Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa – âm hưởng của những hùng binh

NDO -

NDĐT - Sáng 12-4, tức ngày 16-3 âm lịch, tại đình làng An Vĩnh, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã diễn ra Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Đông đảo cán bộ, nhân dân trên huyện đảo cùng du khách trong và ngoài tỉnh đã tham dự lễ hội.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại đình làng An Vĩnh sáng 12-4.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại đình làng An Vĩnh sáng 12-4.

Tương truyền, mỗi người lính trong đội Hoàng Sa khi đi làm nhiệm vụ phải chuẩn bị cho mình một đôi chiếu, 7 nẹp tre và 7 sợi dây mây để nếu không may xấu số bỏ mạng trên biển thì sẽ dùng để bó xác và thả xuống biển. Từ thực tiễn mất mát hy sinh của nhiều lớp người đi làm nhiệm vụ tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, ở đây đã hình thành một nghi lễ mang đậm tính nhân văn của người dân Lý Sơn - cúng thế cho người sống để cầu mong người đi được bình an trở về quê hương, bản quán.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa – âm hưởng của những hùng binh ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Phúc, trưởng tộc họ Nguyễn ở xã An Vĩnh.

Ông Nguyễn Văn Phúc, trưởng tộc họ Nguyễn ở xã An Vĩnh cho biết, trải qua hơn 400 năm kể từ ngày các bậc tiền nhân ra đảo khai hoang và tạo dựng cuộc sống bền vững cho con cháu Lý Sơn, tổ tiên chúng ta qua bao nhiêu đời đã có công lao bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bao người dân Lý Sơn nối tiếp truyền thống lần lượt tiến ra các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để đo đạc thủy trình dựng bia chủ quyền và khai thác sản vật để cúng nạp cho triều đình. Công trạng đối với Tổ quốc thật to lớn nhưng cũng thật bi hùng, bởi lẽ nhiều con cháu Lý Sơn phải hy sinh vì nhiệm vụ mà thân xác của họ mãi chôn vùi trong biển cả cũng như đất đảo Hoàng Sa. Vì thế, vua triều Nguyễn phong tặng cho các chiến sĩ trong đội Hoàng Sa là “Hùng binh Hoàng Sa”.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa – âm hưởng của những hùng binh ảnh 2

TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi.

Theo TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, qua những tư liệu mà ông tìm được, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tồn tại hàng trăm năm nay, không phải chỉ ở Lý Sơn mà những mơi nào có binh phu đi Hoàng Sa, Trường Sa thì nơi đó đều tổ chức. Tuy nhiên, ở những địa phương khác dọc biển Quảng Ngãi thì lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã mất đi, chỉ còn tồn tại trên đảo Lý Sơn. Nhân dân đảo Lý Sơn đã gìn giữ nó suốt hàng trăm năm qua, trong các dòng họ như họ Võ Văn, Phạm Văn, Phạm Quang… có nhiều binh phu đi Hoàng Sa, Trường Sa…, tổ chức tại Âm Linh tự, đình làng An Vĩnh và An Hải.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa – âm hưởng của những hùng binh ảnh 3

Tối 11-4, tại Am Linh tự, đã diễn ra lễ cầu hồn cho các vong linh binh phu Hoàng Sa về dự lễ khao lề sáng hôm sau.

“Đây là một lễ thức văn hóa tín ngưỡng đặc trưng, độc đáo không nơi nào có trong cả nước, vì ngoài những nghi lễ mang văn hóa truyền thống có ở nhiều địa phương khác như lễ thả thuyền ở dọc biển miền trung, thì lễ khao lề thế lính Hoàng Sa bổ sung những nét riêng tích hợp yếu tố văn hóa của vùng đảo này thành một lễ thức văn hóa tín ngưỡng độc đáo. Nó mang ý nghĩa bảo tồn văn hóa của ngư dân Lý Sơn và đồng thời mang ý nghĩa lớn trong việc góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ của chúng ta trên vùng Viễn Đông trong nhiều thế kỷ từ triều Nguyễn, chúa Nguyễn đến tận bây giờ”, ông Vũ nói.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa có một thời kỳ do những điều kiện khác nhau nên các tộc họ trên đảo Lý Sơn tổ chức lễ không quy mô như hiện nay. Từ năm 2005 đến nay đã phục dựng thành một lễ hội có tầm vóc. Nhưng theo ông Vũ, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa phải được chính nhân dân - chủ thể sáng tạo ra lễ hội đứng ra tổ chức thì mới mang ý nghĩa lớn lao. Được biết, năm nay, không chỉ người dân An Vĩnh tổ chức lễ khao lề, mà trước đó, ngày 2-4, tại đình làng An Hải, Lý Sơn cũng đã diễn ra lễ hội. Được tham dự lễ hội, sống lại không khí tiễn binh phu ra biển làm nhiệm vụ một thời, cũng là cách để những được tham dự lễ hội hiểu rõ về quá khứ và ý thức được việc bảo vệ chủ quyền biển đảo trong giai đoạn hiện nay.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa – âm hưởng của những hùng binh ảnh 4

Đọc sớ cầu hồn cho các binh phu Hoàng Sa.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa – âm hưởng của những hùng binh ảnh 5

Thổi ốc u, một nghi lễ không thể thiếu tại lễ khao lề.