Quản lý di tích cần chặt chẽ, sâu sát từ cơ sở

Vừa qua, chỉ trong vòng 15 ngày (cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2021), UBND tỉnh Thanh Hóa đã phải ra hai quyết định hủy bỏ quyết định xếp hạng đối với hai di tích lịch sử và lịch sử-văn hóa cấp tỉnh, do các di tích này đã xây dựng mới, bị hủy hoại không thể phục hồi về giá trị ban đầu.

Từ nhà gỗ 3 gian nay Nhà thờ họ Lê Hữu trở thành ngôi chùa bằng bê tông cốt thép 3 tầng.
Từ nhà gỗ 3 gian nay Nhà thờ họ Lê Hữu trở thành ngôi chùa bằng bê tông cốt thép 3 tầng.

Ngày 12/11, bằng Quyết định 4539/QĐ-UBND, UBND tỉnh Thanh Hóa hủy bỏ xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Nhà thờ họ Lê Hữu (phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa), một di tích có 400 năm tuổi (được xếp hạng đầu năm 2009), nhưng đã xây dựng mới hoàn toàn. Trước đó, ngày 28/10, UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định 4294/QĐ-UBND hủy bỏ xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh đối với chùa Bạch Tượng (xã Nga Giáp, huyện Nga Sơn, di tích được xếp hạng năm 2006), với lý do tương tự.

Việc hủy xếp hạng di tích đối với hai trường hợp nêu trên là rất cần thiết, thể hiện sự kiên quyết của chính quyền cấp tỉnh, là bài học kinh nghiệm nhưng đau xót cho các di tích khác manh nha ý định vi phạm tương tự. Luật Di sản văn hóa hiện hành quy định: di tích đã được xếp hạng mà sau đó có đủ căn cứ xác định là không đủ tiêu chuẩn hoặc bị hủy hoại không có khả năng phục hồi thì người có thẩm quyền quyết định có quyền ra quyết định hủy bỏ xếp hạng đối với di tích đó.

Song, phía sau việc các di tích bị đưa ra khỏi danh sách xếp hạng này cũng đặt ra nhiều vấn đề cho các cơ quan quản lý cần suy nghĩ, điều chỉnh. Chính quyền cấp tỉnh ra quyết định xếp hạng di tích, trước tiên là nhằm khẳng định giá trị, tôn vinh di sản của các bậc tiền nhân trao truyền lại cho thế hệ hôm nay và mai sau. Sau nữa, xếp hạng di tích là để chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, người dân có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị dựa trên tính nổi bật, tính toàn vẹn, chân xác của di tích. Thế nhưng, ở một số địa phương cấp dưới, sau khi di tích được xếp hạng lại không gắn chặt với trách nhiệm quản lý, bảo vệ, dẫn đến di tích bị biến dạng, thậm chí bị hủy hoại các yếu tố gốc, giá trị lịch sử-văn hóa của di tích.

Có một thực tế là ở một số địa phương, chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng dường như “án binh bất động” suốt quá trình trùng tu di tích có vi phạm đã kéo dài cả năm. Để đến khi nó đưa vào sử dụng, phải đau xót nhận quyết định “khai tử” di tích. Điều này có lý do từ việc cán bộ quản lý ở cơ sở không sâu sát, không nắm được tâm tư nguyện vọng của người dân để giải thích, tuyên truyền Luật Di sản văn hóa cho họ.

Trên phạm vi cả nước, có 119 di tích quốc gia đặc biệt, 3.581 di tích quốc gia, 10.755 di tích cấp tỉnh. Hiện nay, công tác quản lý di tích đang có rất nhiều vấn đề về nhân lực, nguồn lực, kinh phí… đặc biệt là nhận thức. Nguồn kinh phí chính thống từ ngân sách eo hẹp, trong khi nguồn vốn xã hội hóa (do dân đóng góp) nhanh và nhiều, cùng với nhận thức, hiểu biết hạn chế về Luật Di sản văn hóa của người dân, chính quyền cơ sở đã khiến việc trùng tu, tôn tạo làm biến dạng di tích xảy ra phổ biến. Nguồn vốn xã hội hóa càng nhiều thì các công trình trùng tu, tôn tạo và cả công trình mới trong di tích càng hoành tráng, bề thế và càng làm biến dạng di tích. Việc trùng tu, tôn tạo bằng nguồn xã hội hóa nhưng thiếu hiểu biết về công tác gìn giữ và tôn vinh di sản đã vô hình trung biến sự cổ kính trang nghiêm của di tích thành lòe loẹt phô trương, gây bức xúc xã hội.

Muốn gìn giữ, bảo vệ di tích đúng yêu cầu của Luật Di sản văn hóa, cần thay đổi nhận thức, đồng thời phải nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động bảo quản, tu bổ, tôn tạo thật sự chặt chẽ hơn ở địa phương, cơ sở; phải có cơ chế quản lý và quy định cụ thể đối với các cá nhân về chuyên môn tại những di tích đã được xếp hạng. Cách thức quản lý di tích theo lối quản lý hành chính, tức là trên văn bản báo cáo hiện nay, cần phải được thay đổi.

Tại Hội thảo “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững” vừa diễn ra cách đây mấy ngày, ngành văn hóa đã nhấn mạnh nhiệm vụ: nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý và chất lượng hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích; kịp thời chấn chỉnh và xử lý sai phạm, không để gây bức xúc trong dư luận xã hội; tập trung nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa trong năm 2022 để hoàn thiện hơn nữa hành lang pháp lý, đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn công tác quản lý nhà nước và phát triển sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Hy vọng khi những nhiệm vụ này được triển khai đồng bộ, quyết liệt trong thời gian tới, chúng ta không còn phải thấy thêm những quyết định “khai tử” di tích nữa.