Phát hiện nhiều di vật khảo cổ trong Vườn quốc gia Ba Bể

NDO -

Khảo sát một số hang động nằm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn đã phát hiện nhiều di vật quý thể hiện dấu tích, sinh hoạt của người tiền sử. 

Các nhà khảo cổ khảo sát một trong các hang động nằm ở vùng lõi Vườn quốc gia Ba Bể.
Các nhà khảo cổ khảo sát một trong các hang động nằm ở vùng lõi Vườn quốc gia Ba Bể.

Hang Thẳm Khít là một trong các địa điểm nằm ở vùng lõi của Vườn quốc gia Ba Bể, được các nhà khảo cổ học lựa chọn để khảo sát, tìm hiểu… Tại đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện 54 hiện vật quý có thể trưng bày. Trong đó, nổi bật là bộ công cụ đá cuội ghè đẽo, bộ công cụ rìu thô, mảnh tước…

Căn cứ vào kỹ thuật chế tác, loại hình công cụ và địa tầng phát hiện, các nhà khảo cổ học bước đầu xác định, hang Thẳm Khít là di tích cư trú của người tiền sử, thuộc giai đoạn hậu kỳ đá cũ, cách ngày nay gần 20 nghìn năm.

Ngoài hang Thẳm Khít, các nhà khảo cổ còn khảo sát tại một số địa điểm như: Động Nả Phòng, hang Thẳm Mìa, hang Ba Cửa và phát hiện gần 100 hiện vật quý với niên đại từ 2.000 đến 20 nghìn năm về trước.

Theo các nhà khảo cổ học, những hiện vật quý vừa được phát hiện tại khu vực Vườn quốc gia Ba Bể hay tại một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh trong vài năm trở lại đây đã khẳng định, Bắc Kạn là một trong số những địa danh có vết tích hoạt động, sinh hoạt của người tiền sử. Do đó, việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa, nhân văn của các di khảo cổ học này là rất cần thiết.

Việc phát hiện này không chỉ có ý nghĩa quan trọng với ngành khảo cổ mà nó còn là tiền đề, mở ra cơ hội để quảng bá, xây dựng thành sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách khi đến tham quan, trải nghiệm tại khu du lịch Ba Bể.