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận chùa Ngọa Vân và 13 di tích lăng tẩm, đền miếu và chùa tháp khác trong Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Công tác quản lý các di tích này được phân cấp cho thị xã Đông Triều trực tiếp quản lý. Để làm tốt công tác quản lý, một mặt thị xã Đông Triều đã thông qua đề án Quản lý bảo tồn, tôn tạo di tích và danh thắng trên địa bàn thị xã từ năm 2014 đến 2020 và tầm nhìn 2030 với trọng tâm là Khu di tích nhà Trần; thành lập Ban quản lý di tích nhà Trần để thực hiện công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị. Mặc dù đã rất cố gắng nhưng công tác quản lý bảo tồn các di tích nhà Trần nói chung và di tích Ngọa Vân nói riêng còn gặp nhiều khó khăn và cần tiếp tục được tỉnh và Trung ương quan tâm.

Phóng viên: Xin cảm ơn TS Nguyễn Văn Anh và mong rằng, cá nhân ông cùng ngành khảo cổ sẽ tiếp tục có những nghiên cứu, phát hiện mới, giúp mọi người hiểu rõ hơn về một dòng phái Phật Việt Nam mang tên Trúc Lâm Yên Tử.