Nâng tầm làng nghề truyền thống

“Quạt này ngoài giấy trong xương/ Đã cầm lấy quạt thì thương lấy người”, câu ca dao ấy đã đưa tôi về với Chàng Sơn, một làng nghề thuộc xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội, nổi danh với nghề làm quạt giấy được lưu giữ từ xa xưa tới tận ngày nay. Trong đời sống hiện đại, vai trò của quạt giấy đã có sự chuyển đổi từ quạt mát sang trang trí mỹ nghệ, đạo cụ nghệ thuật… và vươn ra khỏi thị trường trong nước, tiếp cận với nhiều quốc gia trên thế giới.

Các nghệ nhân Chàng Sơn đã đưa chiếc quạt, một vật dụng sinh hoạt trở thành các tác phẩm mỹ nghệ trang trí và đạo cụ biểu diễn nghệ thuật.
Các nghệ nhân Chàng Sơn đã đưa chiếc quạt, một vật dụng sinh hoạt trở thành các tác phẩm mỹ nghệ trang trí và đạo cụ biểu diễn nghệ thuật.

Theo lời các bậc cao niên trong làng kể lại, nghề làm quạt giấy Chàng Sơn có gần 200 năm nay. Từ thế kỷ 19, quạt Chàng Sơn đã nức tiếng khắp vùng, từng được người Pháp đem sang Paris triển lãm. Thời phong kiến, người làm quạt giỏi còn được tôn vinh,  phong chức bá hộ, một phẩm hàm của giới hào lý hoặc những người giàu có. 

Đến thời bao cấp, xã Chàng Sơn chuyên sản xuất quạt giấy cho Nhà nước. Nhờ đó, tinh hoa nghề truyền thống có cơ hội tỏa khắp muôn nơi. Ở giai đoạn chuyển sang cơ chế thị trường, quạt giấy nước ngoài sản xuất được nhập vào ồ ạt khiến làng nghề gặp nhiều khó khăn, bao người thợ lành nghề phải chuyển sang công việc mưu sinh khác.
 
Chân dung người giữ nghề…

Trong giai đoạn nghề làm quạt Chàng Sơn gặp nhiều khó khăn khi chuyển đổi sang cơ chế thị trường, thật may làng còn có nghệ nhân Dương Văn Mơ (sinh năm 1935) vẫn bền bỉ giữ nghề, ấp ủ tâm huyết phục hồi. Cụ Mơ dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu một số mẫu quạt cổ, trong đó có nhiều mẫu bị mối mọt, cụ sửa chữa, phục chế lại. 

Cũng trong thời gian đó, có người tìm đến làng nghề, nhờ cụ làm chiếc quạt rộng 1,8 m. Cụ nhận lời ngay, bắt tay vào làm chiếc quạt từ những chất liệu dân gian: Mây, tre, giấy dó có vẽ tranh. Khi sản phẩm được hoàn thành, vị khách tỏ ra rất hài lòng. Tiếng lành đồn xa, sau đó ít lâu, đền thờ làng Bùng (Thạch Thất, Hà Nội) mời cụ phục chế  chiếc quạt thờ đã bị mối mọt để dân làng thực hiện các nghi thức tín ngưỡng trong nhiều dịp lễ hội. 

Nghệ nhân Dương Văn Mơ nhớ lại, đó là những ngày tháng đầy kỷ niệm và cảm xúc đặc biệt. Suốt quá trình phục chế lại chiếc quạt cổ, cụ được lắng nghe biết bao câu chuyện hay về một làng quê truyền thống, về những giai đoạn phát triển thăng hoa và biến động như những cơn gió ào qua miền quê yên bình. Cuối cùng, mọi giá trị tinh hoa và lắng sâu nhất vẫn còn ở lại, điều đó khiến cụ có cảm giác nhẹ nhõm và tận tụy đóng góp. 

Cùng với việc phục chế quạt, cụ Mơ còn nhận làm quạt thủ công mỹ nghệ theo đơn đặt hàng của các công ty du lịch; làm quạt the, quạt lượt cho các đoàn nghệ thuật và phục vụ hội lễ; đặc biệt còn có cả quạt tranh, một loại quạt do cụ sáng tạo ra nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khách hàng và đa dạng hóa mẫu mã mặt hàng quạt của gia đình. Bên cạnh đổi mới trong mẫu mã, chủng loại… nguyên liệu làm quạt cũng được cụ Mơ cải tiến để vừa giảm giá thành sản phẩm mà vẫn giữ được những nét rực rỡ, tinh xảo đặc trưng của quạt Chàng Sơn.

Chiếc quạt được xác lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam dài 9 m, cao 4,5 m của cụ Mơ và các nghệ nhân làm chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội năm 2010 đã đưa thương hiệu quạt Chàng Sơn đến với người dân mọi miền Tổ quốc và du khách nước ngoài. Trong lễ hội phố hoa chào xuân 2009, du khách mọi miền trầm trồ thán phục trước vẻ đẹp lộng lẫy, sắc nét của chiếc quạt này. 

Để làm ra chiếc quạt khổng lồ ấy, mấy bố con nghệ nhân Dương Văn Mơ bỏ công sức hơn một tháng trời. Riêng phần vẽ bức tranh phiên chợ cổ Hà Nội trên giấy quạt đã mất tám ngày, 11 thanh nan quạt được xẻ từ một khúc gỗ chò lớn. Thêm vào đó, nghệ nhân phải dùng tới 30 tấm giấy nện rộng 1,6 m, dài 1,8 m và gần 20 cây tre cao chừng 10 m để dựng giáo mà làm. Sau tiếng vang của chiếc quạt khổng lồ, thành phố Huế còn đặt nghệ nhân làm sáu chiếc quạt cỡ lớn.
 
Năm 2018, do tuổi cao sức yếu, nghệ nhân Dương Văn Mơ đã qua đời. Trong gia đình có năm người con của cụ, hiện chỉ có nghệ nhân Dương Văn Đoàn là người duy nhất nối nghiệp cha. Ông tiếp tục công việc thổi hồn cho những chiếc quạt giấy, quạt lụa. Gia đình ông  là cơ sở uy tín ở Chàng Sơn chuyên làm quạt trang trí với kích thước rất lớn, tranh quạt in trên lụa hoặc mây tre. 

Ông Đoàn thường tự vẽ trang trí trên mặt giấy, khi thì cảnh hồ Gươm, khi thì cảnh đồng lúa thẳng cánh cò bay đặc trưng cho làng quê Việt. Những bức tranh sơn dầu trên quạt của nghệ nhân Dương Văn Đoàn hút hồn người chiêm ngưỡng bởi nét vẽ tài hoa, bay bổng, ý tưởng độc đáo và nan quạt cũng được chế tác thật kỳ công. Những chiếc quạt không còn là sản phẩm thông thường mà trở thành một tác phẩm đầy tính nghệ thuật. Ít ai biết rằng, để đạt đến trình độ như bây giờ, ông Đoàn không chỉ dựa vào tài năng thiên phú mà quan trọng nhất là đã trải qua quá trình gian nan, tự học hỏi, vẽ tranh, viết chữ thư pháp từ người cha nghệ nhân quá cố và kiên trì tập luyện trong suốt thời gian dài để mỗi bức vẽ trở nên mãn nhãn. 

Nhiều tác phẩm do chính tay ông sản xuất đã chinh phục các thị trường khó tính, có truyền thống lâu đời về quạt nghệ thuật, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… Ngoài ra, nhiều tác phẩm quạt nghệ thuật của gia đình ông cũng đã tiếp cận thị trường Pháp, Đức, Thái Lan… và bước đầu mang lại những thành quả nhất định thể hiện qua đơn đặt hàng lên tới gần chục nghìn chiếc.

Hội nhập và phát triển

Về thăm Chàng Sơn bây giờ, sẽ gặp cảnh nhà nhà làm quạt, người người làm quạt. Len lỏi vào từng con ngõ nhỏ, du khách sẽ thấy đầy quạt giấy cùng những bó tre tươi hong phơi thành hàng thành lối. Mầu sắc, thanh âm, đường nét của một làng nghề hiện ra rõ rệt, tươi vui. Có nhiều loại quạt được người Chàng Sơn làm ra, từ quạt giấy, quạt ghép, quạt the, quạt thư pháp cho đến quạt lụa... Nổi tiếng và đặc trưng nhất cho làng nghề Chàng Sơn vẫn là quạt the. Đây là loại quạt truyền thống không chỉ được xuất bán cho thương lái đưa đi khắp các vùng miền trên cả nước mà còn đến được với du khách quốc tế ở các điểm du lịch, xuất khẩu sang nước ngoài.

Nguyên liệu cơ bản để làm nên một chiếc quạt giấy hay quạt the đều gồm: tre, giấy, vải, hồ nếp. Khâu chọn lựa và xử lý nguyên liệu thật sự cần tới con mắt tinh tường và đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân. Những cây tre phải dẻo, đủ già, không mối mọt được cắt thành ống, cạo tinh xanh, lấy dao tách cật ra, gắn sơn vào giữa hai thanh tre. Sau đó, các thanh tre được bó chặt lại vài tháng, đến khi khô sơn mới vót được thành nan quạt. 

Xưa kia, Chàng Sơn chủ yếu dùng giấy dó của Bắc Ninh. Ngày nay, giấy dó hiếm và giá  cao, nên quạt Chàng Sơn chủ yếu được chế tác từ loại giấy Bãi Bằng để mộc hay nhuộm mầu, tạo vẻ sặc sỡ, tươi vui cho những chiếc quạt xoè trong ngày lễ hội. Khi vào giấy cho nan quạt phải thật khéo léo, tỉ mỉ, sao cho giấy không bị nhàu, nếp gấp phẳng, đều, tiện cho công việc vẽ tranh. Loại quạt vẫn bán tốt trên thị trường là quạt the dùng để các nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật và dịp lễ hội. 

Thời bao cấp, nghệ nhân Chàng Sơn từng sử dụng the của làng Vạn Phúc và lượt của làng Bùng bên cạnh. Song kỹ thuật dệt của hai làng này lại tạo nên mặt vải hơi thưa, không thích hợp lắm với việc làm quạt. Loại nguyên liệu ngày nay được nghệ nhân sử dụng là voan nhập khẩu, mua buôn từ chợ Đồng Xuân. Thông thường, những chiếc quạt giấy đơn giản tại làng Chàng Sơn có giá khoảng 5.000 đồng một chiếc, còn quạt biểu diễn kiểu cách, điệu đà hơn có đường diềm cầu kỳ giá khoảng 20.000 đồng/chiếc. 

Tại xưởng quạt giấy của gia đình bà Nguyễn Thị Tuấn (sinh năm 1960) ở xóm Đình, những chồng quạt giấy được bó thành từng xấp, xếp gọn gàng trong các góc nhà. Khác với xưởng quạt khác, hộ nhà bà Tuấn chuyên làm quạt đặt theo yêu cầu để quảng cáo in logo hình ảnh, làm quà tặng, quảng bá sự kiện, nhãn hàng, giới thiệu sản phẩm kinh doanh... hoặc treo tường. 

Con trai bà Tuấn là kiến trúc sư Nguyễn Giang đã nghĩ ra cách “thổi hồn” vào chiếc quạt, thay đổi công năng, biến chúng thành những sản phẩm nghệ thuật  mỹ thuật, dùng làm vật trang trí, đồ lưu niệm, sản phẩm văn hóa, du lịch, thậm chí trở thành một “phương tiện truyền thông”… bắt nhịp với xã hội đương đại. Kết hợp giữa truyền thống và cách tân hợp với nhu cầu thực tế, cộng với tận dụng công nghệ thông tin trong việc quảng bá sản phẩm. 

Sản phẩm quạt của gia đình bà đã xuất hiện trong những ngôi nhà hiện đại dưới hình thức của bức tranh sinh động, trong các hội nghị quan trọng, lễ ra mắt, khánh thành dưới dạng “thư mời”, hay len lỏi vào các tour du lịch bằng sản phẩm văn hóa… Vài năm gần đây, những miếng vải vụn từ các nhà may thừa ra cũng được tận dụng làm thành quạt. Bà Tuấn chia sẻ: “Ở làng, có nhiều gia đình sống chủ yếu bằng nghề này, thậm chí làm giàu với nghề. Có những xưởng lớn thuê vài chục nhân công làm việc liên tục, mỗi ngày xuất ra thị trường cả chục nghìn chiếc. Đó là một niềm vui lớn đối với chúng tôi và cũng mang lại niềm hy vọng sau bao thăng trầm của nghề làm quạt”.

Tôi đã có nhiều năm miệt mài chụp ảnh về các loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền. Trong ký ức ấy, thật khó quên kỷ niệm  những dịp các nhà hát chèo xuống sân đình Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) diễn cho khách nước ngoài xem. Không chỉ biểu diễn, các nghệ sĩ còn dạy du khách múa những điệu múa cổ. 

Lúc ấy, chiếc quạt Chàng Sơn phô hết vẻ đẹp với mầu sắc hài hòa, khi diễn viên che mặt vẫn có thể nhìn thấy đường nét mờ mờ qua lụa và những hoa văn cầu kỳ trên quạt thu hút mọi ánh nhìn. Đã là quạt Chàng Sơn, đến tiếng gập cũng đanh. Những người nghệ sĩ khi biểu diễn thường chỉ sử dụng chiếc quạt của chính mình… Không thể phủ nhận, những chiếc quạt hiện đại đã chiếm ưu thế và không gian đáng kể trong đời sống hiện nay. 

Tuy nhiên, ở những lễ hội, hoạt động văn hóa nghệ thuật, trưng bày, triển lãm, trang trí… vẫn không thể thiếu đi sự xuất hiện của quạt giấy. Vẻ đẹp thanh thoát mà lộng lẫy của quạt giấy luôn chứa đựng những thông điệp sâu lắng từ ký ức, đồng thời góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. 

Trong câu chuyện về nghề làm quạt, nghệ nhân Dương Văn Đoàn chia sẻ, Chàng Sơn vừa trải qua giai đoạn rất khó khăn vì dịch Covid-19. Dù vậy, ông và những người làm nghề vẫn ấp ủ ước mơ mở trung tâm vẽ quạt cho khách tại làng; cải tiến làm quạt to trên toan vải thay cho quạt giấy để bảo đảm độ bền, đẹp. Để đưa ước mơ sớm trở thành hiện thực, các nghệ nhân còn lại của làng vẫn lặng lẽ vừa giữ nghề, vừa tự học nâng cao. Hình ảnh làng quê, chùa chiền, miếu mạo, ruộng đồng… vẫn hiển hiện dưới bàn tay tài hoa như phác nên một vùng ký ức làng quê Việt thật êm đềm, sâu thẳm.