Kinh đô Vạn Lại-Yên Trường trong lịch sử Vương triều Lê

NDO -

Ngày 25/12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa phối hợp Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Viện Sử học Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Kinh đô Vạn Lại-Yên Trường trong lịch sử Vương triều Lê”.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Di tích Vạn Lại-Yên Trường ở xã Thuận Minh và Thọ Lập, huyện Thọ Xuân ngày nay chỉ còn lưu giữ các dấu tích trong lòng đất, nhưng nơi đây từng là căn cứ địa, kinh đô của nhà Lê (1546-1593) trong sự nghiệp Trung hưng nhà Lê.

Qua 48 báo cáo của 58 tác giả tham dự hội thảo đã cung cấp cơ sở dữ liệu chung, quy mô, cấu trúc, hiện trạng, đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản Vạn Lại-Yên Trường. Các chuyên gia, nhà nghiên cứu, khoa học đã phát huy thế mạnh chuyên môn cùng phương pháp đặc thù khi thực hiện nội dung nghiên cứu theo phương pháp liên ngành và khu vực học.

Giá trị của di sản được phát lộ qua các đợt thăm dò, khai quật khảo cổ học, được luận giải, đối chiếu trong thư tịch, chính sử cũ, trong tri thức bản địa của dòng chảy văn hóa dân gian cùng kết quả nghiên cứu gần đây của các cơ quan khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử Trung ương, địa phương.

Qua đó, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, di sản phác thảo về diện mạo Vạn Lại-Yên Trường, từ vị trí địa lý, môi trường, cảnh quan, quy mô kiến trúc...; phân tích cơ sở thiết chế, so sánh, đối chiếu nguồn dữ liệu đa ngành và khuyến nghị nên thống nhất nhận thức và tên gọi là kinh đô Vạn Lại-Yên Trường.

Tuy nhiên, cấu trúc cụ thể, chuẩn xác của hệ thống cung điện, đền đài, kho tàng, cửa quan, cửa lũy, hào lũy, thành lũy, bến bãi, các hoạt động của triều đình, cuộc sống hoàng gia, các trận kịch chiến bảo vệ kinh thành tuy đã hé mở một số thông tin nhưng cần tiếp tục nghiên cứu, có thêm tư liệu, các dữ liệu để kiểm chứng, làm sáng rõ giá trị di sản phục vụ bảo tồn, phát huy.

Kinh đô Vạn Lại-Yên Trường trong lịch sử Vương triều Lê -0
 Các đại biểu tham quan hình ảnh giới thiệu về dấu tích kinh đô Vạn Lại-Yên Trường.

Thay mặt các đơn vị chủ trì hội thảo, GS, TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đánh giá, hội thảo được chuẩn bị bài bản, công phu, bắt đầu từ đề xuất của Thanh Hóa và giới sử học cùng mong muốn nhìn nhận khách quan, toàn diện, công bằng, trung thực về triều Lê Trung hưng.

Hội thảo có cái nhìn rộng mở, sâu hơn về một giai đoạn lịch sử, cùng lắng nghe với thái độ cầu thị, trao đổi, thống nhất ý thức xây dựng; nâng tầm nhận thức về vai trò, vị trí của kinh đô Vạn Lại-Yên Trường trong lịch sử triều Lê Trung hưng cũng như trong tiến trình lịch sử Việt Nam.

Yêu cầu đặt ra là phải tiếp tục nghiên cứu liên ngành, khu vực học, dựng lại diện mạo kinh đô Vạn Lại-Yên Trường, từ vị trí, môi trường, cảnh quan, quy mô, kiến trúc, các hoạt động chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, xã hội và văn hóa trong gần nửa thế kỷ của nhà Lê Trung hưng.

Trên cơ sở đó, đánh giá vai trò, chức năng, kinh đô Vạn Lại-Yên Trường trong lịch sử triều Lê Trung hưng cũng như trong tiến trình lịch sử Việt Nam, góp phần bổ sung, nâng cao nhận thức không chỉ về kinh đô Vạn Lại-Yên Trường mà cả về một giai đoạn phức tạp của lịch sử dân tộc đang còn những quan niệm, nhận thức khác nhau.

Mục đích sâu xa của hội thảo là hướng đến nhận thức đúng,nhận thức đủ, đánh giá chuẩn xác về di sản văn hóa kinh đô Vạn Lại-Yên Trường nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phục vụ hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị hóa nông thôn, công nghiệp hóa văn hóa gắn liền phát triển du lịch, phát huy nguồn nhân lực con người, thực hiện các chiến lược phát triển của huyện Thọ Xuân và tỉnh Thanh Hóa.

Trước mắt, cần mở rộng thêm các hoạt động thăm dò, khai quật khảo cổ học, thu nhập chứng cứ liên quan làm cơ sở xây dựng hồ sơ xếp hạng từng di tích cụ thể, hướng tới xếp hạng quần thể di tích kinh đô Vạn Lại-Yên Trường ở cấp cao hơn.

Cần quan tâm hơn việc giáo dục truyền thống, tăng cường giáo dục về giá trị di sản, nâng cao chất lượng các bộ sử quốc gia chính thức đến sách giáo khoa lịch sử phổ thông, sách, báo địa phương viết về kinh đô Vạn Lại-Yên Trường; đồng thời, gắn chặt bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, phát triển du lịch, du lịch kết nối di sản, công nghiệp hóa văn hóa trên địa bàn huyện Thọ Xuân.