Hình ảnh điện Kính Thiên đang hiện dần lên

NDO -

Điện Kính Thiên trong Cấm thành Thăng Long được xem là biểu trưng của quyền lực của triều đình, biểu trưng nổi bật của khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Từ những gợi mở trong phương pháp tiến cận nghiên cứu, có thể từng bước giải mã hình thái kiến trúc điện Kính Thiên nói riêng, kiến trúc cung điện Việt Nam nói chung.

Rồng đá (1467) ở thềm điện Kinh Thiên.
Rồng đá (1467) ở thềm điện Kinh Thiên.

Điện Kính Thiên là tòa điện thiết triều nằm chính giữa trung tâm Cấm thành của kinh đô Thăng Long thời Lê sơ (1428 - 1597). Đây là tòa điện quan trọng nhất, mang biểu trưng cho quyền lực tối cao của nhà vua và triều đình. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, toàn bộ kiến trúc cung điện thời Lê sơ trong Hoàng cung Thăng Long không còn tồn tại đến ngày nay. Tất cả đã bị vùi lấp dưới lòng đất. Chúng ta chỉ còn thấy thềm bậc đá chạm rồng được dựng vào năm 1467 của tòa điện Kính Thiên là dấu tích duy nhất may mắn còn sót lại trên mặt đất đến ngày nay. Đây cũng là dấu tích quan trọng định vị không gian và minh chứng lịch sử tồn tại của tòa chính điện trong Cấm thành của Kinh đô Thăng Long xưa.

Dường như là “nhiệm vụ bất khả thi”

Kết quả của cuộc khai quật quy mô lớn tại 18 Hoàng Diệu vào những năm 2002 - 2004 và các cuộc khai quật vào những năm tiếp theo tại khu vực xây dựng Nhà Quốc hội (2008 - 2009), khu vực Vườn Hồng (2012 - 2014) đã phát hiện nhiều loại hình di tích kiến trúc cùng hàng triệu di vật, phổ biến nhất là các loại đồ dùng vật dụng trong cung và vật liệu kiến trúc cung điện thời Lê sơ. Tiêu biểu, đặc sắc trong số di vật các loại ngói men vàng (hoàng lưu ly) và ngói men xanh lục (thanh lưu ly).

Những đợt khai quật ở khu vực “trục trung tâm” và khu vực điện Kính Thiên đã có nhiều phát hiện mới, cung cấp thêm nhiều tư liệu khoa học cho những hiểu biết về diện mạo, quy mô của các công trình kiến trúc và quy hoạch không gian kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long, đặc biệt là về kiến trúc thời Lê sơ và thời Lê Trung hưng. Cũng từ những phát hiện khảo cổ học này, một số nhà nghiên cứu hy vọng tìm kiếm manh mối để nghiên cứu phục dựng hình thái kiến trúc tòa điện Kính Thiên cho dù chỉ là giả định. Nhiều khó khăn, thách thức đặt ra với các nhà khoa học. Các kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long và cả các công trình kiến trúc các thời Lý, Trần, Lê sơ đều không còn tồn tại đến ngày nay. Tuy nhiên, các phát hiện của khảo cổ học cũng mới chỉ tìm thấy những mảnh vỡ của quá khứ. Để nhận diện được hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ nói chung, tòa điện Kính Thiên nói riêng gần như là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Hình ảnh điện Kính Thiên đang hiện dần lên -0
 Một số mảnh vật liệu kiến trúc thời Lê sơ khai quật được tại khu vực điện Kinh Thiên năm 2021.

 Khó khăn lớn nhất trong nghiên cứu về điện Kính Thiên là sự thiếu tư liệu về diện mạo, quy mô và hình thái nền móng. Để có thể mường tượng về tòa chính điện uy nghi và lộng lẫy này chỉ có thể nghiên cứu chuyên sâu các loại vật liệu xây dựng kiến trúc cung điện thời Lê sơ dựa trên những mảnh hiện vật để từng bước giải mã về tính chất, chức năng của các loại cấu kiện gỗ và các loại ngói lợp mái công trình.

Từ những viên “ngói rồng” đặc biệt

Những phát hiện khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long bao gồm khu vực điện Kính Thiên đều xác nhận rằng, các công trình kiến trúc cung điện, lầu gác trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ cũng phổ biến là kiến trúc gỗ, trên mái được lợp ngói. Nhưng thời kỳ này đã có những thay đổi rất cơ bản về quy hoạch không gian, về quy mô và kết cấu kiến trúc, đặc biệt là sự xuất hiện nhiều loại ngói tráng men (ngói lưu ly), khác biệt so với ngói thời Lý, Trần. Trong đó đặc sắc và khác biệt nhất là loại “ngói rồng” men vàng và xanh lục được tạo khối theo từng bộ phận của con rồng (đầu, thân, đuôi), khi ghép lại theo chiều dọc của mái nó sẽ tạo thành hình một con rồng hoàn chỉnh. Đây là loại ngói độc đáo nhất trong tất cả các loại ngói lợp mái cung điện cổ ở châu Á thời bấy giờ. Điều này đưa lại sắc thái rất riêng biệt cho kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ. Sự xuất hiện đa dạng các loại ngói trong cùng một khu vực điều này có thể nói rằng có nhiều công trình với quy mô khác nhau và có những chức năng khác nhau.

Hình ảnh điện Kính Thiên đang hiện dần lên -0
Ngói hình rồng men vàng thời Lê sơ. 

Từ kết quả phân loại chỉnh lý vật liệu kiến trúc thời Lê sơ và kết quả nghiên cứu so sánh, các nhà khoa học Viện Nghiên cứu kinh thành, (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) đã từng bước phục dựng hình thái bộ mái cung điện thời Lê sơ và mở đầu từ việc phục dựng mái điện Kính Thiên với các loại “ngói rồng” men vàng.

Đến bộ khung đỡ mái và hình thái kiến trúc điện Kính Thiên

Trên đồ gốm thời Lê sơ chúng ta may mắn có được những hình vẽ về kiến trúc đấu - củng được mô tả khá sinh động với nhiều tầng mái. Các cuộc khai quật chung quanh khu vực điện Kính Thiên cũng đã tìm thấy khá nhiều cấu kiện gỗ, bao gồm cột, xà, ván sàn và đặc biệt trong số đó có một số cấu kiện nằm trong kết cấu của hệ đấu - củng. Những tư liệu này cho thấy cấu kiện đấu - củng phổ biến trong kiến trúc hoàng cung Thăng Long từ thời Lý, Trần đến thời Lê sơ. Đây là phát hiện quan trọng, được xem là chìa khóa để giải mã về hình thái kiến trúc. Bằng chứng khảo cổ học cũng cho thấy rằng, kiến trúc đấu - củng thời Lê đều được sơn son màu đỏ và vẽ hoa văn bằng màu vàng, được thiết kế công phu, trang trí cầu kỳ và tráng lệ.

Hình ảnh điện Kính Thiên đang hiện dần lên -0
 Mảnh mô hinh tháp men xanh mô tả kết cấu đấu - củng thời Lê sơ khai quật được ở khu vực điện Kính Thiên năm 2021.

Đến nay chúng ta chưa khai quật trong lòng của khu vực thềm điện Kinh Thiên, do đó chưa có thông tin cụ thể và chính xác về kết cấu, quy mô của công trình này. Sử cũ và tư liệu khảo cổ học cho biết, tại Lam Kinh triều đình đã cho xây dựng một số cung điện quan trọng như khu chính điện, mặt bằng của điện bố trí hình chữ Công (工). Dựa trên kết quả khai quật của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam từ những năm 1996, nghiên cứu bản vẽ mặt bằng chính điện Lam Kinh cho thấy bước gian ở điện Kính Thiên khá tương đương.

Từ các kết quả nghiên cứu đó, trong năm 2020 - 2021, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu kinh thành đã tiến hành phục dựng hình thái kiến trúc điện Kính Thiên. PGS Bùi Minh Trí, Viện trưởng, cho biết: “Thành quả nghiên cứu này được thực hiện trong nhiều năm dựa trên tư liệu khảo cổ học và kết quả nghiên cứu so sánh với các kiến trúc cung điện cổ ở châu Á. Kết quả này cũng sẽ cho chúng ta cảm nhận sâu hơn về vẻ đẹp độc đáo và đặc sắc của kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ cùng với những nét tương đồng và sự khác biệt đặc sắc của kiến trúc cung điện Việt Nam trong lịch sử kiến trúc cung điện cổ ở châu Á”.