Lên phương án khôi phục bia đá chùa Thổ Hà

NDO -

Ngày 8/10, Đoàn công tác của Bảo tàng quốc gia Việt Nam do Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, thành viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, làm trưởng đoàn đã về chùa Thổ Hà nghiên cứu, lên phương án khôi phục bia đá hơn 300 năm tuổi bị vỡ trong quá trình di chuyển để nâng nền chùa.

Đoàn công tác nghiên cứu hiện trạng bia đá bị vỡ.
Đoàn công tác nghiên cứu hiện trạng bia đá bị vỡ.

Đoàn công tác đã nghiên cứu tỉ mỉ tình trạng vỡ nát, hư hại của bia đá; làm việc với lãnh đạo UBND huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, là đơn vị chủ đầu tư dự án tôn tạo chùa Thổ Hà, Tiến sĩ Phạm Quốc Quân khẳng định, hiện vật bia đá chùa Thổ Hà có giá trị lớn về văn hóa lịch sử.

Trong quá trình thi công, các bên liên quan đã không đánh giá hết về sự hư hại của bia đá đã bị om vỡ từ bên trong cho nên để xảy ra việc đáng tiếc. Về cơ bản, hiện nay phải nâng phần chân bia đá lên và cố định chắc chắn trên đế bia rồi mới có thể tiến hành khôi phục.

Việc khôi phục cần có sự tham gia của những nghệ nhân có kinh nghiệm, có trình độ cao để có thể giữ được bia đá một cách nguyên bản nhất. Không nên di chuyển bia đá ra vị trí khác như trong thiết kế ban đầu mà cần giữ nguyên vị trí của bia đá như hiện nay. Sau khi khôi phục xong cần xây dựng nhà bia để bảo quản tốt hơn.

Lên phương án khôi phục bia đá chùa Thổ Hà -0
 Cấu kiện gỗ trạm đục tinh xảo được đưa vào phục dựng tại chùa.

Đoàn công tác đánh giá cao tinh thần cầu thị của lãnh đạo huyện Việt Yên trong việc bảo quản nguyên trạng hiện vật và mời các chuyên gia có kinh nghiệm để đánh giá và lên phương án khôi phục một cách bài bản và khoa học nhất.

Khảo sát công trình tu bổ, tôn tạo chùa Thổ Hà, Tiến sĩ Phạm Quốc Quân khẳng định đây là di tích có giá trị về lịch sử văn hóa lớn, chứa đựng nhiều hiện vật, cổ vật có giá trị cao. Tuy nhiên do điều kiện thời tiết, vị trí phức tạp (vùng trũng, gần sông) nên bị ảnh hưởng xuống cấp nhiều. Việc thi công, tu bổ tôn tạo di tích này là rất cần thiết và cần phải có đơn vị thi công có kinh nghiệm, có chuyên môn cao để thực hiện các hạng mục tu bổ.

Khảo sát thực tế tại công trình cho thấy đơn vị thi công và chủ đầu tư đã thực hiện tốt quy trình hạ giải, đánh giá thực tế các kết cấu kiến trúc, các di vật, tài liệu có trong di tích để có phương án tu bổ phù hợp trên nguyên tắc bảo tồn tối đa các yếu tố gốc của di tích (các mảng chạm khắc gỗ, các cấu kiện kiến trúc gỗ, cột gỗ, chân tảng đá xanh, tượng linh thú đá, rồng đá, động thờ phật chất liệu đất nung...).

Đặc biệt, chùa Thổ Hà có nhiều hiện vật bằng đất nung và đất trộn rơm là những hiện vật rất dễ bị hư hại nhưng cũng đã được hạ giả và lưu giữ cẩn thận có thể khôi phục lại nguyên bản. Đến nay, về cơ bản các hạng mục đã hoàn thành theo đúng thời gian và phương án thiết kế.